Đảng cộng sản-thắng hay bại cũng từ một lý do (phần 1)

- Quảng Cáo -

Kính thưa quý thính giả, trong tuần lễ cuối tháng tư này, người Việt Nam ở khắp nơi đều tưởng niệm biến cố 30 tháng tư 40 năm về trước. Nhân dịp này, trong mục bình luận hôm nay và kỳ tới, chúng tôi xin gửi đến quý vị một bài phân tích về lẽ thắng – bại trong biến cố 30 tháng tư. Bài của nữ đạo diễn Song Chi, đăng trên trang blog của tác giả. Sau đây mời quý vị nghe phần một của bài viết nhan đề “Đảng cộng sản-thắng hay bại cũng từ một lý do”.

 ****************

Sau 40 năm, khi cuộc chiến tranh Việt Nam đã có một khoảng cách đủ dài về thời gian để được soi chiếu lại dưới cái nhìn tỉnh táo, khách quan hơn từ nhiều phía và khi hiện tại của đất nước, dân tộc dưới sự cầm quyền độc nhất của đảng cộng sản càng làm rõ thêm cái quá khứ ấy, có lẽ phải còn mơ ngủ lắm mới nhầm lẫn về lý do dẫn đến “chiến thắng” của đảng cộng sản.
Trong những năm qua, nhiều nhà báo, nhà bình luận chính trị, sử học trong và ngoài nước đã phân tích về những nguyên nhân, lý do đó. Từ nguyên nhân khách quan, tình hình thế giới thay đổi cộng với sự phản đối cuộc chiến của người dân Mỹ và thế giới nói chung khiến Hoa Kỳ phải quyết định rút khỏi VN, cho đến nguyên nhân chủ quan, sự quyết tâm tiến chiếm miền Nam cho bằng được của đảng cộng sản, ngay từ đầu khi hai miền vừa mới bị chia cắt cho đến khi Mỹ đã rút khỏi VN, Hiệp định Paris đã ký kết; việc Mỹ bỏ rơi đồng minh khiến quân lực VNCH không có đủ tài chính, vũ khí…tiếp tục chiến đấu trong khi miền Bắc vẫn nhận được sự hỗ trợ tối đa từ Liên Xô, Trung Cộng và phe XHCN…Và có cả những lý do thuộc về sự sai lầm trong chiến thuật của cố Tổng thống Thiệu khi cho rút quân quá sớm, sau khi Buôn Mê Thuộc bị mất vào tay cộng sản, tinh thần mệt mỏi chỉ muốn kết thúc chiến tranh của người dân hai miền lẫn một số binh lính miền Nam…
Nhưng nhìn chung có thể gói gọn trong một câu, sở dĩ cộng sản đã thắng bởi vì họ bất chấp tất cả, họ không và chưa bao giờ thực sự vì quyền lợi của đất nước, dân tộc. Họ tiến hành cuộc chiến với sự mù quáng về ý thức hệ, về lý tưởng, tự nguyện biến VN thành bãi chiến trường cho hai phe cộng sản-tự do “nắn gân” nhau trên xương máu của người Việt.
Nếu thực sự biết nghĩ đến đất nước, nhân dân, đến hậu quả và cái giá phải trả, họ đã tìm cách tránh cho đất nước một cuộc chiến khủng khiếp và chọn một con đường thống nhất khác, bởi vì trong mấy quốc gia bị chia cắt trong lịch sử thế giới cận đại như Việt Nam, Đức hay Hàn Quốc, có quốc gia nào quyết chọn con đường thống nhất bằng bạo lực, bằng chiến tranh như đảng cộng sản VN đâu. Cùng lắm đến khi Hoa Kỳ đã rút, đảng cộng sản phải dừng lại, không tiếp tục tiến hành chiến tranh bất chấp ý nguyện của người dân miền Nam.
Có bao giờ đảng cộng sản có một cuộc trưng cầu dân ý chính thức trên toàn quốc rằng người dân có thực sự muốn đi theo con đường do đảng cộng sản lãnh đạo hay không. Hay là ngay từ đầu, trên một triệu người từ miền Bắc ồ ạt di dư vào miền Nam mà rất ít có chiều ngược lại, cho tới những ngày cuối cùng của cuộc chiến, quân đội Bắc Việt đi đến đâu người dân miền Nam bỏ chạy từ trước đó. Và câu trả lời rõ ràng nhất là hàng triệu người bỏ nước liều mạng ra đi sau ngày thống nhất chưa bao lâu, chiến tranh khốc liệt nhưng không mấy ai bỏ đi mà khi đất nước hòa bình người dân lại phải chạy trốn chế độ cộng sản. Cuộc di dân đó cho đến nay vẫn chưa hể chấm dứt, chỉ có điều thành phần ra đi đa dạng hơn, và bằng nhiều con đường khác hơn…
Đảng cộng sản quyết tâm đánh chiếm miền Nam không vì chính nghĩa chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam như họ đã rêu rao mà chỉ vì muốn nắm trọn quyền hành duy nhất. Cái quyết tâm ấy đã thể hiện ngay từ những ngày tháng Tám 1945 sau khi nắm quyền bính trong tay, đảng cộng sản liền tìm cách triệt hạ cho bằng hết các đảng phải và những lãnh tụ, chính khách đối lập khác. Đến khi thống nhất đất nước, họ cũng ngay lập tức gạt luôn Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam qua một bên, tống giam hàng triệu dân quân cán chính VNCH vào tù để ngăn chặn mọi nguy cơ ảnh hưởng đến quyền lực, nếu có.
Với cái khát vọng sâu xa “bao nhiêu quyền lợi ắt qua tay mình”, không chia sẻ quyền lực cho ai, không đếm xỉa gì đến nguyện vọng của nhân dân. Còn cái giá phải trả là hàng triệu nhân mạng đã ngã xuống, là đất nước tan hoang sau cuộc chiền…chả nhằm nhò gì với họ.
Bây giờ, sau 40 năm, đảng cộng sản đã chứng tỏ không ai đánh mà đại bại trong hòa bình. Thất bại từ việc tự động phản bội lại toàn bộ lý thuyết cho đến mô hình xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa; phản bội toàn bộ lý tưởng mà một thời họ ra rả tuyên truyền sẽ xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ nghìn lần hơn xã hội tư bản, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, không có khoảng cách người giàu người nghèo, y tế giáo dục miễn phí…
Tất cả những lý thuyết, lý tưởng ấy đã bị chính những người cộng sản vứt vào sọt rác ngay cả trước khi toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa cũ đứng đầu là Liên Xô sụp đổ, trước khi kinh tế kiệt quệ, cả dân tộc đứng bên bờ vực chết đói và họ buộc phải “mở cửa”, “đổi mới”, thực chất là sửa sai lại những cái họ đã tàn phá, đã phủ nhận trước kia như kinh tế thị trường, tư bản, tư hữu…Họ đã vứt bỏ từ khi đặt chân vào các đô thị của miền Nam và hoàn toàn thay đổi cách sống, lối nghĩ.

*****

- Quảng Cáo -

Kính thưa quý thính giả, Như vừa nêu trong bài “Bây giờ, sau 40 năm đảng cộng sản đã chứng tỏ không ai đánh mà đại bại trong hòa bình”. Sự đại bại của đảng Cộng Sản như thế nào? Hệ quả ra sao? Phần hai bài viết của nữ đạo diễn Song Chi được gửi đến quý vị trong mục bình luận kỳ tới sẽ phân tích về những vấn đề này. Mời quý vị đón nghe

 

(Còn tiếp)

http://www.rfavietnam.com/node/2553

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here