Trong tháng Giêng năm 2015, hàng nhập cảng từ Trung quốc tăng mạnh với 4.2 tỷ Mỹ kim. Con số này trái với mong muốn thoát dần sự lệ thuộc vào nhập cảng từ Trung quốc.
Vài tháng qua, cán cân thương mại của Việt Nam đã quay trở lại mức thâm hụt và Bộ Công Thương dự báo năm 2015, nền kinh tế Việt Nam có thể bị thâm thủng mậu dịch từ 6 tới 8 tỷ Mỹ kim. Thâm hụt mậu dịch với Trung quốc không ngừng tăng mạnh những năm qua. Không chỉ nhập nhiều từ con số, mà còn về các loại hàng hóa, thứ gì cũng nhập. Các mặt hàng của Trung quốc tràn ngập, từ sản phẩm trang trí, tiêu dùng, đồ dùng gia đình đến bánh kẹo, quần áo.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện Trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho biết, trong tương quan thị trường thì Việt Nam vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung quốc. Nhập cảng vẫn nặng nhất ở thị trường này. Số hàng hóa xuất cảng của Việt Nam thặng dư với cả thế giới là 2 tỷ đô la Mỹ nhưng thâm hụt riêng với Trung quốc là hơn 30 tỷ Mỹ kim. Bao nhiêu cố gắng thặng dư xuất cảng với thế giới lại đổ sang bù vào thâm hụt từ Trung quốc. Đó là chưa kể con số buôn lậu, nhập cảng lậu không thể tính hết được.
Chưa dừng lại ở đó, theo cảnh báo của các chuyên gia, Việt Nam còn đối diện với nguy cơ nhập rác công nghệ từ Trung quốc, khi nước này đang thực hiện thải công nghệ lạc hậu để vươn kịp với nền sản xuất thế giới. Họ bước lên một trình độ phát triển công nghệ cao hơn, thì sẽ chuyển công nghệ cũ, lạc hậu của một số ngành kinh tế công nghiệp sang Việt Nam.
Ông Trần Đình Thiên kết luận, Việt Nam cứ thấy dễ là làm. Sự nỗ lực vươn lên ít hơn so với các nước khác, cho nên tính cạnh tranh yếu. Mỗi khi Việt Nam tiến được một bước, thì các nước đã tiến nhiều hơn, nên Việt Nam mãi thụt hậu.