VIỆT NAM- Trên trang mạng của tờ Thanh Niên loan tin cho hay sáng ngày 25/12/2015 bộ Công an đã tổ chức một cuộc họp nhằm thông báo tình hình, kết quả của Bộ trong năm 2015. Tại đây thiếu tướng Trần Sơn Hà – Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, trong 5 năm qua, cả nước xảy ra gần 200 vụ chống người thi hành công vụ, khiến hàng chục cảnh sát bị thương nặng.
Tình trạng chống người thi hành công vụ diễn biến phức tạp, nổi cộm trong thời gian vừa qua là trường hợp 2 cảnh sát giao thông thuộc Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội (đội Cảnh sát giao thông số 5) và Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Hưng Yên bị tài xế chống đối, tông xe bị thương nặng khi làm nhiệm vụ.
Ông Hà nói thêm: “Nhiều thanh niên con nhà giàu, đi xe hạng sang khi bị cảnh sát dừng phương tiện đã chống đối, lăng mạ, thách thức lực lượng chức năng. Các đối tượng vi phạm có hành vi ngày càng manh động, khi dừng phương tiện, lập tức chửi bới, lao vào tấn công cảnh sát”.
Theo những nhà hoạt động xã hội thì chuyện người đi xe cãi với cảnh sát giao thông thường xảy ra vì nhiều lúc không vi phạm cũng bị chận lại bắt đóng tiền phạt, nhưng việc đánh người thi hành công vụ thì chỉ một vài trường hợp đặc biệt mà thôi. Ngược lại chuyện cảnh sát giao thông đánh người xảy ra thường xuyên, nhiều lúc đông người không tiện đánh gọi giới giang hồ đến đánh.
Điển hình là vụ án Phạm Sỹ Hoài Như – nguyên thượng úy CSGT Công an Q.Tân Bình, TP.HCM gọi giang hồ đánh người vi phạm giao thông vì cự cãi công an vừa bị TAND TP.HCM yêu cầu điều tra bổ sung, xác định lại tội danh cho phù hợp.
Trong thời gian gần đây nhiều người đi đường thấy cảnh sát giao thông đánh dân liền quay phim, chụp hình rồi thẩy lên mạng cho mọi người biết.
Luật lệ hiện hành không cấm chuyện này, nhưng bộ Công an ra lịnh cấm vì sợ bị mang tiếng là đánh dân.