Giống như bao nhiêu lần trước, cứ mỗi khi Hà Nội có đủ bạo dạn để phản đối mạnh bước chân xâm lấn của Trung Quốc thì Bắc Kinh lại lôi ra cái túi gấm cố hữu.
Vào ngày 20/5/2014, để đáp lại các phản đối ồ ạt quanh việc Trung Cộng kéo giàn khoan 981 vào thềm lục địa Việt Nam, ông Lưu Hồng Dương, đại sứ Trung Quốc ở Indonesia đã tuyên bố trên báo Indonesia Jakarta Post rằng:
“Vị trí của các đảo đã được cộng đồng quốc tế, kể cả Việt Nam, công khai thừa nhận trong nhiều thập niên từ Thế chiến Hai. Trong tuyên bố ngày 14/9/1958 thay mặt chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Việt Nam khi đó, Phạm Văn Đồng, công khai thừa nhận quần đảo Tây Sa và các đảo khác ở Nam Hải là lãnh thổ Trung Quốc.”
Thật vậy, trong hiện tình Biển Đông và trong suốt bao năm qua, công hàm Phạm Văn Đồng tiếp tục là nền tảng pháp lý cơ bản để Trung Cộng khẳng định cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” của họ tại Biển Đông. Công hàm này còn làm khựng lại các ý định trong vùng Đông Nam Á muốn hợp tác với Việt Nam đem Trung Cộng ra tòa án quốc tế. Vì ngày nào chính nước chủ nhà còn thừa nhận Biển Đông thuộc Trung Cộng, thì việc kéo Việt Nam nhập bọn chỉ làm cho các lý cớ kiện tụng của họ yếu đi mà thôi.
Cách thứ nhất là cãi chày cãi cối qua miệng các quan chức như cựu trưởng ban biên giới Lê Công Phụng, cựu trưởng ban biên giới Trần Công Trục, và gần đây nhất là Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Trần Duy Hải, vào ngày 23/5/2014. Lập luận của Ban Tuyên Giáo Trung Ương là: vì các chữ Hoàng Sa, Trường Sa không được nhắc tới trong bức công hàm nên không hề có chuyện thừa nhận 2 quần đảo đó là của Tàu. Hoặc bức công hàm chỉ thừa nhận hải phận 12 hải lý của Trung Quốc tính từ bờ thôi chứ không nói tính từ bờ nào.
Đây là kiểu lý luận coi tất cả dân Việt Nam là người mù chữ. Nếu lý luận này đem ra trước quốc tế thì lại càng là trò diễu dở và làm lùn thêm mức uy tín vốn đã thấp của Hà Nội. Vì công hàm Phạm Văn Đồng ngày 14/9/1958 tệ hơn thế nhiều. Nó thừa nhận nguyên cả vùng biển mà Trung Cộng tuyên bố chỉ 10 ngày trước là hải phận Tàu và còn ghi rõ Việt Nam “ghi nhận”, “tán thành”, và hứa sẽ “tôn trọng”. Đó chính là đường lưỡi bò 9 vạch. Vùng biển này không chỉ bao trọn 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà còn bao luôn từ 70% đến 90% toàn vùng Biển Đông, tùy theo cách tính. Nguyên văn cốt lõi của bức công hàm Phạm Văn Đồng là:
“Chính phủ nước Việt-nam dân chủ cộng hoà ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung-hoa, quyết định về hải phận của Trung-quốc. (*)
Chính phủ nước Việt-nam dân chủ cộng hoà tôn trọng quyết định ấy và chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung-quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà nhân dân Trung-hoa trên mặt biển.”
Công luận quốc tế biết đọc và đã đọc trọn vẹn cả tuyên bố ngày 4/9/1958 của Bắc Kinh và công hàm ngày 14/9/1958 của Hà Nội. Vì vậy, đã đến lúc nhà cầm quyền CSVN phải bỏ hẳn những cố gắng vặn vẹo ý nghĩa văn bản này một cách vô ích. Chỉ có con đường duy nhất là phủ nhận giá trị của toàn bộ bản công hàm Phạm Văn Đồng.
Cách thứ nhì là chỉ nói riêng với người Việt Nam. Nhà cầm quyền nay đã đưa ra đủ loại biện minh, như lý do gởi bản công hàm là vì thời điểm đó “có nhiều chuyển biến phức tạp và cấp bách đối với Trung Quốc”; như bản công hàm đó “đơn giản chỉ là một cử chỉ ngoại giao”; như bản công hàm đó không có giá trị pháp lý vì 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lúc đó thuộc chính thể Việt Nam Cộng Hòa; như công hàm đó không có giá trị vì “chưa được Quốc hội thông qua” cũng như “Quốc hội Việt Nam cũng chưa từng bao giờ ra nghị quyết phủ nhận chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”; v.v….
Tất cả các luận điểm đó là một bước tiến dài nếu nhìn lại các tuyên bố của thời trước và ngay sau 1975 của các lãnh đạo cao nhất đảng CSVN, như “Trung Quốc chỉ giữ các đảo giùm ta”, hoặc “chẳng thà để Trung Quốc giữ còn hơn để các đảo nằm trong tay chính quyền ngụy”,…. Nhưng các bước tiến đó vẫn hoàn toàn vô ích đối với chủ quyền đất nước ngày nào mà nhà cầm quyền Việt Nam chưa dám nói công khai những luận điểm đó trước thế giới.
Nói cách khác, đã đến lúc giới lãnh đạo CSVN đừng làm việc vừa thừa thãi vừa kỳ cục là cứ cố gắng thuyết phục người Việt Nam rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam trên mọi bình diện lịch sử, pháp lý, v.v… Tại sao cứ đòi tranh luận và thuyết phục những người ĐÃ đồng ý rồi. Có người Việt Nam nào còn ngờ vực điều đó đâu! Trong khi khối người cần nghe những điều đó một cách chính thức từ miệng nhà nước Việt Nam là thế giới bên ngoài, đặc biệt là các đầu lãnh tại Bắc Kinh, chứ không phải người Việt Nam!
Hiển nhiên ai cũng biết Hà Nội tránh né là vì đang lo sợ phản ứng của Bắc kinh một khi họ công khai phủ nhận công hàm Phạm Văn Đồng. Nhưng ngược lại, việc phủ nhận đó sẽ mở rộng con đường đưa Bắc kinh ra trước các tòa án quốc tế; mở rộng cửa cho các chính sách khác của Việt Nam để đối phó với đại họa Bắc Thuộc; chấm dứt cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược ngay trong nội bộ giới lãnh đạo đảng CSVN; và đặc biệt là ngưng vĩnh viễn cảnh trói tay các chiến sĩ Việt Nam làm bia bắn cho hải quân Tàu như thời Trường Sa 1988.
Không ai có thể làm công việc phủ nhận công hàm Phạm Văn Đồng thay cho các lãnh tụ đảng và nhà nước CSVN được, vì họ thừa nhận là chủ thể tiếp nối chính phủ VNDCCH từ thời ông Phạm Văn Đồng và cũng tự nhận là lực lượng lãnh đạo duy nhất tại Việt Nam hiện nay.
Cửa sổ cơ hội cho lãnh đạo đảng CSVN chuyển hướng cũng không còn nhiều. Với vận tốc xâm lấn từ ngoài khơi đến sâu trong đất liền và tràn lan trên cả nước hiện nay, lằn mức “không cưỡng bánh xe xâm lược được nữa” đang đến rất gần.
Vấn đề còn lại là lãnh đạo đảng CSVN đã đủ can đảm để loại bỏ những kẻ thề thốt “không ăn ở hai lòng với Trung Quốc” ra khỏi hàng ngũ chưa? Đã nhận ra sự dại dột và từ giã chính sách “thà mất nước chứ không mất đảng” chưa? Vì một khi nước vừa mất thì kẻ mà Bắc Kinh truy diệt đầu tiên chắc chắn là đảng./.
(*)
DECLARATION OF THE GOVERNMENT OF THE PEOPLE’S REPUBLIC OF CHINA ON THE TERRITORIAL SEA
(Approved by the 100th Session of the Standing Committee of the National People’s Congress on 4th September, 1958)
The People’s Republic of China hereby announces:
(1) This width of the territorial sea of the People’s Republic of China is twelve national miles. This provision applies to all Territories of the People’s Republic of China, including the mainland China and offshore islands, Taiwan (separated from the mainland and offshore islands by high seas) and its surrounding islands, the Penghu Archipelago, the Dongsha Islands, the Xisha islands, the Zhongsha Islands, the Nansha Islands and other islands belonging to China.
(2) The straight lines linking each basic point at the mainland’s coasts and offshore outlying islands are regarded as base lines of the territorial sea of the mainland China and offshore islands. The waters extending twelve nautical miles away from the base lines are China’s territorial sea. The waters inside the base lines, including Bohai Bay and Giongzhou Strait, are China’s inland sea. The islands inside the base lines, including Dongyin Island, Gaodeng Island, Mazu Inland, Baiquan Island, Niaoqin Island, Big and Small Jinmen Islands, Dadam Island, Erdan Island and Dongding Island, are China’s inland sea islands.
(3) Without the permit of the government of the People’s Republic of China, all foreign aircrafts and military vessels shall not be allowed to enter China’s territorial sea and the sky above the territorial sea.
Any foreign vessel sailing in China’s territorial sea must comply with the relevant orders of the government of the People’s Republic of China.
(4) The above provisions (2) and (3) also apply to Taiwan and its surrounding islands, the Penghu Islands, the Dongsha Islands, the Xisha Islands, the Zhongsha Islands, the Nansha Islands and other islands belonging to China.
Taiwan and Penghu are still occupied with force by the USA. This is an illegality violating the People’s Republic of China’s territorial integrity and sovereignty. Taiwan and Penghu are waiting for recapture. The People’s Republic of China has rights to take all appropriate measures to recapture these places in due course. It is China’s internal affairs which should not be interfered by any foreign country.
Source:
* Bộ Ngoại Giao Trung Quốc http://www.fmprc.gov.cn/eng/topics/3754/t19232.htm
* Trong sách giáo khoa tại HongKong: http://law.hku.hk/clsourcebook/10033.htm
Tuyên Bố của Chính Phủ Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc về Lãnh Hải
(Ðược thông qua trong kỳ họp thứ 100 của Ban Thường Trực Quốc Hội Nhân Dân ngày 4 tháng 9 năm 1958)
Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc nay tuyên bố:
(1) Bề rộng lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.
(2) Các đường thẳng nối liền mỗi điểm căn bản của bờ biển trên đất liền và các đảo ngoại biên ngoài khơi được xem là các đường căn bản của lãnh hải dọc theo đất liền Trung Quốc và các đảo ngoài khơi. Phần biển 12 hải lý tính ra từ các đường căn bản là hải phận của Trung Quốc. Phần biển bên trong các đường căn bản, kể cả vịnh Bohai và eo biển Giongzhou, là vùng nội hải của Trung Quốc. Các đảo bên trong các đường căn bản, kể cả đảo Dongyin, đảo Gaodeng, đảo Mazu, đảo Baiquan, đảo Niaoqin, đảo Ðại và Tiểu Jinmen, đảo Dadam, đảo Erdan, và đảo Dongdinh, là các đảo thuộc nội hải Trung Quốc.
(3) Nếu không có sự cho phép của Chính Phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, tất cả máy bay ngoại quốc và tàu bè quân sự không được xâm nhập hải phận Trung Quốc và vùng trời bao trên hải phận này. Bất cứ tàu bè ngoại quốc nào di chuyển trong hải phận Trung Quốc đều phải tuyên thủ các luật lệ liên hệ của Chính Phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc
(4) Ðiều (2) và (3) bên trên cũng áp dụng cho Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.
Ðài Loan và Penghu hiện còn bị cưỡng chiếm bởi Hoa Kỳ. Ðây là hành động bất hợp pháp vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Ðài Loan và Penghu đang chờ được chiếm lại. Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc có quyền dùng mọi biện pháp thích ứng để lấy lại các phần đất này trong tương lai. Các nước ngoại quốc không nên xen vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc
Chú thích:
Quần đảo Tây Sa (tên tiếng Tàu) = Quần đảo Hoàng Sa = Paracel Islands
Quần đảo Nam Sa (tên tiếng Tàu) = Quần đảo Trường Sa = Spratly Islands