Chuyên gia Trung Quốc dùng gậy sắt đánh công nhân Việt Nam
Tin cho biết nhiều công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn nhựa Ngũ Kim ZhanYi, 100% vốn đầu tư Trung Quốc chuyên sản xuất nguyên liệu, thiết bị ngành nhựa, sản xuất linh kiện, đóng tại đường số 3, khu công nghiệp Tân Đức, tỉnh Long An đã đến trụ sở Ủy ban xã Đức Hòa Hạ tố cáo vụ việc họ bị một trưởng ca sản xuất người Trung Quốc đuổi đánh khi họ đình công.
Được biết, khoảng 8 giờ sáng ngày 26.3, hơn 100 công nhân ngừng việc để đòi quyền lợi. Cụ thể, công nhân phản đối chế độ bảo hiểm của công ty không minh bạch; mỗi ngày công nhân phải tăng ca đến 12 giờ; thậm chí, công nhân ăn trưa và ăn chiều cũng bị tính mỗi bữa 30 phút trừ thằng vào lương.
Do chế độ làm việc quá hà khắc nên từ đầu năm đến nay công nhân đã 3 lần đình công. Lần này, công nhân yêu cầu được gặp Giám đốc công ty để nói rõ việc họ bị các quản lý áp bức. Trong lúc công nhân ngồi chờ trước cổng thì một ca trưởng người Trung Quốc tên Thuận bước ra chửi bới rồi dùng tuýp sắt xông vào đánh họ.
Thấy tên này quá hung hãn, anh Thành là bảo vệ trực cổng lao tới can ngăn thì bị tên này phang tuýt sắt vào đầu làm bị thương vùng mắt. Tiếp đó, tên này quật gậy tới tấp làm 4 công nhân khác bị thương
Bờ biển miền Trung tan hoang vì khai thác TiTan
Cả một dải đất ven biển miền Trung sở hữu tiềm năng du lịch lớn nhất nước đang chịu sức ép ô nhiễm ghê gớm từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt. Một trong những tác động nhãn tiền ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe hàng triệu người là ô nhiễm do khai thác quặng titan. Titan là vật liệu không thể thiếu đối với ngành công nghiệp hàng không và vũ trụ. Nhiều địa phương miền Trung nuôi mộng làm giàu bằng titan. Việt Nam hiện được coi là quốc gia đứng thứ 11 thế giới về trữ lượng quặng titan.
Trong số 14 triệu tấn trữ lượng đã xác định, trên 9 triệu tấn là sa khoáng titan phân bố dọc các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đổ vào, trải từ Hà Tĩnh vào đến Bà Rịa Vũng Tàu. Đây là một con số khổng lồ nếu so với tổng trữ lượng titan đã xác định của toàn thế giới chỉ là 1400 triệu tấn. Trung Quốc là nước mua titan nhiều nhất của Việt Nam, các doanh nghiệp Trung Quốc gom mua hết khiến cho phong trào đào Titan trở nên rầm rộ. Mỗi năm tỉnh Bình Định cho biết khai thác trên dưới 800,000 tấn, chưa kể khai thác lậu không khai báo.
Riêng con số không chính thức ấy cũng đã cao gấp nhiều lần số lượng được phép khai thác. Hậu quả là cọc các bãi biển miền Trung, công trường khai thác titan mọc lên như nấm. Qua việc khai thác, môi trưởng bị ảnh hưởng rất nhiều. Mất rừng, mất tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường, đến sức khỏe của dân chúng, và mất cả một bờ biển dài hàng trăm cây số, những dải rừng nhiều năm tuổi bị phá. Tình trạng trên lại càng trở nên nặng nề hơn khi các lãnh đạo Hà Nội, vì ham tiền nên sẵn sàng cho buôn lậu quặng titan ra ngoại quốc với giá rẻ, mà nhà nước thì lại không làm gì để ngăn chặn được.
Thêm một người tử vong tại đồn công an
Thêm một trường hợp tử vong ngay tại đồn công an dù nạn nhân là người khỏe mạnh trước khi bị đưa vào đó. Nạn nhân là ông Hoàng Văn Ngài 40 tuổi cư ngụ tại xã Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa tỉnh Dak Nong.
Theo lời anh Hoàng Văn Tá, em anh Ngài thì công an thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã bắt vợ anh và vợ anh Ngài chiều 14/3 khi họ đang làm rẫy và giam họ tại thị xã qua đêm vì cho rằng họ phá rừng. Sang tới ngày 15/3, công an thông báo cho hai anh em lên bảo lãnh cho hai người vợ nhưng cả hai người đã bị bắt khi tới nơi. Việc bắt giam được tiến hành mà không có lệnh gì hết.
Hai người phụ nữ sau đó đã được thả hôm 16/3, riêng 2 ông Ngày và ông Tá tiếp tục bị giam giữ, công an bắt hai anh em ông ra dọn vệ sinh, lau nhà, rửa xe. Đến chiều ngày 17/03 thì nghe có tiếng ồn ào va đập vào tường rất nhiều tại phòng giam anh Ngài, một lúc sau thì Công an gọi xe taxi đến trước cửa trụ sở, đưa ông Ngài ra đưa lên xe đi cấp cứu. Ông Tá đã đập cửa xin ra thăm thì bị nghiêm cấm, đóng chặt cửa phòng. Đến 8 giờ sáng ngày 18/03 thì có tin ông Ngài đã chết, Công an đưa xác ông về nhà tang lễ của bệnh viện Đa Khoa tỉnh Dak Nong và mổ thi thể của ông mà không có sự chứng kiến của gia đình. Kết quả khám nghiệm không có thương tích gì và ông Lê Diễn, Chủ tịch tỉnh Đắk Nông và cũng là Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội của tỉnh đã lên tiếng xác nhận vụ người H’Mong chết người tại công an Đắk Nông nhưng nói nạn nhân ’tự chọc tay vào ổ điện’, tự tử.
Anh Tá cho biết, sau khi anh Ngài chết công an địa phương đã hứa sẽ cho gia đình tiếp tục được làm rẫy mà không bắt tội nữa và điều này càng làm anh nghi ngờ có điều khuất tất trong cái chết của anh trai. Trước cái chết ngay tại trụ sở công an, rồi việc khám nghiệm tử khi không được thông báo cho thân nhân chứng kiến, nên gia đình quyết định đòi hỏi công lý cho người chết.
Hàng trăm học sinh lội sông đi học vì cầu tre thu phí
Trong khi nhà nước Cộng sản Việt Nam khoe rằng kinh tế khởi sắc, dân giàu nước mạnh thì học sinh ở xã Sơn Ba, huyện miền núi Sơn Hà tỉnh Quảng Ngãi, không có nổi một cây cầu để băng qua sông.
Được biết hàng trăm học sinh ở xã Sơn Ba, phải lội sông sâu đến trường vì không có tiền trả lệ phí qua cầu tre. Vào mùa nắng những chiếc bè phao ngưng hoạt động, người dân tự làm cầu tre bắc ngang qua sông Re lập trạm thu phí từ 2000 đến 5000 đồng kèm theo xe đạp, xe máy hai lượt qua lại. Hôm nào có tiền nộp qua cầu thì học sinh ở các thôn Làng Bung, Mò O, Làng Gìa, Làng Chai vượt sông Re qua Làng Tranh đến trường đi trên chiếc cầu tre này. Còn những ngày không có tiền nộp thì học sinh Tiểu học, Trung học Sơn Ba đành lội sông sâu đến trường. Nước thường ngập đến bụng nên các bạn nam sinh thường cởi quần dài khi vượt sông.
Còn đến mùa mưa thì đu dây kéo bè đến trường, mùa nắng thì tìm địa điểm nào cạn nhất để vượt sông do gia đình nghèo nên không thể trang trải tiền nộp lệ phí qua những chiếc cầu tre gập ghềnh. Không chỉ vượt quãng sông Re hơn 300 thước, học sinh còn vượt qua nhiều con suối rộng để đến trường học tập. Những hôm trời mưa lớn, mực nước trên các sông, suối dâng cao các lớp học nơi đây học sinh vắng hơn 1/3. Đây là những hình ảnh thật sự của xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.