Kính thưa quý thính giả, phần một bài viết nhan đề “Để ngày 30/04 không còn là ngày quốc hận” của tác giả Tấn Hà được gửi đến quý vị trong mục bình luận vừa qua đã tóm lược những điều đáng tủi hổ cho đất nước kể từ ngày được gọi là ngày “giải phóng” 30 tháng tư năm 1975.
Bởi vậy, nếu cố thủ tướng Võ Văn Kiệt nhận định rằng 30 tháng tư là ngày có “triệu người vui, triệu người buồn”, thì trên thực tế phải có đến hàng chục triệu người coi đó là “ngày Quốc Hận” từ gần 40 năm qua. Người Việt Nam phải làm gì để ngày này về sau không còn là ngày quốc hận nữa? Mời quý vị nghe sau đây phần 2 bài viết của tác giả Tấn Hà bàn về vấn đề này.
*************
Trong lịch sử nhiều đớn đau quằn quại để lập nước và mở rộng bờ cõi, Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tàn khốc. Mỗi cuộc chiến đều để lại những nỗi đau hận như những vết thương rỉ máu. Đọng lại trong ta những điệu Ca Huế ai oán, những Tháp Chàm sừng sững buông xuôi, những Cửu Long cuộn sóng… Nhưng những điều đó nay đã phôi pha theo dòng thời gian và đi vào lịch sử.
Vậy ta phải làm gì để ngày 30/04 không còn là ngày quốc hận nữa? Người ta không thể nuốt hận khi không nhận được sự trả giá công bằng. Một người bị oan sẽ nhẹ lòng khi được minh oan và bồi thường danh dự. Muốn có được điều đó cho chính thể Việt Nam Cộng Hòa, mà cụ thể là hàng trăm ngàn các quân cán chính của họ còn đang sống tại Việt Nam và lưu lạc nơi chân trời góc bể, cần được minh oan.
Liệu ĐCSVN có muốn làm điều trên hay không thì phải nói ngay rằng không! Nội việc công khai trận hải chiến Hoàng Sa bi hùng năm 1974 của các chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa bảo vệ tổ quốc trước quân xâm lược Trung Quốc, cũng đã là một điều khiên cưỡng. Vậy thì không bao giờ ĐCSVN chịu nhận tội xâm lược trước vong linh những chiến sĩ đã ngã xuống cả hai bên chiến tuyến (1954 – 1975), trước những gia đình đã tan nát vì chiến tranh, và trước hồn thiêng ngàn đời sông núi Việt Nam.
Chỉ có con đường duy nhất mà đại chúng nhân dân ngày nay đang chọn (công khai hoặc còn ngấm ngầm), đó là phải xóa bỏ sự cầm quyền trái phép của ĐCSVN. Chưa bao giờ – trong suốt 38 năm qua – cơ hội lại đến với người dân Việt Nam yêu hòa bình dân chủ và tự do lại rõ ràng như lúc này: Quốc tế đang ủng hộ mạnh mẽ cho việc dân chủ hóa Việt Nam, nội bộ ĐCSVN chia rẽ sâu sắc, nhân dân chán chường chế độ thối nát phi dân chủ, giặc ngoài nhòm ngó giang sơn, xã tắc trào sôi khát vọng tự do dân chủ, nhân quyền, đổi mới…
Muốn có được thành quả như mong ước, những người đấu tranh phải làm gì? Phải đấu tranh có phương pháp và có tổ chức – ĐCSVN sợ nhất là sự kết hợp của số đông. Đó cũng chính là lý do vì sao mặc dù họ vẫn cho mở cửa Internet và làm ngơ những tiếng nói phản đối đơn lẻ, nhưng thẳng tay kết tội “tuyên truyền chống nhà nước” hay “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” cho những nhà đấu tranh có liên kết với nhau, và quyết tâm triệt hạ các tổ chức đấu tranh, nhất là các tổ chức đấu tranh có thực lực.
Vậy cái gì có thể đoàn kết và gắn kết những người đấu tranh với nhau? Không gì khác hơn là cùng hướng vào một mục đích tranh đấu! Tất cả những người có cùng mục đích đều dễ dàng cảm thông và sát cánh. Chưa bao giờ và ở đâu các tôn giáo như ở Việt Nam lại sẵn sàng bắt tay nhau. Hiện nay ta đã thấy Công Giáo, Phật Giáo, Cao Đài, Tin Lành.., hiệp thông với nhau, đó là những tín hiệu rất tốt!
Người ta cũng còn lác đác thấy những chuyện chống phá nhau hay nhẹ hơn là đối lập nhau về quan điểm trên mạng Internet. Nhưng những cái đó chính là sự đa nguyên. Người ta cũng nên biết “sống chung với lũ”, đó là chấp nhận trên mạng Internet, hay ngay cả trong phong trào đấu tranh chung có sự hiện diện một cách tinh vi của an ninh do ĐCSVN “đánh” vào nhằm phá hoại phong trào từ bên trong. Nhưng chắc chắn sự sàng lọc thông qua những cọ sát đa nguyên bằng những phán bác, phản biện và phản phản biện, sự đúng đắn sẽ được công nhận và mọi thủ đoạn dù tinh vi đến mấy rồi cũng sẽ phải bị phơi bày…
Tại sao chúng ta – những người tranh đấu vì một sự thật và nhân quyền tự do – lại cần đến cái mà ĐSCVN sợ nhất, đó là những tổ chức? Lý do quan trọng nhất, đó là chỉ khi cùng đứng trong một tổ chức thì những bất đồng mang tính đa nguyên mới được dung hòa, đặc biệt là chỉ khi có tổ chức thì người ta mới lãnh hội được những kỹ năng, chiến thuật, chiến lược và phương pháp hành động có khoa học nhất. Một yếu tố không kém phần quan trọng, đó là một khi quốc tế muốn hỗ trợ người đấu tranh về các mặt thì họ chỉ tìm đến các tổ chức chứ không ai lại tìm đến các cá nhân, nếu có việc đó thì chỉ là các động thái xã giao để tìm hiểu thực trạng nhân quyền mà thôi.
Cứ đi rồi sẽ đến! Nếu chúng ta cứ ngồi “ôm vết thương mà lòng đớn đau” như một bài ca nào đó thì muôn thủa vẫn vậy. Thời cơ ngàn năm có một đã đến: Chưa bao giờ quốc tế lại quan tâm đến vấn đề tự do dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam như hiện nay, chưa bao giờ ĐCSVN lại bùng phát nhiều mâu thuẫn và chia rẽ sâu sắc không thể che đậy vì các (băng) nhóm lợi ích như lúc này, nhu cầu liên kết với các nước lớn để bảo vệ Giang sơn, xã hội bừng bừng giận dữ vì những bất công ngút trời dậy đất. Đó chính là cơ hội để ngày 30/04 không còn là ngày quốc hận vì mọi ân oán hận thù sẽ được gỡ bỏ khi chế độ độc tài sụp xuống và chân trời tự do dân chủ rộng mở trước mặt người dân Việt Nam …
*********
Kính thưa quý thính giả, cùng với những thực tế và triển vọng của cuộc đấu tranh mà tác giả Tấn Hà đã nêu trong bài, cơ hội phá vỡ nguyên trạng để xoay chuyển đất nước không còn là đều xa vời, mà trong đó, chính những đảng viên đảng CSVN hiện nay đã nhận thức được sự thực lịch sử sẽ là một trong những nhân tố tích cực cho việc xoay vần vận nước, góp phần biến ngày 30 tháng tư không còn là ngày quốc hận nữa.
Nhà thơ quá cố Nguyễn Chí Thiện đã nhìn thấy điều này từ năm 1971 trong bài thơ “Sẽ Có Một Ngày”, qua mấy câu thơ như sau:
Sẽ có một ngày con người hôm nay
Vất súng, vất cùm, vất cờ, vất Đảng
Đội lại khăn tang, quay ngang vòng nạng
Oan khiên!
Để rồi:
Trong buổi đoàn viên huynh đệ tương thân
Đứng bên nhau trên mất mát quây quần
Kẻ bùi ngùi hối hận.
Kẻ bồi hồi kính cẩn
Đặt vòng hoa tái ngộ lên mộ cha ông
Khai sáng kỷ nguyên tã trắng thắng cơ hồng!