Luật gia Nguyễn Đình Hà
Nhiều người chia sẻ sự buồn thương đối với sự ra đi của ông Nguyễn Phú Trọng – cố tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam bằng cách trích dẫn các câu nói lời hay ý đẹp của ông – mà tôi đánh giá là người làm chính trị muốn lấy lòng dân thì phải nói thế thôi. Bọn củi trước khi vào lò của ông cũng hay nói đạo lý lắm.
Ông ra đi khi mà vụ việc tại dự án Ciputra thời ông làm bí thư thành ủy Hà Nội đang được khơi ra, thành thử ông liêm khiết đến đâu tôi cũng chả biết được, chỉ nghe các giai thoại đi xe Toyota Crown cũ, mặc áo sờn tay, con trai và con gái ông làm công chức quèn, bà vợ đi xe cà tàng, … có thể ông là một người “bolsevic” sống trọn vẹn với lý tưởng thật.
Nhưng nhìn chung, tôi đánh giá ông Trọng qua những gì ông Trọng làm trong thực tế từ khi ông ngồi trong bộ chính trị từ năm 1997, đặc biệt là 2 nhiệm kỳ tổng bí thư cuối đời – khi ông thực sự ở đỉnh cao quyền lực:
- Ông là một người thuộc thành phần bảo thủ trong đảng cộng sản, nên dưới thời ông, phe cấp tiến bị vào lò vãn đi khá nhiều, nhiều thành phần kỹ trị về vườn đuổi gà – dù biết, đám này tội lỗi cũng đầy người, bị bắt cũng chả oan.
- Xu hướng bảo thủ cộng sản của ông còn thể hiện ở chỗ trấn áp khối bất đồng chính kiến, không thừa nhận sự tồn tại của xã hội dân sự, quá trình này bắt đầu mạnh tay hơn từ đầu nhiệm kỳ năm 2016 đến nay, khi phe bảo thủ của ông áp đảo phe cấp tiến của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đẩy ông Ba X về làm “người tử tế”.
- Cải cách chính trị, cải thiện dân quyền trong thời của ông hầu như không đáng kể, nếu như không muốn nói là ngày càng tệ đi. Các luật về thực thi dân quyền cơ bản như quyền biểu tình, quyền lập hội, … vẫn như bánh vẽ. Quyền tự do báo chí, ngôn luận, tư tưởng vẫn bị hạn chế rõ rệt.
- Ông Trọng không phải là một người giỏi trong quản trị quốc gia về mặt kinh tế, đối phó đại dịch, … vai trò của ông nổi bật và để lại dấu ấn để đời chỉ là “đốt lò” – cách nói ví von về công cuộc xây dựng, chỉnh đốn đảng cộng sản của ông. Nhưng cái cơ chế cần cải cách thì ông không sửa – “đánh chuột” nhưng lo “vỡ bình”, vậy thì rừng xanh còn đó, đốt mãi chả hết củi.
- Thông qua công cuộc “đốt lò” của ông, ngành công an của ông Lâm dần dần có thêm nhiều quyền hơn, “lấn sân” nhiều hơn, “công an hóa” đời sống xã hội hơn.
- Chống tham nhũng là tốt thôi, nhưng nó làm tê liệt 1 số ngành trong 1 số thời điểm khiến người dân xhcn “xếp hàng cả ngày” không xong – như ngành y tế, đăng kiểm, … Điều đó cho thấy ông chỉ lo đốt lò mà thiếu đi cái nhìn sâu hơn, xa hơn, rộng hơn về các tác động, hệ lụy và cách xử lý hệ lụy. Nó cũng là một phần vấn đề cơ chế trì trệ không được sửa đổi, cải cách.
- Thành quả về đối ngoại là học thuyết “ngoại giao cây tre” – ở nhiệm kỳ cuối đẻ ra – một phiên bản hoa mỹ hơn, dài dòng văn tự hơn của nghệ thuật ngoại giao “đi dây” giữa các cường quốc. Nhưng nhìn lại căng thẳng ngoại giao với CHLB Đức và CH Slovakia trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh năm 2017 thì thấy ông ấy chỉ chú trọng vào mục tiêu của mình, bất chấp luật lệ quốc tế, thể diện quốc gia, lợi ích quốc gia.
Cái (6) và (7) thực ra bản chất chả khác nhau.
Nhìn chung, người thì cũng mất rồi, những gì ông Trọng làm ra, để lại, hậu thế sẽ còn mổ xẻ, phân tích, chia phe cãi lộn nhiều.
Luật gia Nguyễn Đình Hà