10 sự kiện nổi bật của Thế Giới năm 2015

1Nhà nước Hồi Giáo IS tấn công Tòa soạn tuần báo Charlie Hebdo

Hiện trường vụ thảm sát tại tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Paris vào sáng 7/1/2015

 

Tháng 1/2013, Charlie Hebdo cho phát hành số báo mang tên La Vie de Mahomet (Cuộc đời của Mahomet), qua đó họa sĩ kiêm tổng biên tập Charb đã biếm họa về cuộc đời của giáo chủ Hồi Giáo khiến cho Tổ chức Al-Qaeda lên án và ra lệnh truy sát. Lúc 11 giờ 35 phút sáng ngày 7/1, hai tên khủng bố của nhóm IS là Cherif Kouachi và anh trai Said đã đột nhập vào tòa soạn báo Charlie Hebdo ở quận 11 Paris, xả súng giết chết 12 người và làm bị thương 11 người, tạo ra một nỗi kinh hoàng và sự phẫn nộ rất lớn trong dân chúng. 5 họa sĩ biếm họa nổi tiếng của Pháp là Charb, Cabu, Tignous, Wolinski, Honoré cùng nhà phân tích kinh tế Bernard Maris đều là nạn nhân trong vụ tấn công này. Một cuộc tuần hành nhằm phản đối cuộc thảm sát dưới tên Je suis Charlie đã có hơn 1 triệu người tham gia.

2Hy Lạp vỡ nợ

Lo ngại ngân hàng sụp đổ, người dân Hy Lạp đổ xô đi rút tiền

Để tổ chức Thế Vận Hội mùa hè vào năm 2004, Hy Lạp đã chi mạnh tay lên đến 9 tỷ Euro. Sau đó, những công trình xây dựng này hầu như bị bỏ hoang, ngày một xuống cấp, trong khi kinh tế lại gặp khó khăn kéo Hy Lạp ngập chìm trong những khoản nợ khổng lồ. Chính phủ Hy Lạp đã phải thương lượng với các nước chủ nợ để gia hạn nợ và thi hành chính sách cải cách thắt lưng buộc bụng. Suốt trong tháng 6/2015, Hy Lạp đã đàm phán với nhóm chủ nợ về các điều kiện cải tổ để nước này được nhận tiếp khoản cứu trợ cuối cùng trị giá 7,2 tỷ Euro nhưng thất bại. Ngày 28/6, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã để cho ngân hàng và thị trường chứng khoán Hy Lạp tạm ngừng hoạt động, khiến cho dân chúng lo sợ mất tiền nên đã đổ xô đi rút tiền. Sau cuộc đàm phán “phút chót” với các chủ nợ một lần nữa đổ vỡ, Hy Lạp không thể thanh toán đúng hạn khoản nợ 1,6 tỷ Euro cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và rơi vào cảnh vỡ nợ vào đầu tháng 7/2015.

3Khủng hoảng thị trường chứng khoán Trung Quốc

Nhà đầu tư Trung Quốc đau khổ trước sự suy giảm giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán tại Thượng Hải

Tháng 6/2015, chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc Shanghai Composite Index đạt tới mức cao nhất lịch sử. Nhưng chỉ một tháng sau đó, chứng khoán nước này mất một nửa số điểm tích lũy. Đến ngày 20/8, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Trung Quốc giảm 3,39%, chỉ số Shenzhen Composite của thị trường Thẩm Quyến mất 3%. Trong khi đó, cổ phiếu của các công ty vận tải, địa ốc, ngân hàng và chứng khoán giảm mạnh. Đặc biệt chỉ số Shanghai Composite Index đã “bốc hơi” hơn 40%. Kể từ khi cổ phiếu trên thị trường đại lục bắt đầu bị bán tháo vào tháng 6, nhà cầm quyền Trung Quốc đã đổ tội cho các thế lực nước ngoài thao túng thị trường và đẩy chứng khoán nước này lao dốc, thay vì chấp nhận nguyên ủy là do các yếu kém, sai lầm nội tại. Cùng lúc, Bắc Kinh đã phải tung ra một chương trình cứu thị trường chứng khoán với 6.000 tỷ Mỹ Kim chưa từng có tiền lệ. Song song với vấn nạn nổ bong bóng thị trường chứng khoán, Trung Quốc đã phải phá giá đồng nhân dân tệ, tạo ảnh hưởng sâu rộng lên tiền tệ của nhiều nước trên thế giới.

4Vụ nổ kho hóa chất ở hải cảng Thiên Tân

Khu vực quanh vụ nổ ở Thiên Tân vẫn bị phong tỏa ̣(Reuters)

Tối ngày 12/8, kho chứa hóa chất của Công ty Kho vận Quốc tế Thụy Hải phát nổ khiến 173 người chết, 797 người bị thương, tiêu hủy hơn 8 ngàn xe cộ và làm hư hại hơn 17 ngàn căn hộ nằm trong vùng bán kính 2 cây số của vụ nổ. Theo số liệu do nhà chức trách Trung Quốc công bố, nhà kho bị nổ chứa khoảng 40 loại hóa chất khác nhau, bao gồm 700 tấn chất có độc tố cao, chủ yếu là natri xyanua, 800 tấn nitrat amoni. Đặc biệt vụ nổ này đã phơi bày một thực trạng thiếu huấn luyện, thiếu nhân sự, trang bị sơ sài của hệ thống cứu hỏa nên đã dẫn đến một số sai lầm trầm trọng trong cách cứu hỏa. Thay vì dùng bọt, cát để dập tắt những đám cháy hóa chất, các lính cứu hỏa lại dùng súng phun nước với áp lực cao. Đây là vụ nổ gây thiệt hại nặng nhất kể từ khi nhà nước Cộng Sản được thành lập tại Hoa Lục vào năm 1949 đến nay.

5Nhật bản thông qua các đạo luật về an ninh mới

Lực lượng tự vệ Nhật Bản được huấn luyện và tân trang vũ khí tối tân (NHK)

Sau hơn 5 tháng tranh luận và giải trình về đề nghị cải sửa các đạo luật an ninh do nội các Thủ tướng Abe đệ nạp, Hạ Viện Nhật đã bỏ phiếu thông qua hôm 16/7 và Thượng viện bỏ phiếu thông qua hôm 19/9, cho phép Lực lượng tự vệ Nhật (SDF) sử dụng quyền phòng vệ tập thể. Việc cải sửa này đã cho phép lực lượng tự vệ Nhật không chỉ đi tuần tra chung mà còn có thể nổ súng hoặc tiếp tế cho quân đội đồng minh (Hoa Kỳ, Úc, Philippines) đang đánh nhau với một nước A để giải cứu nước B là quốc gia đồng minh chiến lược với Hoa Kỳ cho dù quốc gia B không là đồng minh chiến lược của Nhật. Hoa Kỳ, Úc Châu, Philippines và nhiều quốc gia Âu Châu hoan nghênh việc Nhật tăng cường vai trò chiến đấu của SDF để bảo vệ hòa bình biển Đông, nhưng Trung Quốc và Nam Hàn, vốn có quá khứ đau thương với Nhật, nên đã phản đối việc cải sửa này và cho là đang đi vào con đường quân phiệt hóa Nhật Bản như trước Đệ nhị Thế chiến. Bên cạnh đó, Trung Quốc càng chống đối mạnh vì tham vọng bành trướng ảnh hưởng trên biển Đông bị đe dọa.

6Giá dầu thô giảm giá kỷ lục 40 Mỹ Kim/Thùng

Những thùng dầu thô chờ xuất cảng của Arab Saudi

Giá dầu thô trong những phiên giao dịch cuối năm 2015 đã rớt xuống dưới mức 35 Mỹ Kim/thùng – mức giá thấp nhất kể từ đầu năm 2009 đến nay. Theo cảnh báo của Goldman Sachs  thì giá dầu thô sẽ tiếp tục giảm trong suốt cả năm 2016, có thể rơi xuống mức 20 Mỹ Kim/thùng. Nguyên do chính dẫn đến việc giảm giá dầu là do nhu cầu tiêu thụ ở một số thị trường lớn gồm Trung Quốc, Brazil và Âu châu lao dốc do kinh tế yếu kém, trong lúc sản lượng dầu đều tăng ở các nước sản xuất chính như Hoa Kỳ, Nga và khối OPEC, thậm chí ở cả các khu vực đang có giao tranh như Libya hay Iraq. Đối với Việt Nam, nguồn thu từ khai thác dầu thô chiếm 20%  tổng thu ngân sách nhà nước, nên việc giảm giá dầu thô đã khiến cho ngân sách năm 2015 bị giảm lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Tình trạng này đã khiến cho CSVN không đủ tiền trả nợ đáo hạn, cũng như cung cấp tiền hoạt động cho nhiều địa phương, dẫn đến hệ lụy phá sản một số thành phố Bạc Liêu, Cà Mau, Hải Phòng vân, vân…

7Mỹ đưa chiếm hạm tuần tra trên Biển Đông

Chiến hạm USS Lassen từ cảng Yokota Nhật đang tiến vào quần đảo Trưởng Sa

Sau thất bại trong việc thuyết phục Trung Quốc ngưng kế hoạch bồi đắp các đảo nhân tạo nhằm xây dựng những căn cứ quân sự trong quần đảo Trường Sa, Tổng thống Obama đã ra lệnh cho Tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương tiến hành việc tuần tra chung quanh 12 hải lý các đảo Subic đã chiếm của Việt Nam năm 1988. Ngày 27/10, Hoa Kỳ cho phép tàu khu trục USS Lassen (DDG-82), lớp Arleigh Burke từ quân cảng Yokota đã đi vào vùng 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp trái phép ở Đá Xu Bi, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc lên tiếng phản đối và cho hai tàu chiến đi theo phía sau để theo dõi nhưng không có bất cứ hành động khiêu khích nào. Việc Washington điều động tàu hải quân đi ngang vùng 12 hải lý là hành động mạnh nhất của Mỹ cho tới nay nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.

8Liên đoàn quốc gia vì dân chủ Miến Điện thắng lớn bầu cử Quốc hội

Người dân Miến Điện vui mừng trước sự thắng cử vẻ vang của đảng NDL (AP)

Sau nỗ lực hòa giải giữa Tổng Thống Thein Sein với bà Aung San Suu Kyi vào ngày 15/8/2011, Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ (NLD) và bà Aung San Suu Kyi đã tham dự cuộc bầu cử bổ khuyết 2012, giành được 44 ghế trong số 45 ghế bổ khuyết ở quốc hội. NLD bắt đầu phục hồi và đặt trọng tâm xây dựng hạ tầng cơ sở nhằm chuẩn bị cuộc bầu cử quốc hội năm 2015. Mặc dù có đến 92 đảng phái, đoàn thể tham gia cuộc bầu cử, nhưng đa số các đảng đối lập đã ủng hộ để NDL thắng cử. Vì thế mà cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 8/11/2015, NDL đã chiếm đa số phiếu, đánh bại đảng cầm quyền Liên minh đoàn kết và phát triển (USDP). Sự thắng thế của đảng NLD sẽ tạo ra một nền chính trị “cộng sinh” giữa dân chủ và quân phiệt trong 5 năm tới. Phe quân đội sẽ liên kết với đảng USDP để tìm cách ngăn cản những đề nghị cải sửa hiến pháp; nhưng nếu NLD khôn khéo tạo cho tập thể quân đội sự an tâm, để họ trở về đúng chức năng “bảo vệ” đất nước, sẽ giúp cho Miến Điện tiến những bước rất lớn trên con đường cải cách.

9Khủng bố Hồi Giáo ở Paris

Hàng ngàn người đến đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân bị sát hại trong vụ tấn công của nhóm khủng bố IS vào đêm 13/11

Đêm 13/11, người dân thủ đô Paris đã bàng hoàng khi nhóm khủng bố tự xưng là nhà nước Hồi giáo tấn công đẫm máu tại 6 địa điểm như sân vận động Stade de France, nhà hát Bataclan,  nhà hàng Le Carillon và Le Petit Cambodge…  trong quận 10 và 11 của Paris, khiến cho 132 người thiệt mạng, non 400 người bị thương. Tổng thống Francois Hollande đã nhanh chóng tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước, áp dụng hàng loạt biện pháp tăng cường an ninh tại thủ đô, đóng cửa biên giới. Có 7 tên khủng bố đã thiệt mạng và kẻ chủ mưu Abdelhamid Abaaoud (quốc tịch Bỉ), đã bị giết chết trong vụ đột kích của cảnh sát Pháp ngày 19/11. Ngoài ra, Pháp đã đưa 10 chiến đấu cơ từ các căn cứ Tiểu vương Arab thống nhất và Jordan để tham gia vào các cuộc không kích IS, nhắm vào thị trấn Raqqa, thành trì của IS tại Syria. Kết quả, nhiều cơ sở quan trọng của IS bị phá hủy, bao gồm một trung tâm chỉ huy, cơ sở chiêu mộ binh sĩ, kho lưu trữ đạn dược và vũ khí, một trại huấn luyện.

10F16 của không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu Su-24 của Nga

Hình ảnh hiện trường máy bay Su-24 của Nga bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ ở vùng núi Turkmen thuộc tỉnh Latakia phía Bắc Syria

Ngày 24/11, máy bay F16 của không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã phóng hỏa tiễn bắt rớt một máy bay  Su-24 của Nga đang trên đường trở về căn cứ ở Bắc Syria. Ngày hôm sau, Thủ Tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu lên tiếng xác nhận chính ông đã ra lệnh cho việc bắn hạ máy bay Su 24, vì đã vi phạm không phận nhiều lần và coi thường sự cảnh báo của chính quyền Thổ. Sự việc bất ngờ này đã khiến lãnh đạo hai nước công khai mạnh mẽ phản đối nhau, tạo ra tình trạng căng thẳng giữa hai nước. Thậm chí, Nga còn tổ chức họp báo tố cáo chính quyền Thổ đã cấu kết với nhóm IS để mua dầu thô rẻ. Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng máy bay Nga xâm phạm không phận của mình, điều mà chính phủ Nga cực lực phủ nhận. Đây là biến cố chiến đấu cơ bắn hạ chiến đấu cơ duy nhất trong vòng nửa thế kỷ qua.

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here