Vào thời điểm thu hoạch vụ đông xuân, vụ lúa có sản lượng cao nhất và chất lượng tốt nhất của Việt Nam trong năm, thì Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết tính đến ngày 20 tháng 3 xuất cảng gạo Việt Nam giảm 34% so với cùng kỳ năm 2014.
Xuất cảng gạo kém trong các tháng đầu năm là tình trạng bị lặp lại trong vài ba năm trở lại đây. Hầu hết các khách hàng đều đòi giá mới, thường là thấp hơn giá cuối năm trước. Khi nguồn cung cấp dồi dào, các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm cách bán hàng nhanh, vì khả năng tài chính có hạn, và không đủ kho để chứa lúa gạo.
Thêm nữa, trong 2 năm trở lại đây, Thái Lan phải xả kho gạo dự trữ, bán gạo với giá thấp. Ngoài ra, nguồn gạo cung cấp từ Campuchia, Myanmar, Ấn Độ, Pakistan đưa ra thị trường ngày một lớn, càng làm cho các thị trường xuất cảng gạo của Việt Nam bị thu hẹp, cạnh tranh về giá ngày càng gay gắt.
Trong bối cảnh đó, Trung Cộng trở thành nhà nhập cảng lớn nhất của Việt Nam. Chỉ riêng xuất cảng gạo tiểu ngạch, trong năm 2013 họ đã nhập cảng 1.5 triệu tấn từ Việt Nam, và tăng lên 2 triệu tấn trong năm 2014. Tuy nhiên, từ tháng 8 năm 2014, Trung Cộng đóng cửa nhập cảng gạo tiểu ngạch, khiến cho việc xuất cảng gạo của Việt Nam giảm mạnh.
Không thể tiêu thụ được gạo, Việt Nam đã phải tạm trữ 1 triệu tấn gạo từ đầu tháng 3 vừa qua. Theo một doanh nghiệp xuất cảng gạo tại Sài Gòn, hình thức mua buôn bán tiểu ngạch là hợp pháp tại Việt Nam nhưng bất hợp pháp tại Trung Cộng. Các thương nhân Trung Cộng thuê xe tải chở lậu gạo đưa vào nước tiêu thụ nhằm tránh thuế.
Các doanh nhân Trung Cộng cũng muốn lợi dụng tình thế khó khăn của Việt Nam để ép giá thấp hơn nữa mới mua.
Sự quản lý, đầu tư yếu kém của CSVN trong lĩnh vực nông nghiệp đã khiến cho hạt gạo Việt Nam bị chèn ép trên thị trường thế giới.