Có thể nói hiện nay chẳng có mấy ai muốn đến Bắc Triều Tiên để du lịch, ngoại trừ một số người đến vì công việc riêng qua ngã du lịch. Năm 1998, chính quyền Bình Nhưỡng sử dụng một phần của dãy núi Kim Cương làm nơi du lịch cho khách nước ngoài đến thăm viếng với sự hiệp tác đầu tư của tập đoàn Hyundai Asan (Hàn quốc). Thật ra khách du lịch đến thăm núi Kim Cương này hầu hết là người Nam Hàn sang để thăm thân nhân qua chương trình Hội ngộ thân nhân của các gia đình bị ly tán. Chưong trình du lịch và hội ngô thân nhân ở núi Kim Cương này hàng năm đã đem lại cho Bình Nhưỡng khoảng chừng 90 triệu mỹ kim, đó là chưa kể tạo công ăn việc làm cho người Bắc Hàn. 90 triệu đô không phải là một số tiền nhỏ đối với một Bắc Triều Tiên đang bị sự chế tài của nhiều quốc gia. Năm 2008, lính Bắc Hàn canh gác ở một căn cứ quân sự tiếp cận khu du lịch vùng núi Kim Cương bắn chết một nữ du khách Hàn quốc đang đi dạo mát rồi đổ tội cho người nữ du khách này là điệp viên muốn xâm nhập vào căn cứ quân sự. Chính phủ Hàn quốc đã yêu cầu Bắc Triều Tiên phải xin lỗi và điều tra kỷ về sự việc này để không táp phạm, nhưng Bình Nhưỡng không trả lời vì vậy Seoul đã đơn phương đình chỉ chương trình Hội ngộ tại vùng núi Kim Cương. Bắc Triều Tiên đã tịch thu tất cả cơ sở mà tập đoàn Hyundai Asan đầu tư ở đó để kêu gọi khách Trung quốc, Nga, Đông Nam… đến du lịch, nhưng không có bao nhiêu khách, mỗi năm chỉ khoảng 10 ngàn người, trong khi trước đây tính riêng người Hàn quốc không thôi trung bình mỗi năm gần 20 vạn người, họ đến để gặp thân nhân sau gần 50 năm ly tán chứ chẳng phải để du lịch.
Trong thời gian gần đây, Bình Nhưỡng đã hứa với Tokyo sẽ điều tra tông tích những người Nhật bị bắc cóc cách đây ba, bốn thập niên xem họ còn sống hay đã chết, đổi lại Tokyo sẽ giải tỏa cấm vận từng phần cho Bắc Triều Tiên, chính vì lý do đó mà quan chức Bắc Triều Tiên đã cho phép một vài ký giả Nhật đến Bình Nhưỡng thu tin, phỏng vấn có thông dịch đi theo mà ai cũng biết đó là công an. Dịp này Cục trưởng cục Du lịch Bắc Triều Tiên là ông Kim Đạo Tuấn nói với ký giả hãng thông tấn Kyodo rằng chúng tôi đang xây dựng hạ tầng cơ sở cho ngành du lịch, việc đào tạo hướng dẫn viên theo đúng tiêu chuẩn quốc tế cũng đang tiến hành để mong đón khách nước ngoài vào du lịch đông gấp 10, gấp 100 lần so với năm nay. Theo ông Kim thì vào năm 1995, người Nhật đến du lịch khoảng 3000 người, nhưng sau đó giảm dần, giảm dần xuống chỉ còn tối đa là 200 người. Ông Kim này còn đánh đòn tâm lý khi nói rằng người Nhật đâu ghét gì Bắc Triều Tiên, dân Nhật thích tìm hiểu lịch sử, văn hóa và rất thích cảnh đẹp cũng như khoái khẩu loại nấm Matsutake, nếu nhiều người Nhật muốn sang du lịch Bắc Triều Tiên thì cục Du lịch chúng tôi có thể yêu cầu bộ Ngoại giao đơn giản thủ tục nhập cảnh. Khi những lời phát biểu của ông Cục trưởng cục Du lịch Bắc Triều Tiên được truyền thông Nhật loan tải vào ngày 19/09/2014, lập tức bộ Ngoại giao Nhật lên tiếng kêu gọi người dân bằng 4 chữ Bất Yếu, Bất Cấp, nghĩa là chẳng vội vàng gì hay không cần thiết phải đi du lịch Bắc Triều Tiên vào lúc này, đừng nghe những gì mà chính quyền Bình Nhưỡng nói vì họ thường không giữ lời hứa.
Theo giáo sư Nishi Oka của trường đại học Cơ Đốc giáo tại Tokyo thì Bình Nhưỡng đã hứa vào cuối hè năm 2014 sẽ có báo cáo đợt đầu về tin tức những người Nhật bị bắc Triều Tiên bắt cóc, bây giờ đã vào đầu thu thế mà khi Tokyo hỏi xin bản báo cáo thì Bình Nhưỡng trả lời rằng thời gian điều tra ít nhất phải mất một năm, hiện tại chỉ mới bắt đầu nên chưa có bản báo cáo được. Cũng theo giáo sư Nishi Oka thì biên bản cuộc họp song phương tại Bắc Kinh vào ngày 01/07/2014, ghi rõ rằng Bình Nhưỡng cuối mùa hè 2014 sẽ hoàn tất báo cáo đợt đầu về những người Nhật bị bắt cóc để gởi cho Tokyo, đổi lại chính quyền Abe sẽ bải bỏ một số điều khoảng cấm vận Bắc Triều Tiên ngay sau cuộc hội đàm chấm dứt, ấy vậy mà trong cuộc họp báo vào ngày 10/09/2014 vừa rồi, Trưởng đoàn đàm phán của Bắc Triều Tiên là ông Tống Nhật Hạo họp báo nói rằng phía Nhật Bản đâu có yêu cầu chúng tôi gởi báo cáo điều tra cho họ. Ông Tống sử dụng cuộc họp báo đó để đòi ông Abe giải tỏa cấm vận thêm nhiều mặt khác nữa nếu muốn nhận được bản báo cáo. Cũng may mà Thủ tướng Abe không nhượng bộ thêm nữa khi tuyên bố rằng Bắc Triều Tiên phải thành tâm thành ý tiến hành điều tra để báo cáo, nếu không hoặc báo cáo cho có thì một số lãnh vực cấm vận vừa mới bỏ sẽ được áp dụng trở lại. Đàm phán giữa hai quốc gia với nhau mà Bình Nhưỡng vẫn coi thường lời hứa thì chuyện lật lọng đối với khách du lịch đâu nhằm dò gì.