Kính thưa quý thính giả, cuộc triễn lãm cải cách ruộng đất ở Hà Nội dự trù mở cửa 4 tháng, nhưng đã phải đóng cửa chỉ sau 3 ngày, đã cho thấy trò tuyên tuyền của CSVN qua cuộc triển lãm này đã hoàn toàn phá sản. Phần một bài bình luận tựa đề “chọc cải cách ra mà ngửi” của nhà bình luận Ngô Nhân Dụng được gửi đến quý vị trong mục bình luận kỳ trước đã nêu lên nhiều điểm trong trò tuyên truyền gây phản ứng ngược này. Từ so sánh giữa tài sản do tích cóp, làm ăn của điạ chủ ngày xưa với hàng núi của cải do sự cướp bóc ruộng đất nông dân của các đại địa chủ tư bản đỏ ngày nay, đến cuộc sống của bần cố nông lúc trước với đời sống hàng triệu người dân lao động chạy ăn hàng bữa ngày nay. Cuộc triển lãm cũng gợi lại tội ác đẫm máu của đảng CSVN qua việc giết hại hàng mấy trăm ngàn người, cũng như phá huỷ nền văn hoá cùng luân lý đạo đức ngàn đời của dân tộc VN. Cuộc triển lãm còn tạo cơ hội cho nhiều người bày tỏ suy nghĩ thật của họ về cuộc cải cách ruộng đất cũng như về đảng CSVN. Sau đây, mời quý vị nghe phần hai bài bình luận của tác giả Ngô Nhân Dụng.
*****
Tại sao Đảng Cộng Sản lại bày ra một trò tuyên truyền gây phản ứng ngược nhiều như vậy? Có thể chỉ vì các cán bộ trong Viện Bảo Tàng Lịch Sử chẳng có việc gì làm cho qua thời giờ, cho nên họ mới bày vẽ ra cái cuộc triển lãm này. Hay là quý ông bà trong ban văn hóa tư tưởng của đảng đang lo khi chế độ sụp đổ thì mình thất nghiệp, nên cố gắng tô thêm son phấn lên mặt đảng một lần chót? Hoặc có thể đưa ra một giả thuyết táo bạo, rằng có người đã xúi giục họ tổ chức triển lãm để khiêu khích tất cả nông dân miền Bắc, những người đã đi biểu tình đòi ruộng, đòi đất trong những năm qua và bị ông đại địa chủ thời nay đàn áp dã man. Đặc biệt, họ muốn khiêu khích tất cả giới thanh niên, trí thức miền Bắc và đặc biệt là dân Hà Nội, xem có ai dám đứng ra “lật mặt nạ” của Đảng Cộng Sản hay không?
Mà việc lột mặt nạ thì không khó gì cả. Người ta không thể tổ chức một cuộc “phản triển lãm” về những tội ác của Đảng Cộng Sản trong vụ Cải Cách Ruộng Đất. Không thể trưng bày cảnh những người bị gán cho danh hiệu địa chủ bị chôn sống, thò đầu trên mặt đất để nhìn thấy lưỡi cầy kéo qua đầu mình cho tới khi chết. Cảnh này đã có thi sĩ Hữu Loan làm chứng, ông đã kể lại cho con cháu khỏi quên chuyện một địa chủ đã cấp gạo cho trung đoàn của ông trong thời kháng chiến bị hành hạ như vậy. Sau đó, tác giả bài thơ Màu Tím Hoa Sim đã cưới cô con gái nhà địa chủ này, để đền ơn công cha mẹ cô nuôi dưỡng cả trung đoàn.
Không thể tổ chức triển lãm, nhưng giới thanh niên, trí thức Hà Nội có thể làm một cuộc triển lãm trên mạng. Một cuộc “phản triển lãm” đã xuất hiện trên các mạng ở Việt Nam. Blogger Lê Dũng đã chụp lại các bức ảnh trong phòng triển lãm rồi nêu ra những sai lầm, gian dối. Thí dụ, mấy ông già 60 nhận xét thời 1950 “Đũa nhựa và thìa phíp trắng chưa có!” Hoặc nhìn cái áo của “địa chủ” được trưng bày, có người thấy, “Áo trưng bày này là hàng giả 100 %. Vì “May bằng máy công nghiệp, viền cứng và thô, thời đó không có máy khâu đó. Đặc biệt áo dài thời đó hoàn toàn khâu tay, mũi khéo và mềm mại.” Đến một bức ảnh, “Bần cố nông làm gì có nồi đồng, có chiếu trải ra hè ăn cơm vậy?” một độc giả của Blog Lê Dũng góp ý “thời đó đã làm gì có modern áo đuôi tôm hả mấy ông giời con?” Một độc giả giấu tên khác nói thẳng: “Nói dối mà không biết ngượng sao, hỡi những kẻ lấy tay che mặt trời? Nạn nhân Cải Cách Ruộng Đất vẫn còn đầy rẫy, hoặc con cháu họ sẽ lên tiếng. Hãy đợi đấy!” Một độc giả ký tên Mượt viết, “Chết thật, dối lừa mãi thế sao?”
Lê Dũng kết luận, “Tóm lại tay nào sắp đặt cái ảnh này là dân vớ vẩn, không có tí kiến thức gì về lịch sử, am hiểu về đồ vật.” Và anh viết thêm, “Dù sao thì tôi vẫn nói với mọi người cùng xem rằng: việc có cái triển lãm này cũng hay, bọn trẻ sẽ tìm nốt nửa còn lại qua gúc gồ, thế thôi vì một nửa sự thật không phải là sự thật.”
Nửa thứ hai của sự thật đã được trình bày từ lâu. Bao nhiêu tác giả đã viết về cuộc Cải Cách Ruộng Đất. Những tác phẩm mô tả tai họa Cải Cách sớm nhất là “Những thiên đường mù” của Dương Thu Hương, “Ác mộng” của Ngô Ngọc Bội. Tiếp theo có “Đêm giữa ban ngày” của Vũ Thư Hiên, tiểu thuyết “Ba người khác” của Tô Hoài. Đặc biệt, cuốn “Đèn cù” củaTrần Đĩnh gần đây nhất đã cho thấy vai trò của ông Hồ Chí Minh trong vụ giết bà Nguyễn Thị Năm, chính ông Hồ đã viết bài đăng báo buộc tội bà. Có thể đăng lại những đoạn văn của các tác giả trên, để “triển lãm cho mọi người được thấy sự thật về tội ác của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Nhưng trên các mạng đã xuất hiện những câu chuyện thực đau lòng hơn cả những cảnh trong tiểu thuyết. Một độc giả ký tên Lê Tri Điền kể trong Blog Lê Dũng những chuyện xảy ra thời kỳ Cải Cách Ruộng Đất tại xã Định Công, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa; chúng tôi xin trích vài chuyện: “Có một bà tên Chấn, không hiểu bùa phép nào của đội cải cách mà lên trước ‘ tòa án nhân dân’ nắm râu bố đẻ mà vặt rồi rít lên: Thằng Thể (tên bố bà Chấn)…mày là….mày là…” (bà Chấn sau này ân hận vì tội lỗi với người cha thân yêu của mình nên trở thành người trầm cảm, bà chết vào khoảng năm 1989 trong đói nghèo cô độc). Một chị con gái kể: Tôi thương cha tôi lắm, hắn bắt cha tôi, thúc vô rọ lợn rồi chúc ngược cha tôi đầu cắm xuống đất, tôi lén đem cơm cho cha thấy mặt cha đỏ tím tụ máu sưng tròn như chấy bưởi, cha tôi nói con đi đi! Không du kích biết thì khổ, cha không ăn được cấy chi mô, tôi còn nhỏ quá, chả biết cha có tội chi, thương cha quá mà không dám khóc…” Cuộc phản triển lãm đã phải đóng cửa. Dân Hà Nội không để cho người ta khinh thường, bày trò tuyên truyền rẻ tiền trước mắt mình mãi như vậy.
Một người bạn tôi mới trò chuyện với một bà chị lớn tuổi ở Hà Nội qua điện thoại, nhân tiện hỏi, “Chị đi xem cuộc triển lãm về Cải Cách Ruộng Đất tại Bảo Tàng Lịch Sử chưa?” Bà chị trả lời, “Xem làm cái gì? Chúng nó hết khôn dồn ra dại hay sao mà lại đi chọc phân ra mà ngửi với nhau như thế hở!”
Đúng là hết khôn dồn ra dại cho nên mới đi chọc Cải Cách ra mà ngửi. Khi một chế độ lâm vào bước đường cùng thì nó mới sinh ra những trò rồ dại, ngớ ngẩn, lung tung beng như vậy.
Ngô Nhân Dụng
-Cám-ơn bình-luận-gia NGÔ-NHÂN-DỤNG đã cống-hiến cho đọc-giả 2 bài “CHỌC CẢI-CÁCH RA MÀ NGỬI”. Bài bình-luận rất hây,có tầm-vóc…đã gieo vào lòng mọi-người những cảm-tình bất-diệt …
LeRoi/GERMANY
(((