Hội đồng Giám mục Việt Nam góp ý sửa đổi Hiến pháp
Sáng ngày 01/03/2013, Hội đồng Giám mục Việt Nam trao thư góp ý về Hiến pháp cho Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Trong thư góp ý này, Hội đồng Giám mục Việt Nam kêu gọi nên bỏ Điều 4 quy định về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Trong bản nhận định và góp ý với tư cách công dân, Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam trước hết yêu cầu là Hiến pháp mới phải nêu rõ hơn về các quyền của con người, chẳng hạn như về quyền tự do ngôn luận, phải ghi rõ thêm là « mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do trình bày quan điểm và niềm tin của mình». Về quyền tự do tôn giáo, Hội đồng Giám mục yêu cầu Nhà nước không tuyên truyền tiêu cực về tôn giáo và không can thiệp vào công việc nội bộ của tôn giáo, như đào tạo, truyền chức, thuyên chuyển, . . .
Đặc biệt trong phần nói về quyền làm chủ của nhân dân, các giám mục đặt lại vấn đề về Điều 4 Hiến pháp quy định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các giám mục Việt Nam còn cho rằng cần phải có sự độc lập giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, để tránh tình trạng lạm quyền và lộng quyền. Theo Hội đồng Giám mục, dự thảo sửa đổi Hiến pháp vẫn chưa có sự phân biệt giữa đảng cầm quyền và Nhà nước. Đi sâu vào quyền chính trị, lá thư nói “việc tự do ứng cử của mỗi công dân là đòi hỏi tất yếu trong một xã hội dân chủ, văn minh và lành mạnh”. Hội đồng Giám mục nói thẳng “quyền làm chủ của nhân dân chỉ có trên giấy tờ và lý thuyết”. Hội đồng Giám mục yêu cầu « xóa bỏ đặc quyền của bất kỳ đảng phái chính trị nào, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, do dân bầu ra và là đại diện đích thực của nhân dân, chứ không phải là công cụ của một đảng cầm quyền nào ».
Nhóm công dân tự do tuyên bố sát cánh với nhà báo Nguyễn Đắc Kiên
Trước sự kiện nhà báo Nguyễn Ðắc Kiên bị cho nghỉ việc vì bài viết phê bình tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam là ông Nguyễn Phú Trọng, đăng trên tờ báo Gia đình và Xã hội, vào ngày 28/02 một nhóm “công dân tự do” bao gồm blogger, nhà báo, nhân sĩ, sinh viên… đã đưa ra
Tuyên Bố khẳng định “sát cánh bên nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, đồng thời kêu gọi những công dân khác cùng sát cánh với họ tuyên bố :
bỏ Điều 4 Hiến Pháp, muốn tổ chức một Hội nghị lập hiến, hình thành một bản Hiến Pháp mới thực sự phản ánh nguyện vọng toàn dân VN.
Ủng hộ nền dân chủ đa đảng, đa nguyên.
Ủng hộ chính thể tam quyền phân lập, tăng tính tự trị cho các địa phương, xoá bỏ các tập đoan quốc doanh, các đoàn thể quốc gia.
Ủng hộ việc phi chính trị hoá quân đội; quân đội là để bảo vệ nhân dân, tổ quốc mà thôi.
Nhóm “công dân tự do” này cho biết thêm là họ cùng tất cả những công dân VN khác đều có quyền tuyên bố như trên đúng theo những quyền căn bản của con người mà mọi người sinh ra đều được hưởng; đảng CS không có quyền tước đoạt. Nếu những ai chống lại những quyền cơ bản đó đều là “phản động”, đi ngược lại dân tộc, sự tiến bộ của nhân loại.
Cộng đồng cư dân mạng Việt Nam kêu gọi mọi người biến “Lời Tuyên bố Công dân Tự do” thành cầu nối liên kết người dân Việt đấu tranh vì nền dân chủ cho đất nước.
Chỉ trong vòng 2 ngày, Bản Tuyên bố Công Dân Tự Do đã có trên 1100 người ký tên.
Máy tính bán ở Việt Nam bị cài ‘mã độc’
Hôm thứ Tư, 27.2.2013 báo điện tử VNExpress cho biết không ít máy tính mới được mua về tại một số cửa hàng điện tử ở Hà Nội, Sài Gòn và chưa hề qua quá trình sử dụng nhưng đã bị nhiễm nhiều phần mềm nguy hiểm, trong đó có phiên bản Zeus khét tiếng. Công ty Microsoft đã mua máy tính thuộc những thương hiệu bán phổ biến tại Việt Nam để khảo sát như Acer, Asus, Dell, HP, Lenovo và Samsung. Theo kết quả “nghiên cứu chuyên sâu về an toàn máy tính” được công ty nhu liệu Microsoft trực tiếp thực hiện tại Việt Nam thì có tới 92% trong số 41 ổ cứng trên máy tính cài hệ điều hành Windows lậu và 66% trong số 9 đĩa cài đã bị lây nhiễm. Ðây là tỷ lệ cao nhất trong các quốc gia Ðông Nam Á (trung bình 86% số đĩa cài và 48% máy tính cài Windows lậu đã bị nhiễm mã nguy hiểm).” Trong số những mã độc bị cài sẵn để ăn cắp thông tin có cả “Zeus” là một chương trình điện toán “đặc biệt nguy hiểm.” Theo giới chuyên viên chống ăn cắp thông tin qua máy điện toán, Zeus “là Trojan chuyên đánh cắp mật khẩu bằng phương thức ghi lại các ký tự bàn phím (keylogging) và một số cơ chế khác để đột nhập, tiếp cận nhận dạng tài khoản cá nhân, dữ liệu nhạy cảm… của nạn nhân.”
Tổ chức bảo vệ an ninh mạng RSA cho rằng những kẻ lợi dụng được mã độc Zeus đã gây tổn thất hơn $1 tỉ đô la trên thế giới trong khoảng 5 năm trở lại đây.
Hồi giữa tháng 9 năm ngoái, Microsoft cũng đã từng báo động về tình trạng này ở cả Việt Nam và Trung Quốc. Một số cửa tiệm bán lẻ máy điện toán đã bán máy với phần mềm “lậu” để giảm chi phí và tăng lợi nhuận. Những phần mềm (nhu liệu) này bị cài mã độc và biến thành những máy chân rết của một “mạng lưới máy tính ma” (botnet) mà người chủ máy không biết.
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh được đề cử Giải Công dân Mạng 2013
Một trong những blogger có nhiều ảnh hưởng tại Việt Nam, ông Huỳnh Ngọc Chênh, vừa được đề cử giải thưởng Công dân Mạng 2013. Đây là giải thưởng quốc tế do tổ chức bảo vệ nhân quyền mang tên Phóng viên Không biên giới (RSF) có trụ sở tại Pháp phối hợp với đại công ty internet Google tổ chức hằng năm nhằm đánh động sự quan tâm của mọi người về nhu cầu cần phải bảo vệ quyền tự do bày tỏ quan điểm trên mạng internet qua việc vinh danh những ngòi bút mạng đã bất chấp sự đàn áp, can đảm đấu tranh cho dân chủ-nhân quyền tại các nước trên thế giới.
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh sinh năm 1952 tại Đà Nẵng, làm việc cho báo Thanh Niên từ năm 1992 đến khi về hưu vào tháng tư năm ngoái. Ông bắt đầu viết blog từ năm 2008. Các bài blog của ông về dân chủ, nhân quyền, vấn đề Biển Đông, và các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược thu hút đông đảo độc giả trong và ngoài nước. Dù trang blog của ông thường bị nhà nước khóa chặn, nhưng hiện mỗi ngày vẫn có chừng 15.000 người đọc ghé thăm.
RSF nói 9 ứng cử viên của Giải Công dân Mạng năm nay trong đó có blogger Huỳnh Ngọc Chênh được đề cử vì những nỗ lực bất chấp rủi ro, góp phần bảo vệ và thăng tiến quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận, và tự do internet của công dân trên toàn cầu. Để khuyến khích sự quan tâm của cộng đồng mạng thế giới, năm nay lần đầu tiên người đoạt Giải Công dân Mạng sẽ do cư dân mạng khắp nơi bình chọn.
Kể từ ngày 27/2 đến hết ngày 5/3, người dùng net trên toàn cầu có thể bỏ phiếu cho các ứng viên được RSF đề cử trên trang web của tổ chức Phóng viên Không biên giới. Ứng cử viên nhận được nhiều phiếu bình chọn nhất sẽ được công bố vào ngày 7/3, và sau đó được mời sang dự lễ trao giải tại trụ sở của công ty Google ở Paris (Pháp) vào ngày 12/3/2013. Giải thưởng thường niên khởi sự từ năm 2008 này thường được trao vào 12/3 hằng năm để kỷ niệm Ngày Thế giới Chống lại Sự kiểm duyệt trên mạng.