Phóng viên không biên giới lên án vụ xử 3 blogger Việt Nam
Hôm 17/02/2015, Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) đã ra thông cáo lên án vụ xử ba blogger Lê Thị Phương Anh, Phạm Minh Vũ và Đỗ Nam Trung. Theo tổ chức bảo vệ quyền tự do báo chí này, việc tuyên án tù ba blogger nói trên đã vi phạm quyền tự do thông tin và tự do ngôn luận.
Bị bắt ngày 15/05/2014 khi đến Đồng Nai để đưa tin về một cuộc biểu tình chống Trung Quốc của công nhân tại đây, Lê Thị Phương Anh, Phạm Minh Vũ và Đỗ Nam Trung đã bị truy tố với tội danh « lợi dụng các quyền tự do dân chủ », chiếu theo điều 258 bộ Luật Hình sự Việt Nam. Trong phiên xử ngày 12/02/2015, Tòa án Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tuyên án họ từ 12 đến 18 tháng tù.
Trong thông cáo đưa ra, ông Benjamin Ismail, đặc trách châu Á của tổ chức Phóng viên không biên giới, chỉ trích các bản án dành cho ba blogger nói trên và yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho họ. Ông Ismail cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế có hành động để gây áp lực lên nhà cầm quyền CSVN và đòi Hà Nội trả tự do cho toàn bộ các blogger và nhà báo-công dân còn bị giam cầm.
Phóng viên không biên giới nhân dịp cũng nhắc lại vụ nhà cầm quyền CSVN vừa xử phạt gần 700 triệu đồng, tịch thu tên miền trang mạng của tờ báo Người Cao Tuổi và đình chỉ chức vụ tổng biên tập của ông Kim Quốc Hoa, người đã từng đăng nhiều thông tin về các vụ tham nhũng liên quan đến các quan chức cấp cao.
Trung Quốc không còn là thiên đường của các tập đoàn đa quốc gia
Hôm qua 19/02/2015, nhật báo Công giáo La Croix qua bài viết với nhan đề « Trung Quốc không còn là thiên đường của các công ty đa quốc gia nữa » đã nêu lên ba điểm tối làm môi trường đầu tư vào Trung Quốc ngày càng kém hấp dẫn, đó là Luật lệ không minh bạch, kiểm duyệt Internet và ô nhiễm môi trường.
Phân nửa doanh nghiệp Châu Âu tại Trung Quốc, khi trả lời bảng thăm dò hàng năm của Phòng Thương mại Châu Âu ở Bắc Kinh đã đánh giá « Thời vàng son cho các tập đoàn đa quốc gia đã chấm dứt ». Tình hình này cũng tương tự từ phía đồng nghiệp Hoa Kỳ. Năm 2014, tăng trưởng Trung Quốc chỉ đạt 7,4%, kém nhất từ 24 năm qua. Niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài cũng suy giảm theo.
Theo La Croix, nỗi bất bình hàng đầu của các doanh nghiệp Châu Âu là môi trường luật lệ Trung Quốc, bị xem là quá mập mờ, kém minh bạch, và quá thiên vị cho các doanh nghiệp trong nước. Việc tập đoàn Qualcomn của Mỹ, chuyên sản xuất các con chíp điện tử cho các loại điện thoại thông minh, bị tuyên phạt 6 tỷ nhân dân tệ (tương đương với 860 triệu euro) với tội danh « lạm dụng vị trí thống trị », một án phạt chưa từng có, chỉ làm củng cố thêm cảm giác này. Trước đó, một loạt các tập đoàn nước ngoài đã bị đặt vào vòng điều tra như Mercedes, BMW hay Microsoft.
« Vạn Lý Trường Thành tin học », biệt danh của kiểm duyệt Internet, cũng gây ra nhiều vấn đề cho các doanh nghiệp nước ngoài, vốn dĩ quá quen thuộc với các công cụ làm việc phương Tây như Google chẳng hạn. 86% doanh nghiệp Châu Âu phàn nàn các hoạt động kinh doanh của họ đã bị đình đốn do những hạn chế và tình trạng kết nối chậm. 60% doanh nghiệp Mỹ cho rằng rủi ro các dữ liệu nhạy cảm bị đánh cắp tại Trung Quốc cao hơn rất nhiều so với những nơi khác.
Ô nhiễm môi trường làm nản lòng nhiều chuyên gia nước ngoài. Đại đa số các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc (53%) cho biết gặp khó khăn trong việc tuyển người đến làm việc tại cường quốc kinh tế hàng đầu Châu Á. Con số này tại Phòng Thương mại Châu Âu còn cao hơn lên đến 68%.
1/3 doanh nghiệp Châu Âu cho biết ô nhiễm môi trường đã làm tăng vọt chi phí tuyển dụng, do các ứng viên muốn có những khoản bù đắp. Nhất là tại các khu vực Bắc Kinh, Nam Kinh hay Thượng Hải, khoảng 60% doanh nghiệp nước ngoài tại đây đều đề cập đến khó khăn này.
Gần 40 triệu dân VN xử dụng Internet
Trong báo cáo thống kê mà WeAreSocial công bố thời gian gần đây về tình hình sử dụng Internet tại nhiều nước trên thế giới được đưa ra mới đây, cho thấy Việt Nam đang có 39,8 triệu người dùng Internet, chiếm 44% tổng dân số cả nước.
Trong khi đó, hiện nay, cũng có khoảng 28 triệu tài khoản mạng xã hội đang hoạt động tại Việt Nam. Con số 39,8 triệu thể hiện mức tăng 10% trong số lượng người dùng Internet tại Việt Nam so với cùng thời gian năm trước.
Thống kê cũng nói, một người Việt Nam dùng Internet trung bình mỗi ngày dành ra 5 giờ 10 phút truy cập Internet thông qua các thiết bị như máy tính cá nhân hoặc máy tính bảng. Nếu xét riêng truy cập Internet thông qua điện thoại di động, con số này là 2 giờ 41 phút.
Thống kê WeAreSocial cũng cho biết cụ thể 3 giờ 4 phút là thời gian một người Việt Nam dùng Internet bỏ ra để “lướt” mạng xã hội.
Trong khi đó, với 21% thị phần, Facebook đang là mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam. Xếp thứ hai là Google Plus với 13% thị phần. Twitter, Pinterest và LinkedIn là ba mạng được dùng nhiều tiếp theo.
Trong các ứng dụng nhắn tin, Facebook Messenger dẫn đầu với 14% thị phần.