Marina Mai (TAZ)
Tóm tắt: Sau vụ bắt cóc người tại công viên Tiergarten đưa về Việt Nam: Bây giờ có lẽ chính quyền Việt Nam muốn có thêm một nạn nhân khác
Việt Nam dường như đang đề xuất một thỏa thuận với Chính phủ Liên bang Đức: Sẽ thả Trịnh Xuân Thanh, là người bị bắt cóc hồi năm 2017 – với điều kiện đầy tranh cãi.
Hôm thứ Hai [ngày 21-10-2024] một phái đoàn của Bộ Công an Việt Nam đến thăm Bộ Nội vụ Liên bang tại Berlin. Có những dấu hiệu cho thấy, khách đến thăm có thể có ý định trả tự do cho Trịnh Xuân Thanh, người bị bắt cóc từ Đức về Việt Nam hồi năm 2017 – và cho phép Thanh xuất ngoại tới Đức.
Ở Đức, Cục Liên bang về Di cư và Tị nạn đã cấp cho Thanh quyền tị nạn sau khi ông bị mật vụ Việt Nam bắt cóc. Vợ và ba trong số năm người con của Thanh đang sống ở đây. Nhưng Hà Nội không muốn để Trịnh Xuân Thanh ra đi (ND: Rời khỏi Việt Nam) mà không có gì đổi chác.
Trịnh Xuân Thanh là một quan chức kinh tế Việt Nam đào tẩu và trốn sang Đức hồi năm 2016. Một năm sau, mật vụ Việt Nam bắt cóc Thanh trong một đặc vụ giống như phim hành động, để đưa trở về Hà Nội, nơi người đàn ông 58 tuổi này vẫn bị giam giữ cho đến nay.
Tòa án Nhân dân Hà Nội tuyên phạt Thanh hai án chung thân về tội tham nhũng và quản lý yếu kém. Thanh phủ nhận mọi cáo buộc. Luật sư người Đức của Trịnh Xuân Thanh, Petra Schlagenhauf, coi việc bắt cóc và tuyên phạt đó được thực hiện vì động cơ chính trị. Kể từ khi xảy ra vụ bắt cóc xảy ra, Đức đã yêu cầu trả tự do cho người đàn ông này.
Nhà báo Lê Trung Khoa, sống ở Berlin, được một nguồn tin từ Hà Nội cho biết, rằng chính phủ Liên bang đã được đề nghị một thỏa thuận: Việt Nam sẽ trả tự do cho Trịnh Xuân Thanh và đưa ông sang Đức, để đổi lại, Berlin đồng ý để doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn, là người đã bỏ trốn sang Đức, bị dẫn độ về Việt Nam.
Bị kết án vắng mặt
[Bà Nhàn] một phụ nữ 55 tuổi, là người [môi giới] cung cấp các thiết bị quân sự và công nghệ y tế từ các nước phương Tây cho Việt Nam đến năm 2022, bị kết án 30 năm tù vắng mặt vì tham nhũng và gian lận trong quá trình đấu thầu. Người phụ nữ này trốn ra nước ngoài cùng bảy đồng phạm hồi năm 2022. Bà Nhàn đã sống ở Đức được một năm rưỡi và đang được cơ quan an ninh bảo vệ khỏi nguy cơ bị bắt cóc.
Cục Tư pháp Liên bang đã từ chối yêu cầu dẫn độ bà Nhàn về Việt Nam. Kể từ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh năm 2017, TAZ được biết thông tin từ giới chính quyền, việc dẫn độ [bà Nhàn] về Việt Nam về cơ bản đã bị bác bỏ.
Người ta nghi ngờ, liệu yêu cầu dẫn độ có thực sự liên quan đến tội ác kinh tế mà người phụ nữ này bị cáo buộc hay không. Bà ta là người tình lâu năm của Thủ tướng Việt Nam và họ có với nhau một cô con gái đã trưởng thành. Thủ tướng là đối thủ chính trị của Tổng bí thư đảng CSVN Tô Lâm và Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang. Vì họ chưa tìm thấy kẽ hở nào để tấn công cá nhân Thủ tướng, nên được cho là họ tìm những biện pháp nhắm đến người tình [cũ] của ông ta. Ít nhất, đó là những gì được mô tả trong một bức thư nặc danh bị rò rỉ cho TAZ hồi năm 2023 từ Hà Nội.
Câu hỏi đặt ra là, liệu Đức có chấp nhận thỏa thuận này hay không. Một mặt không phải Bộ Nội vụ Liên bang quyết định, liệu một người có bị dẫn độ sang nước khác hay không, mà là Tòa án và cục Tư pháp Liên bang. Mặt khác, Việt Nam chưa có nền tư pháp độc lập.
Cả Bộ Nội vụ Liên bang lẫn Bộ Ngoại giao đều không bình luận về câu hỏi này theo yêu cầu. Người phát ngôn Bộ Nội vụ chỉ xác nhận với TAZ rằng, cuộc trò chuyện kéo dài một giờ giữa đại diện Bộ Nội vụ Việt Nam và Thứ trưởng Nội vụ Hans-Georg Engelke sẽ diễn ra vào thứ Hai. Trước đó là mong muốn của Việt Nam về chuyến thăm của Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang. Hiện còn “chưa rõ” liệu Bộ trưởng Việt Nam có đích thân đến và ai sẽ cùng đi tháp tùng. Bộ Nội vụ Liên bang không cung cấp bất kỳ thông tin nào về nội dung cuộc trò chuyện mà Việt Nam yêu cầu.
Hà Nội muốn cử một sĩ quan cảnh sát
Một nguồn tin thân cận với Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin nói với TAZ rằng, Hà Nội cũng muốn tận dụng chuyến thăm này để bổ nhiệm một sĩ quan cảnh sát liên lạc (Bí thư Thứ nhất) vào đại sứ quán một lần nữa. Điều này tồn tại cho đến khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc. Ông này đã được bổ nhiệm vào thập niên 1990 để giúp cảnh sát Đức chống tội phạm thuốc lá ở Việt Nam.
Tuy nhiên, qua nhiều năm, viên chức này tỏ ra không phải là một phần của giải pháp mà là một phần của vấn đề. Nhiều năm trước, TAZ được biết từ Văn phòng Cảnh sát Hình sự Thủ đô Berlin rằng, họ muốn loại bỏ người đàn ông này và hầu như không giao cho ông ta nhiệm vụ nào khác ngoài việc phân biệt hộ chiếu Việt Nam thật và giả.
Tuy vậy, trong cộng đồng người Việt, ông ta có thể tạo ấn tượng rằng, ông ta hợp tác tốt với cảnh sát địa phương, do đó một số khiếu nại hình sự đều đến tay ông ta thay vì đến các nhà chức trách Đức và một dạng hệ thống tư pháp song song đã xuất hiện. Theo bằng chứng của Tòa phúc thẩm Berlin, viên sĩ quan cảnh sát liên lạc này đã đóng vai trò trung tâm trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Ví dụ như ông ta đã giúp đưa nạn nhân bị bắt cóc ra khỏi Berlin.
Lê Quang Ngọ và Lê Quí Trọng, biên dịch