Việt Nam trong năm 2015 đã trải qua nhiều nghịch lý. Trên bề nổi, Việt Nam mang dáng vẻ của một quốc gia phát triển nhiều hứa hẹn. Sự kiện Việt Nam chính thức gia nhập vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, hoàn tất việc ký Hiệp ước mậu dịch với Liên Âu, tham gia vào Cộng đồng kinh tế Âu Châu và nhất là ông Nguyễn Phú Trọng đã viếng thăm Hoa Kỳ và Nhật Bản, cho thấy Việt Nam đang vươn lên ở một tầm vóc lớn trong Cộng đồng quốc tế.
Nhưng khi nhìn lại nội tình ở Việt Nam, xã hội đang đối diện với rất nhiều vấn nạn do chính bộ máy độc tài thoái hóa gây ra từ môi trường ô nhiễm, giáo dục xuống cấp, thất nghiệp gia tăng cho đến thượng tầng đấu đá quyền lực, tham ô nhũng lạm lan tràn. Nhắc đến cuộc sống, không một ai cảm thấy an lòng trước tình trạng độc hại của thức ăn, nước uống do những con buôn thao túng làm giàu.
Nhưng đáng nói nhất là những vấn đề tuy đã phát sinh từ nhiều năm qua, nhưng nay đã trở thành nguy cơ khó cứu chữa sau đây:
1- Điểm nổi bật đầu tiên phải nói đến là sự phá sản, nợ nần của nền kinh tế không chân đứng.
Định hướng xã hội chủ nghĩa bao giờ cũng được Việt Nam đề cao trong giai đoạn gọi là đổi mới hiện nay để thúc đẩy nền kinh tế tiến vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Một năm trôi qua, ước mơ ấy cũng chìm trong thất vọng khi gánh nặng nợ nần tăng nhanh, trong lúc ngân sách thường xuyên thu không đủ bù chi. Các tổng công ty, tập đoàn kinh tế một thời là niềm tự hào của Hà Nội nay chỉ sống vất vưởng cầm hơi.
Trong sự chì chiết của công luận, các dự án ngàn tỷ, hệ thống tượng đài lãnh tụ vẫn hân hoan chờ duyệt xét. Nếu năm 2014, nợ công bình quân theo đầu người dưới 1000 USD thì năm 2015 con số đã vượt lên 1.016 USD.
Theo đồng hồ nợ công toàn cầu (Global debt clock) trên trang The Economist.com, nợ công của Việt Nam đang ở mức 94,4 tỷ USD, một con số nếu không muốn nói là cao ngất ngưởng thì cũng không thể có điểm nào lạc quan.
Trong khi các viên chức bộ Tài chánh và bộ Kế hoạch Đầu tư tranh cãi nợ công vượt mức trần 65% quốc hội cho phép hay chưa, thực tế cho thấy trong suốt nhiều năm liền Việt Nam không trả được nợ đáo hạn. Biện pháp giải quyết bao giờ cũng là vay nợ sau trả nợ trước.
Nhưng chính phủ cũng chưa thể xoa tay hài lòng vì vấn nạn thâm hụt ngân sách càng ngày càng trở thành cái ung nhọt trong cơ thể có quá nhiều căn bệnh trầm kha. Nhất là khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư than thở trước quốc hội quả bom nổ chậm: cuối năm ngân sách chỉ còn 45.000 tỷ đồng, không biết phải chi tiêu ra sao. Thực tế đang diễn ra trong những tháng cuối năm, nhiều huyện, xã cạn kiệt ngân sách chi tiêu, ngay cả tiền trả lương nhân viên cũng không có.
Đó là kết quả của một năm vung tay quá trán và cách làm ăn bất chấp hiệu quả kinh tế. Nền ngoại thương đưa ra con số ngày càng cao của bóng ma nhập siêu với người bạn láng giềng. Chỉ tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2015, Việt Nam nhập cảng từ Trung Cộng lên tới 32,55 tỷ USD, xuất cảng của hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Cộng chỉ đạt 11,04 tỷ USD. Con số chênh lệch 21 tỷ rưỡi đô-la có lẽ cũng chưa đủ bù đắp cho tình đồng chí hữu hảo đôi bên.
Sự tiếp tục phá sản và công nợ ngập đầu trong năm 2015 cho thấy những kẻ nắm vận mệnh đất nước trong tay biết ăn mà không biết làm, thậm chí càng ngày càng ăn bạo vào tài nguyên đất nước và sự đóng góp của toàn dân. Tệ nhất là xuất hiện suy nghĩ hôm nay trả nợ không hết thì con cháu đời sau sẽ trả tiếp.
2- Sự thoái hóa của nền giáo dục và việc bỏ môn sử cũng khiến dư luận không thể không lo âu.
Những ngày cuối năm cũng là thời điểm cần nhìn lại nền móng đào tạo tương lai cho đất nước để biết được chiều hướng phát triển của nền giáo dục. Có quá nhiều sự kiện khiến dư luận thất vọng từ đầu năm đến cuối năm. Một nhà giáo dục, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội khẳng định: “Nền giáo dục của ta đã đi ngược so với thế giới một thời gian dài”.
Sự đi ngược với thế giới được mô tả như sự thoái hóa tư tưởng mà các nhà giáo dục có trách nhiệm trong việc đào tạo con người. Một trong các lý do chính là cho mãi đến nay Việt Nam vẫn cố ôm cứng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin để nhồi nhét vào các giáo trình từ tiểu học, trung học đến đại học và là một môn thi tốt nghiệp.
Cán bộ giáo dục của đảng cố tình làm ngơ một sự thật là trên thế giới, chủ nghĩa ấy đã bị vượt qua và bị nhân loại từ bỏ. Giáo dục thay vì phải cởi trói tư duy con người để cho dân tộc Việt Nam được mở rộng tầm nhìn ra thế giới bên ngoài, lại cố tình dùng chính sách độc quyền giáo dục để nhào nắn tư tưởng con người theo một hướng nhất định.
Xử dụng một thứ tư tưởng đã phá sản nên mục tiêu đào tạo “con người mới xã hội chủ nghĩa” đưa đến kết quả trồng người lộn ngược đầu là lẽ đương nhiên. Với biết bao hệ lụy từ một nền giáo dục chắp vá, chắc chắn còn lâu Việt Nam mới có thể huênh hoang bắt kịp văn minh thế giới hay “cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại” vào năm 2020 như nghị quyết đại hội đảng đề ra.
Một nguyên nhân khác khiến hệ thống giáo dục Việt Nam thụt lùi là đảng CSVN bằng mọi giá cố giữ chặt quyền lưc độc đảng. Nhất quyết không chấp nhận đa đảng, tức là đi ngược trào lưu dân chủ hóa của nhân loại. Khi nói đến giáo dục, bao giờ cũng tự hào giáo dục xã hội chủ nghĩa là ưu việt.
Mặt khác, bất chấp sự xâm lăng của Trung Cộng càng ngày càng công khai trên Biển Đông, đảng cố dựa vào Trung Cộng, coi Trung Cộng là đồng minh đáng tin cậy để tồn tại.
Thời gian gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn đề ra vấn đề “tích hợp” môn Lịch sử mà nếu được thực hiện, môn học này sẽ bị bỏ qua trên thực tế. Các thế hệ trẻ Việt Nam không còn biết cội nguồn dân tộc sẽ giúp cho Bắc Kinh dễ dàng đồng hóa dân ta trong tương lai.
Đó là những nghịch lý mà đảng CSVN đang làm và chính những điều đó đã buộc nền giáo dục Việt Nam phải đi ngược lại với sự tiến hóa chung của thế giới.
3- Năm 2015 cũng là năm mà tình trạng tham nhũng không những không bị đẩy lùi mà còn diễn ra phức tạp hơn, dù có những màn trình diễn nghèo nàn từ ban Nội chính Trung ương. Đến nỗi chủ tịch nước Trương Tấn Sang phải thốt lên một cách đầy bất lực “buồn, xấu hổ và nhục lắm” khi bị cử tri Sài Gòn chất vấn chuyện này.
Mới đây trong Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng tổ chức ở Hà Nội ngày 24/12, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khi trả lời báo chí đã thừa nhận “cơ quan chống tham nhũng có tham nhũng”! Lời thú nhận ấy không khác một gáo nước lạnh hất vào mặt Ủy ban phòng chống tham nhũng trung ương và các ban bệ của nó.
Bên cạnh tình trạng tham nhũng được mô tả “hết thuốc chửa”, những cuộc đấu đá trong nội bộ đảng càng ngày càng công khai ngay trước thềm đại hội đảng đầu năm 2016. Tình đồng chí mà những người cộng sản hằng đề cao được đặt dưới sự tranh giành địa vị cao thấp trong đảng. Từ đó các phe nhóm chia chác quyền lực để nắm giữ các khu vực quyền lợi làm giàu cho bản thân và gia đình.
Không phải ngẫu nhiên mà tài liệu nội bộ như bức thư 9 trang đánh máy nói là của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được tung ra rộng rãi những ngày cuối năm. Nó làm người ta nhớ tới những bài viết đấu tố tung ra trước đây trên trang Chân Dung Quyền Lực.
Sau hội nghị trung ương 13, 4 chiếc ghế của tứ trụ triều đình chưa phân chia ngã ngũ cho thấy sự tranh chấp vô cùng gay go giữa các thế lực chính trị trong nội bộ đảng CSVN, một đảng thoái hóa trước sau chỉ biết đặt quyền lợi mình lên trên hết.
4- Cuộc sống của người dân bình thường trong năm qua vẫn quá nhiều khó khăn. Sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng bị khoét sâu. Người dân phải đánh vật với các sắc thuế mới và biết bao phí và lệ phí trong đời sống hàng ngày.
Dù chính phủ có khoe khoang mức tăng trưởng trong năm lên tới gần 7% – cao nhất trong 5 năm qua, hay mức lạm phát chưa đến 1% nhưng mức tin tưởng vào tài lãnh đạo kinh tế của nhà nước cũng thấp ở mức 0%. Trong tỷ lệ tăng trưởng này ít ai để ý đến con số 12 tỷ kiều hối của năm 2015, con số ngẫu nhiên tương đương với mức tăng trưởng.
Những biến cố kinh tế – tài chánh như nợ xấu, ngân hàng sập tiệm, hơn 81 ngàn xí nghiệp phá sản chưa tính hàng chục ngàn xí nghiệp “chết nhưng chưa chôn”, sản xuất đình đốn, phá giá đồng bạc nhiều lần cùng lúc giáng những đòn mạnh vào đời sống xã hội khiến dân nghèo đã điêu đứng lại càng điêu đứng hơn.
Với con số 2,109 đô-la được nói là thu nhập bình quân đầu người năm 2015 mới được Tổng cục thống kê công bố, không ai nghĩ là thực sự đời sống người dân Việt đang khá lên.
Chỉ cần nhìn vào hai hiện tượng hàng năm số lượng cử nhân, thạc sĩ tốt nghiệp không tìm được việc làm và con số hàng trăm ngàn người Việt Nam đua chen nhau đi “lao động hợp tác” nước ngoài đủ thấy nền kinh tế đất nước đang u ám hay sáng sủa.
***
Tóm lại, cho dù có định hướng xã hội chủ nghĩa, trong năm 2016 người dân Việt chắc vẫn còn nô nức xếp hàng kiếm một suất lao động phổ thông ở các nước tư bản lân cận kiếm miếng ăn cho gia đình, đồng thời cũng đóng góp tích cực vào núi tài sản của vô số quan lại của triều đình Hà Nội.
Điều đáng tin nhất khi bước qua năm 2016 là, chủ nghĩa xã hội, mục tiêu cuối cùng của đảng CSVN, đến cuối thế kỷ 21 chưa biết có hay chưa, đúng như lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng thú nhận.
Phạm Nhật Bình