Nhà thầu Trung quốc bỏ công trình dở dang vì đòi thêm tiền không được
Vào ngày 14-8, hai nhà thầu Trung Quốc đang xây dựng thủy điện Thượng Kon Tum (Kon Plông, Kon Tum) đồng loạt rút máy móc, công nhân về nước.
Báo Tuổi Trẻ ghi lời ông Võ Thành Trung – tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh, chủ đầu tư thủy điện Thượng Kon Tum cho biết lý do mà hai nhà thầu TQ (gồm Viện Hoa Đông Tập đoàn Thủy điện TQ và Công ty TNHH Cục đường sắt TQ) đưa ra để ngưng thi công là tình hình an ninh trật tự không đảm bảo, nhiều thiết bị từ TQ không thể đưa được qua công trình…
Hiện nay công trường trên thủy điện Thượng Kon Tum trở nên vắng lặng, chỉ còn một số công nhân người TQ còn ở lại để bảo vệ thiết bị máy móc, nhiều hạng mục chậm tiến độ, gây tổn thất lớn cho chủ đầu tư.
Trong quá trình thi công, công ty TQ liên tục đưa ra các đòi hỏi, yêu sách vô lý, không có trong hợp đồng như chi phí trượt giá, chi phí phát sinh trong quá trình thi công để gây sức ép lên chủ đầu tư.
Tổng số tiền mà hai nhà thầu này yêu cầu chủ đầu tư bổ sung lên tới 800 tỉ đồng (tương đương gần 38 triệu đôla Mỹ). Không được đáp ứng, ngày 25-5 hai đơn vị này chính thức gửi văn bản ngưng thi công vì lý do “bất khả kháng”.
Hãng TQ kêu thầu giá rẻ để thắng thầu, hầu hết nhờ hối lộ quan chức VN, rồi sau đó xin thêm tiền gọi là bổ sung. Không được đáp ứng là bỏ ngổn ngang công trình, nơi đó nhà cầm quyền CSVN đã ép di dời, biến hàng trăm, hàng ngàn dân VN trở thành dân oan.
Công an tra tấn chết người chỉ bị một năm rưỡi tù
Tin của báo Dân Trí tường thuật phiên toà được tổ chức tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk cho biết, hai cán bộ công an CSVN chỉ bị án một năm rưỡi tù mỗi người vì tội đánh chết nghi can trộm bò.
Phiên toà diễn ra sáng ngày 13 tháng 8, năm 2014 tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk xử hai cán bộ công an xã Ea Bhốk thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk tên là Trương Trung Hiếu, 27 tuổi và Y Phiên Adrơng, 28 tuổi. Cả hai đều là công an xã Ea Bhốk.
Theo cáo trạng, sáng ngày 28 tháng 11, năm 2013, công an xã Ea Bhốk bắt hai ông Y Ket Bdăp và Y Abuil Bkrông, sắc tộc Ê đê đều là cư dân huyện Cư Kuin về đồn công an để điều tra vì nghi trộm bò của người khác. Hai ông Trương Trung Hiếu và Y Phiên Adrơng thay phiên nhau thẩm vấn hai nghi can này, đã còng tay họ vào cửa sổ rồi dùng gậy cao su đánh tới tấp. Một trong hai nghi can trên là ông Y Ket không nhận tội trộm nên bị đánh đến nổi mang thương tích trầm trọng. Ông đã chết trên đường đến bệnh viện.
Hai cán bộ công an Trương Trung Hiếu và Y Phiên Adrơng bị bắt và bị cáo buộc về tội “làm chết người trong khi thi hành công vụ.” Xuất hiện trước phiên toà sáng ngày 13 tháng 8, hai ông này chỉ bị kết án một năm rưỡi tù giam, và bồi thường cho gia đình nạn nhân 69 triệu đồng.
Bắt cả tấn khô mực bằng cao su ở Hà Nội
Chiều ngày 14 tháng 8. 2014, Ðội Chống Hàng Giả của công an thành phố Hà Nội cho hay, đã tịch thu ít nhất 1,7 tấn khô mực giả tại ga đường sắt Giáp Bát, Hà Nội.
Ông Kiều Hữu Việt, đội phó Ðội Chống Hàng Giả của Hà Nội nói rằng, nếu nhìn bằng mắt thường thì khó phân biệt được đâu là giả và thật. Ông Việt cho biết, số khô mực trên được xé nhỏ, đựng trong 38 bao tải, cân nặng tổng cộng 1,7 tấn.
Theo kết quả giám định của Viện Khoa Học Hình Sự thuộc Bộ Công An Việt Nam, trong khô mực nghi giả nói trên có 30,6% protein, và gần 70% còn lại chưa thể xác định được chất liệu.
Theo nhân viên điều tra loại cá mực này khi dùng bật lửa đốt thì không bị cháy thành than như mực bình thường. Khi ngâm cá mực cao su vào nước thì cá mực từ màu vàng đỏ chuyển thành màu trắng, kéo ra thì có độ đàn hồi như dây cao su.
Theo ông Kiều Hữu Việt, tỉ lệ 70% trong thành phần khô mực bị tịch thu có thể là loại cao su non, được tẩm một loại bột kết dính. Ông này cũng nhận định rằng, chất lạ đó đã được ngâm tẩm hóa chất và hương liệu để giả khô mực. Biên bản của cuộc điều tra còn cho thấy, 1,7 tấn khô mực “dởm” này đã được chuyển từ Trung Quốc đến Hà Nội, và chuẩn bị đưa vào Sài Gòn tiêu thụ.
Ngoài số mực trên, công an còn phát hiện nhiều đồ chơi trẻ em và 53 thùng carton ghi chữ Trung Quốc, bên trong chứa hơn 12.000 hộp thuốc các loại, không có tem phụ, không ghi thành phần các chất và không có hướng dẫn sử dụng tiếng Việt.
Trước đây khô mực giả cũng đã xuất hiện tại chợ Mới của thành phố Vũng Tàu và chợ Long Ðiền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Một số người bỏ tiền ra mua ăn, nghi là khô mực giả vì “dẻo nhẹo, nhai hoài không đứt.”
Vào tháng 9 năm 2013, Chi Cục Quản Lý Thị Trường tỉnh Quảng Trị cũng đã phát giác một số khô mực “đàn hồi như dây thun” nặng đến 1,5 tấn, chứa trong thùng xe đông lạnh đang trên đường vận chuyển từ Hải Phòng vào Sài Gòn. Kết quả kiểm định của Trung Tâm Kiểm Nghiệm thuộc Sở Y Tế Thừa Thiên-Huế xác nhận, đó không phải là khô mực.
Lại treo cổ tự tử trong đồn công an vì bắt trộm gà
Báo Dân Trí hôm Thứ Năm đưa tin “Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đang xác minh, làm rõ nguyên nhân một vụ tự tử trong phòng giam giữ Công an huyện Hưng Hà của đối tượng bị bắt vì nghi ăn trộm gà.”
Tin cho biết, ông Trần Giang Nam, 43 tuổi, cư dân thôn Quyết Tiến, xã Hồng An, Hưng Hà, tỉnh Thái Bình “được phát hiện đã treo cổ tự tử vào khoảng 17h ngày 5/8/2014 tại phòng tạm giữ Công an huyện Hưng Hà”. Ông là nạn nhân thứ 6 bị gọi là ‘tự tử” trong tổng số 16 người chết tại trụ sở Công an CSVN trong năm 2014 từ đầu năm đến nay.
Theo thông tin ban đầu của cảnh sát điều tra tỉnh Thái Bình, sáng ngày 5/8, Trần Giang Nam cùng Trần Đình Phong 22 tuổi, trú tại thôn Dương Khê sang thôn Đồng Phú, đột nhập vào 4 nhà dân để trộm gà. Trên đường về, cả hai chạm trán với tổ tuần tra cùng tang vật là 21 con gà. Phong bỏ chạy, còn Nam bị tổ tuần tra này bắt giải về công an huyện Hưng Hà để điều tra.
Chiều cùng ngày, Phong đến Công an huyện Hưng Hà để đầu thú và khai nhận hành vi trộm cắp của mình. Cũng theo tin của công an tỉnh Thái Bình, đến 17h, cán bộ điều tra đi qua phòng giam thì phát hiện Trần Giang Nam đã treo cổ tự tử bằng dây vải được xé từ chăn trong phòng tạm giữ. Nam được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa Khoa Hưng Hà, nhưng đối tượng đã tử vong sau đó.
Bản tin của tờ Dân Trí kể lại là “Công an tỉnh Thái Bình đã phối hợp với các lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường để tiến hành khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc.” Tuy nhiên không thấy nhắc nhở gì đến thân nhân của nạn nhân. Họ là những ai và có hiện diện khi “khám nghiệm pháp y” hay không.
Đổ vạ cho các nạn nhân “tự tử” là cách dễ dàng và giản dị nhất giúp công an thoát tội giết người. Chỉ trừ một ít trường hợp tra tấn đánh đập với những dấu tích quá lộ liễu, không thể khỏa lấp được thì đám cán bộ điều tra của công an mới bị đưa ra tòa để nhận những bản án tượng trưng do “làm chết người trong khi thi hành công vụ”.
Giữa Tháng Bảy vừa qua, Bộ Công an CSVN ra thông tư gửi thuộc cấp trên cả nước “nghiêm cấm điều tra viên bức cung, mớm cung hoặc dùng nhục hình dưới bất kỳ hình thức nào”. Nhưng dù vậy, người dân vẫn tiếp tục chết ở trụ sở công an và cái thông tư nói trên coi như không hề có hoặc là nói một đàng làm một nẽo.