Chợt Nghe, chợt Nghĩ, chợt Nhớ
1.Chợt nghe: Có bộ máy an ninh thuộc hàng khủng của thế giới và tự hào có cơ quan điều tra giỏi nhất thế giới nhưng trong những vụ đập phá doanh nghiệp nước ngoài và gây chết người ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, bộ máy công an Việt Nam dường như bất lực để các phần tử xấu kích động, chi phối đám đông, làm xấu hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trước thế giới.
Chợt nghĩ : Nhân dân đóng thuế nuôi bộ máy này để làm gì khi quốc gia hữu sự thì không thấy trách nhiệm của nó đâu cả mà để kẻ xấu tự do hoành hành như vậy? Cố suy nghĩ thêm tí, biết đâu những việc trên nằm trong ý đồ nào đó để hướng sự chú ý của dư luận vào những vấn đề trong nước mà quên đi nguy cơ đang nóng ngoài biển.
2. Chợt nghe: Công an đã điều tra ra kẻ đứng đằng sau các vụ xáo động trên là Việt Tân.
Chợt nghĩ: Việt Tân là ai nhỉ? Tại sao nó lại có thể làm được những chuyện kinh thiên động địa ở một nước luôn tự hào có môi trường an ninh chính trị, quốc phòng vững mạnh? Có phải nhà nước đang quảng cáo không công cho Việt Tân hay không khi thổi phồng nguy cơ về nó như thế?
Chợt nhớ : Sai lầm lớn nhất của các thế lực cầm quyền khi bị suy yếu là thường quảng cáo không công cho kẻ đối lập nhằm tạo lí do đàn áp sự phản ứng của nhân dân nhưng cuối cùng đó chính lại là kênh tuyên truyền hướng người dân tìm đến kẻ thù của chính mình. Giữa thế kỉ XIX, khi chủ nghĩa cộng sản còn chưa ra đời nhưng các thế lực cũ ở châu Âu như Anh hoàng, Giáo hoàng, Nga hoàng, … đã làm rùm beng lên về cái gọi là “bóng ma chủ nghĩa cộng sản” khiến Mác và Ăng-ghen phải xem đó là một trong những lí do để họ viết Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Người vô sản châu Âu đã tò mò để tìm hiểu xem cộng sản là gì mà kẻ thống trị mình lại sợ như vậy. Đầu thế kỉ XX, giữa lúc mọi người dân Việt Nam còn chưa biết về Cách mạng tháng Mười Nga và chủ nghĩa cộng sản là gì thì được thực dân Pháp “tuyên truyền” cho họ. “Kẻ thù của kẻ thù là bạn”, đó là lí do đầu tiên người dân tìm đến với chủ nghĩa cộng sản xem nó là cái gì mà thực dân Pháp sợ đến như vậy.
3. Chợt nghe: Công điện của Thủ tướng về việc cấm nhân dân tổ chức hoặc tham gia biểu tình chống Trung Quốc bởi sợ kẻ xấu lợi dụng kích động. Chợt thấy, các phương tiện thông tin đại chúng không còn hào hứng đưa tin về những vụ biểu tình ở trong nước như ngày 11-5 nữa, chỉ còn thấy những dòng tin tức ở nước này nước nọ, bà con Việt kiều xuống đường, thậm chí biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc để phản đối kẻ xâm lược.
Chợt nghĩ: Mình khâm phục bà con Việt kiều mình thật. Ở xa Tổ quốc, tuy không được sự giáo dục thường xuyên của Đảng nhưng có lập trường tư tưởng rất vững vàng, không bị kẻ xấu kích động như bà con ở trong nước. Nhưng chợt nghĩ lại, biết đâu ở những nước tư bổn giãy chết không có kẻ xấu mà kẻ xấu chỉ có ở trong nước thôi nhỉ ?.
4. Chợt nghe: Nhân dân phải tin tưởng ở Đảng và Nhà nước, việc gì cũng đã có Đảng và Nhà nước lo, kể cả việc bảo vệ chủ quyền trước sự hung hăng của kẻ láng giềng.
Chợt nghĩ: Nhân dân tin tưởng ở Đảng và Nhà nước nhưng Đảng và Nhà nước có tin nhân dân không? Tại sao lại không để nhân dân tham gia công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền? Tại sao lại không tin ở sức mạnh yêu nước của nhân dân ? Chính Cụ Hồ đã từng khẳng định: “Dân ta có lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. …”. Tại sao không nghĩ đây chính là cơ hội để phát huy đến mức cao nhất truyền thống quý báu này của dân tộc hướng đến không chỉ mục tiêu bảo vệ chủ quyền mà còn để đưa đất nước vượt qua thời đoạn đầy khó khăn và thách thức này để đạt mục tiêu “công nghiệp hóa và hiện đại hóa”?. Có thể đến năm 2020, khi mục tiêu “cơ bản trở thành nước công nghiệp tiên tiến” không đạt, nguyên nhân được chỉ ra sẽ là “do các cuộc bạo động, đốt phá doanh nghiệp nước ngoài năm 2014 nên ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và việc thực hiện mục tiêu đã đề ra”? Hay là Đảng sợ những cuộc biểu tình yêu nước này sẽ chuyển thành cuộc cách mạng màu lật đổ chế độ như đã từng có ý kiến lo ngại?
Chợt nhớ : Cuối thế kỉ XIX, trước họa xâm lược của thực dân Pháp, giai cấp cầm quyền đã sợ dân hơn sợ giặc và hậu quả là đất nước đã mất độc lập.
5. Chợt nghe: Khỏe như bò tót, hung hăng như bò điên, rồi lăn đùng ra chết không rõ nguyên nhân. Con bò tót gây rối vừa rồi ở Quảng Nam có đủ các đặc tính này. Nếu như xảy ra vào thời điểm khác chắc nó cũng rất nóng trên các phương tiện thông tin.
Chợt nhớ : Năm kia ở Huế cũng có con bò tót tương tự như vậy. Sau khi húc chết người (như ở Quảng Nam) thì cũng lăn đùng ra chết do đói khát (ấy là thông tin chính thức như thế chứ không phải là do bị bắn thuốc mê như nhiều bà con xấu bụng nghĩ mô).
Chợt nghĩ : Bò tót dù khỏe thế, hăng máu thế nhưng có điểm chung là trước khi chết bởi những lí do nội tại sẽ nổi điên húc lung tung. Nếu thế, không biết khi nào chủ nhân của “đường lưỡi bò” đang cậy khỏe hung hăng ngoài biển kia lăn ra chết nhỉ ?