Người dân ở các xã ven biển thuộc các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước…tỉnh Bình Định đang cảm thấy cay đắng, vì giá muối xuống thấp chưa từng có trong vòng 5 năm qua.
Những gương mặt u buồn, mồ hôi ướt đẫm không một chút hy vọng, bởi giá muối thu không đủ chi. Còng lưng phơi nắng được 1 tạ muối chỉ đủ mua được 2 tô bún. Nguyên nhân sụt giảm giá muối hiện nay một phần là do lượng muối tồn trữ từ năm trước đến nay lên đến hàng trăm ngàn tấn. Nhưng nhiều công ty hoạt động ở lĩnh vực này vẫn được phép nhập cảng muối. Bề ngoài họ cho rằng, chỉ nhập muối công nghiệp, nhưng thực tế đều chế biến muối ăn và cung cấp cho nhiều siêu thị kinh doanh.
Hầu hết diện tích muối trên địa phận Bình Định đều sản xuất theo phương thức truyền thống nên chất lượng thấp, muối chứa nhiều tạp chất, không thể sử dụng trong chế biến công nghiệp. Chính vì thế, muối truyền thống còn gọi là muối ăn, muối hầm của người dân dần bị mất thị trường tiêu thụ. Câu chuyện này đã được nói đến từ hàng chục năm nay. Nhưng dường như vẫn chưa có câu trả lời xác đáng từ các cơ quan chức trách, cho nên muối nhập vẫn cứ nhập, muối của dân tồn đọng vẫn cứ tồn đọng.
Còn rất nhiều loại nông sản khác của Việt Nam giá từng rớt thảm hại như khoai lang, dưa hấu, thăng long, cà chua .. phải đổ bỏ cả tấn. Bao mồ hôi nước mắt, tiền của, kỳ vọng,… của nông dân vỡ vụn.
Gần đây, những phong trào thiện nguyện, kêu gọi người dân tiêu thụ giúp đã diễn ra ở nhiều nơi với một số mặt hàng. Nhưng không thể trông chờ mãi vào việc hỗ trợ như vậy. Bộ nông nghiệp cần phải có giải pháp để giúp đỡ nông dân.