Một bài thơ về cải cách ruộng đất của Văn Cao

- Quảng Cáo -

Năm 1956, đang thời kỳ cải cách ruộng đất (CCRĐ) nhà thơ- nhạc sỹ Văn Cao đã viết bài thơ “Đồng chí của tôi”. Suốt 40 năm (đến đầu năm 1995) bài thơ xót xa nằm im trong quyển sổ tay mà chỉ có nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Thụy Kha biết đến. Năm 1995 thời kỳ đổi mới, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo hỏi Văn Cao “Đã đến thời cho in bài thơ” nhưng Văn Cao vẫn nơm nớp. Ông bảo “Hãy để tôi chết hẳn đã rồi hãy đăng vẫn chưa muộn”. Nghe lời thi nhân đàn anh, Nguyễn Trọng Tạo đành khép bài thơ “Đồng chí của tôi” lại.

CCRD_gietnguoi 400x300
Thời gian khắc khoải đi qua, tháng 9 năm nay Hà Nội tổ chức cuộc triển lãm CCRĐ, khẳng định sự đúng đắn của đường lối, mang lại dân nghèo có ruộng. Trên trang mạng của Nguyễn Trọng Tạo xuất hiện một bài viết ngắn “Anh nào bày ra cái trò “Triển lãm cải cách ruộng đất” thật là dại dột, giống như vết thương lâu ngày đã thành sẹo thì bỗng dưng đưa dao rạch vào cái vết sẹo khổng lồ đó cho đất nước thêm một lần đau đớn…Tại sao lại có tối kiến đó ? Phải chăng đã có anh nào đó chơi đểu để lấy tiền dự án từ đảng, từ hệ thống tuyên tuyền của nhà nước”…Rồi những nhân văn, độ lượng trong lời lẽ kín đáo nói về CCRĐ của Nguyễn Trọng Tạo xem ra vẫn còn thiếu. Phủi bụi thời gian anh cho đăng bài “Đồng chí của tôi” của nhà thơ Văn Cao.

“Đồng chí của tôi

Người ta các đồng chí của tôi

- Quảng Cáo -

Treo tôi lên một cái cây

Đợi một loạt đạn nổ

Tôi sẽ giẫy như một con nai con

Ở đầu sợi dây

Giống như một nữ đồng chí

Một anh hùng của Hà Tĩnh”…

 

Danh từ “Tôi” trong bài thơ rõ ràng là một đảng viên, một đảng viên kiên trung chấp nhận cái chết oan uổng, để “đồng chí của tôi” “Treo tôi lên” “đợi một loạt đạn nổ”. Những cụm từ chống đối nhau tóe máu khi đồng chí bắn giết đồng chí nói lên sự cay đắng, bất công như tác giả là “tôi” vậy chứ không phải lời nói hộ cho “đồng chí” để gửi lại mai sau. Và mạch thơ cứ thế như máu chảy trào uất nghẹn :

“Tôi sẽ phải kêu lên

Như một chiến sỹ bị địch bắn

Đảng lao động Việt Nam muôn năm

Cho mọi người hiểu khi tôi chết

Máu của tôi vẫn là máu Việt Nam’…
Nguyễn Trọng Tạo đã phải khóc vì bài thơ này và tôi dám chắc cả triệu người cũng khóc khi đọc và hiểu nhà thơ Văn Cao nói gì với hậu thế khi “Đồng chí của tôi…Treo tôi lên…bắn tôi, tôi sẽ phải kêu lên, như một chiến sỹ bị địch bắn, đảng lao động Việt Nam muôn năm”. Cái nghịch cảnh của khổ thơ đầu thật hãi hùng, đau xót, nhưng khổ thơ tiếp theo lại bi thương như xát muối, làm lòng ta quặn thắt :

“ở dưới gốc cây có các cụ già các bà mẹ

Đã nuôi cách mạng

Các em nhỏ từ 3 tuổi đứng nhìn tôi

Giẫy chết

Có mẹ tôi

Ba lần mang cơm đến nhà tù

Hãy quay mặt đi

Cho các đồng chí bắn tôi”…

diachuacghe
Trong những năm hoạt động cách mạng nhiều đảng viên trung kiên đã được các nhà tư sản, gọi là địa chủ kháng chiến, địa chủ quy sai đã mang cơm nuôi họ. Như bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh) đã nhường nhà cho đội Việt minh, cho các nhà hoạt động hàng trăm lạng vàng, cách mạng cần gì bà đều không đắn đo, con cái bà cũng là sỹ quan quân đội, vậy mà bà “Người đàn bà bị bắn đầu tiên trong CCRĐ”. Cái “tôi” trong bài thơ “Đồng chí của tôi” của Văn Cao là danh từ chung, không chỉ một, hy hữu mà bao hàm một sự lớn lao. Cả nước trong 10 năm CCRĐ (từ 1946 – 1956) có bao nhiêu “tôi” bị bắn ? Họ bị bắn cho công bằng xã hội (không có người giàu kẻ nghèo), không có kẻ bóc lột, để tiến tới xã hội chủ nghĩa, làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Chẳng lẽ chỉ có hành động như thế (tiệt tiêu địa chủ, cường hào) là có ngay được thiên đường…mù chăng ? Điều này lịch sử sẽ phán xét. Đây cũng là điều mà bài thơ “Đồng chí của tôi” bắt đầu đề cập đến như một cảnh tỉnh muộn màng

 

“Tôi sợ các cụ già không sống được

Bao năm nữa

Để nhìn thấy xã hội chủ nghĩa

Của chúng ta

Chết đi mang theo hình đứa con

Bị Bắn

Hãy quay mặt đi

Cho các đồng chí bắn tôi

Nước mắt lúc này vì đảng nhỏ xuống

Dòng máu lúc này vì đảng nhỏ xuống

Đảng lao động Việt Nam muôn năm

Đảng lao động”…
Thương thay cho một đảng viên đã bị chính đồng chí của mình xử bắn nhưng vẫn kiên trung “Đảng lao động Việt Nam muôn năm”. Đây là bi kịch của một đảng viên mà gần 60 mùa thu lá rụng xao xác đã được nhà thơ Văn Cao cảnh tỉnh. Nói như Nguyễn Trọng Tạo “Đó là tiếng lòng thống thiết của người công sản bị xử bắn oan…Không chan chứa một trái tim nhân đạo…không thể viết được một bài thơ rớm máu như thế”.
Nỗi đau nào rồi cũng nguôi ngoai, nhiều vết thương sẽ lên sẹo, nhưng nỗi đau từ CCRĐ thì khó lành, khó quên vì nó quá lớn. Đừng dại dột, chơi đểu mà thổi bùng ngọn lửa đang âm ỉ lên như “Triển lãm CCRĐ” và các trò tương tự.

 

Bảo Nam

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here