Nguyễn Văn Nên gặp nhóm trí thức Sài Gòn: Bước chuyển hay chiêu trò?

TRẦN QUỐC SÁCH

Cuộc gặp hôm 30/3 tuần qua là dấu hiệu của thay đổi hay chỉ là động thái mang tính biểu tượng? Bài viết dưới đây phân tích ý nghĩa cuộc gặp, khả năng mở rộng đối thoại ra Hà Nội, cũng như đánh giá xem đây là bước chuyển mình thực sự của chế độ hay chỉ là sách lược chính trị?

______________________

Chim mồi” khét tiếng của Đảng

Cuộc trao đổi tuần trước giữa Bí thư thành ủy với một số nhà hoạt động xã hội ở Sài Gòn không phải do Văn phòng Thành ủy triệu tập, mà lại do Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông Trình Quang Phú (sinh năm 1940) làm “cò mồi” (Đích thân ông ký Giấy Mời). Phú bản quán xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, đảm nhiệm vị trí Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông từ năm 2001. Một chiếc ghế “bất khả xâm phạm” suýt soát phần tư thế kỷ qua.

Đại tá an ninh Trình Quang Phú, dưới vỏ bọc “Tiến sĩ – Giáo sư” cách mạng gc ấy, từng “đeo bám” theo lệnh trên, đã cài bẫy cho an ninh theo dõi và bắt bớ nhiều trí thức yêu nước tinh thần phản biện năng nổ. Tuần qua, Hoàng Hà, Hoàng Dũng, Hà Sĩ Phu và Khánh Trâm cũng được Phú “triệu tập” đến Thành ủy, nhưng các chiến sỹ trung kiên và cốt cán của xã hộidân sự ấy đã “bắt bài” khá kịp thời và thẳng thắn khước từ lời mời đến một cuộc gặp mà họ cho là không có nhiều ý nghĩa ấy!

Nói thêm về “thành tích” của Phú: từ thuở là “agent mật thám chìm mới tập tễnh vào nghề” đã được trên bổ nhiệm làm Thư ký riêng cho Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ (Chuyện các mật thám chìm thường được an ninhcài vào để theo dõi những trí thức lớn như cỡ ông Nguyễn Hữu Thọ không phải Lê Đức Thọ đâu nhalà chuyện “xưa như Diễm”). Trong quá trình thao tác nghiệp vụ, Phú đã từng “cài bẫy” thành công và hạ gục các tướng Đặng Kim Giang, Trần Độ (Vụ gái gú của Trần Độ là do Phú cài bẫy để hại tướng Độ, chứ lúc ấy Trần Độ đã gần đất xa trời, còn sức đâu mà trăng với hoa nữa!!!) Phú cũng góp phần đưa Hà Sĩ Phu (1),Hồng Hà và Nguyễn Kiên Giang vào vòng lao lý, vì những chuyện không đâu…  

Cuộc gặp gỡ giữa Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên với nhóm trí thức trong đó có một số người được cho là bất đồng chính kiến hôm 30/3/2025, dẫu sao cũng đánh dấu một sự kiện hiếm hoi trong đời sống chính trị Việt Nam (2). Sự kiện này không chỉ thu hút sự chú ý của công luận bởi tính chất “giật gân” của nó, mà còn do danh tính của những người tham dự, bao gồm các cá nhân từng rời bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) và trở thành những tiếng nói chỉ trích mạnh mẽ chính sách của nhà nước.

Theo Facebooker Lưu Trọng Văn, danh sách các nhà hoạt động văn hoá xã hội gồm người cao tuổi nhất là nhà sử học Nguyễn Đình Tư – 105 tuổi, người trẻ tuổi nhất là nhà văn Nguyễn Ngọc Tư – 49 tui. Ngoài ra còn có: bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, tiến sĩ Mạc Văn Trang, đạo diễn Nguyễn Kim Chi, nhà thơ Hoàng Hưng, nhạc sĩ Trần Tiến, nhà thơ kiêm hoạ sĩ Đỗ Trung Quân, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, nghệ sĩ Thành Lộc, các NSND Trần Minh Ngọc, Hoàng Yến, Bạch Tuyết, Thanh Thuý, nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà văn Bích Ngân, kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu và Lưu Trọng Văn (3).

Phía các nhà chính trị có bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên, giáo sư Huỳnh Thành Đạt phó ban Tuyên giáo – Dân vận Trung ương, bà Phạm Phương Thảo, nguyên phó bí thư Thành uỷ, giáo sư Trần Hoàng Ngân đại biểu Quốc hội. Điều phối cuộc trao đổi trên do đích thân đại tá an ninh họ Trình điều khiển; vẫn theo tường thuật của nhà báo Lưu Trọng Văn (4).

Điều đặc biệt nữa là, cho đến nay, cuộc gặp này chưa được tờ báo nhà nước nào quảng bá dù ở mức đơn sơ hoặc chi tiết. Dẫu sao, dư luận vẫn coi đây là một cuộc gặp đáng quan tâm, vì nền chính trị khép kín ở Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua đã chứng kiến sự kiểm soát chặt chẽ của ĐCSVN đối với những tiếng nói phản biện, kể cả những “phản biện lề phải”, tức là của những người có thể là đương kim hoặc từng là đảng viên ĐCSVN. Lần cuối cùng các trí thức phản biện có cơ hội đối thoại với chính quyền là thời kỳ sau Đổi Mới năm 1986, khi ĐCSVN mở cửa nền kinh tế và chấp nhận một số mức độ tự do ngôn luận hạn chế (5). Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, cánh cửa đối thoại nhanh chóng bị đóng lại.

Liệu có cuộc gặp tương tự ở Hà Nội?

Trong bối cảnh nói trên, cuộc gặp giữa ông Nguyễn Văn Nên với nhóm trí thức độc lập lần này đặt ra nhiều câu hỏi: Liệu ĐCSVN thực sự muốn lắng nghe những ý kiến phản biện để cải cách hay đây chỉ là một động thái mang tính hình thức? Nội dung thảo luận tại cuộc gặp xoay quanh các vấn đề quan trọng như thu hút nhân tài, tự chủ đại học, và đặc biệt là sự độc lập của trí thức trong việc đóng góp ý kiến, nhưng trong buổi trao đổi trên lại thiếu hẳn các chuyên gia đầu ngành thực thụ (!?) Những người có mặt chỉ nhấn mạnh rằng nhà nước chưa thực sự tôn trọng các tiếng nói phản biện và nếu trí thức không có không gian để tự do thể hiện quan điểm, họ sẽ không thể đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của đất nước. Một điềm lạ là tâm tình trên FB của GS. Mạc Văn Trang hiền khô mà không hiểu sao cũng bị “trôi tuột” phải tìm lại? (6).

Một trong những câu hỏi nổi bật là liệu cuộc đối thoại với trí thức độc lập có thể được mở rộng ra Hà Nội – trung tâm quyền lực của Việt Nam hay không? Hà Nội có đặc thù chính trị khác với TP.HCM, nơi có phần cởi mở hơn trong các vấn đề xã hội và chính trị. Việc Bí thư Thành ủy TP.HCM gặp gỡ các trí thức bất đồng có thể xuất phát từ mong muốn tạo dựng hình ảnh cải cách, nhưng để điều này lan rộng ra cả nước, đặc biệt là tại Hà Nội, sẽ cần đến sự đồng thuận của các lãnh đạo cấp cao hơn trong Bộ Chính trị.

Trong bối cảnh hiện tại, khi Tổng Bí thư Tô Lâm – người đang có nhiều động thái tinh giản bộ máy hành chính mà nhiều ý kiến cho đây là một cuộc cải tổ sâu rộngđã cho thủ túc nắm giữ những vị trí quan trọng, khả năng tổ chức các cuộc gặp gỡ tương tự ở Hà Nội không phải là bất khả thi. Nếu chính quyền thực sự muốn cải cách, Đảng và Nhà nước sẽ phải thừa nhận vai trò của trí thức độc lập và tìm cách tận dụng nguồn lực này, thay vì tìm cách loại trừ họ.

Tuy nhiên, sự khác biệt trong quan điểm của các lãnh đạo ĐCSVN về vấn đề này cũng có thể dẫn đến tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Nghĩa là, trong khi một số lãnh đạo muốn tiếp cận trí thức một cách cởi mở, một số khác có thể vẫn giữ quan điểm cứng rắn, cho rằng đối thoại với những tiếng nói bất đồng là không cần thiết hoặc thậm chí gây ra những tiền lệ nguy hiểm.

Đảng sẽ có chính sách mềm mỏng hơn hay tất cả chỉ là chiêu trò chính trị? Một trong những vấn đề lớn nhất của chính sách đối với trí thức phản biện là tính hai mặt: một bên chính quyền tỏ ra mềm mỏng, nhưng mặt khác lại duy trì các biện pháp trấn áp mạnh tay. Trong trường hợp của cuộc gặp giữa ông Nguyễn Văn Nên và nhóm trí thức, điều này cũng không phải là ngoại lệ.

Mặc dù cuộc gặp được tổ chức với tinh thần đối thoại, song trong cùng thời gian đó, chính quyền lại có những động thái cứng rắn đối với một số trí thức khác. Ví dụ, ngày 26/3/2025, nhà thơ Thái Bá Tân đã công khai trên Facebook cá nhân rằng ông có thể bị bắt sau khi bị công an tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu triệu tập làm việc (7). Trong khi đó, ngày 27/3, Tiến sĩ Nguyễn Quang A – một trí thức nổi tiếng với các quan điểm chỉ trích ĐCSVN – bị gọi đích danh là “thế lực thù địch” trong một bản tin của Truyền hình Công an Nhân dân (8).

Sự đối lập giữa một bên là những cuộc gặp gỡ thiện chí và một bên là các biện pháp mạnh tay khiến dư luận đặt câu hỏi: Liệu ĐCSVN có thực sự thay đổi cách tiếp cận với trí thức hay chỉ đang áp dụng chiến lược “cây gậy và củ cà rốt”? Chính quyền Việt Nam từ lâu đã sử dụng phương pháp này – nghĩa là vừa ve vãn một số nhóm nhất định để tạo hình ảnh tích cực, vừa duy trì đàn áp để kiểm soát tình hình.

Mở ra tiền lệ hãy đóng vĩnh viễn?

Dẫu sao, không thể phủ nhận rằng cuộc gặp lần này có thể là tín hiệu mong manh của sự thay đổi, dù còn quásớm để khẳng định điều này một cách chắc chắn. Việc một Ủy viên Bộ Chính trị công khai đối thoại với những tiếng nói phản biện có thể mở ra tiền lệ cho các cuộc trao đổi khác trong tương lai. Nếu điều này được tiếp nối và không chỉ dừng lại ở hình thức, nó có thể giúp xây dựng một nền tảng đối thoại lành mạnh hơn giữa nhà nước và trí thức độc lập.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất vẫn nằm ở chỗ liệu ĐCSVN có thực sự sẵn sàng chấp nhận sự phản biện từ bên ngoài hay không. Nếu nhà nước chỉ xem cuộc gặp này là một cách để tạo hình ảnh tích cực mà không có bất kỳ thay đổi thực chất nào, thì sự kiện này sẽ nhanh chóng bị lãng quên, và trí thức độc lập sẽ tiếp tục tìm kiếm những con đường khác để lên tiếng.

Như nhà thơ Hoàng Hưng – một trong những trí thức tham gia cuộc gặp – đã nhận định: “Chúng ta chưa vội vã kết luận đây có phải là bước tiến lớn hay không. Đây vẫn chỉ là những tín hiệu ban đầu. Nhưng dù sao, điều này cũng cho thấy triển vọng rằng người lãnh đạo mới của ĐCSVN có thể có cách nhìn nhận và xử lý vấn đề đất nước khác so với trước đây.” (9)

Nhìn chung, cuộc gặp giữa Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên với nhóm trí thức bất đồng chính kiến có thể coi là một sự kiện đáng quan tâm, nhưng nó chỉ thực sự có ý nghĩa nếu tiếp tục có những bước đi cụ thể và thực chất trong tương lai. Nếu không, đây chỉ là một động thái mang tính biểu tượng, không tạo ra sự thay đổi đáng kể nào trong chính sách của ĐCSVN đối với các trí thức độc lập (10).

———————–

Tham khảo thêm:

(1) https://baotiengdan.com/2019/05/25/ha-si-phu-nguoi-tri-thuc-thong-minh-hieu-biet-rong-va-vo-cung-yeu-nuoc/

(2) https://www.rfa.org/vietnamese/trong-nuoc/2025/03/31/nguyen-van-nen-bat-dong-chinh-kien/

(3 4) https://baotiengdan.com/2025/03/31/chung-ta-cung-nhau-tren-mot-dong-chay/

(5) https://www.viet-studies.net/NhaVanDoiMoi/NguyenVanLing_NoiChuyenVanNgheSi.htm

(6)https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2216460762147845&id=100013518285955

(7)https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02m3xhFWVp89ALD8tgu8LcbHFy9vJuFBgWtaC36eMvoWDoBYMuhqHDAAUf6phDAdoml&id=61559592968165  

(8) https://www.youtube.com/watch?v=qHeuhXbdR24

(9) https://www.rfa.org/vietnamese/trong-nuoc/2025/03/31/nguyen-van-nen-bat-dong-chinh-kien/

(10)https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=2164518140735366&id=100015316035979&rdid=e9EqGZknNjQkOgFv#