Sau sự liên tiếng liên tục của các tổ chức thế giới cũng như người trong nước, Công an CSVN buộc phải lên tiếng là đã bắt giam ông Trương Huy San, tức Huy Đức, về tội 331. Nhưng tạm thời việc cố gắng hợp pháp hóa chuyện bắt cóc ông Huy Đức, nhưng vấn đề của chuyện kết tội và đưa ra dư luận công khai, rõ là thứ khó nhằn của Tô Lâm, ông chủ tịch nước nhưng là kẻ có quyền lực thao túng cả Bộ Công An lúc này.
Trong số những blogger có giọng điệu bình luận nghiêm túc và rành rẽ những vấn đề nội bộ của giới lãnh đạo Việt Nam, không ai được đánh giá cao hơn ông Huy Đức, người từng dùng bút danh Osin, và có 350.000 người theo dõi trên Facebook. Việc bất ngờ bắt giữ ông Huy Đức, kể cả những người chống cộng cực đoan, và coi ông Đức là “cái loa” của phe phái, vẫn không thể giải thích được chuyện ông bị giam giữ. Sự bắt giữ, đóng Facebook của ông Đức, rõ ràng cho thấy cách viết luôn men theo lằn ranh cuối cùng của ông, nay đã quá mức chịu đựng của những kẻ âm mưu thao túng trong đất nước, và khiến họ phải bịt miệng ông, trước khi ông có thể tiết lộ kế hoạch đen tối nào đó bị rò rỉ.
Huy Đức là phóng viên nội chính ở Việt Nam, loại phóng viên có những mối quan hệ với các quan chức đang cầm quyền và có tư cách để tiếp cận các tài liệu của quốc gia, được coi là phóng viên loại 1 của hệ thống truyền thông độc tài nhà nước. Nhưng cũng là loại phóng viên dễ dàng vào tù khi có những cuộc thay đổi các cấp lãnh đạo tối cao.
Vài ngày sau khi ông Huy Đức mất tích, không gian mạng Việt Nam xuất hiện những lời bình phẩm trái chiều. Một phía là những người chống cộng cực đoan, coi rằng việc sa lưới của một cây viết thuộc về phe phái là xứng đáng. Nhưng một phía, có vẻ là nhiều hơn hết, là những lời ghi nhận về giá trị của những bài viết của ông, những phân tích tình hình chính trị Việt Nam, cũng như về bộ sách Bên Thắng Cuộc, với những phần tư liệu bạch hóa, mà mỗi khi nhìn lại có thể khiến giới chóp bu Ba Đình phải cảm thấy cay đắng.
Hầu hết các phân tích về vụ bắt giữ ông Huy Đức, kể cả những bình luận cảm tính, cũng đều cho rằng: người ra tay là ông Tô Lâm, chủ tịch nước hiện nay và cũng là người đang kiểm soát Bộ Công An sau bức màn. Có thể thấy trong các lịch sử bài viết của ông Huy Đức, việc đụng chạm đến Bộ Công An là không nhiều. Cho thấy nguồn tin bên trong đủ cho ông Đức thấy không nên chạm vào kẻ sắt máu này, ngay cả vụ nổi dậy ở Daklak vào 10 tháng Sáu năm 2023, nhiều người đã cố ý trông chờ ông Huy Đức bình luận xác đáng về câu chuyện này, nhưng mọi thứ là im lặng.
Điều mà ai cũng nhận ra là quyền lực mà ông Nguyễn Phú Trọng giao cho ông Tô Lâm để thực hiện cái gọi là ‘đốt lò’ trong đại dự án tham nhũng, đã tạo cơ hội cho Tô Lâm biến Bộ công an thành một Bộ máy thanh trừng đặc biệt riêng cho mình, mà bây giờ ngay cả Bộ Chính Trị cũng run sợ. Hiện nay, tất cả những thành viên cao hay trung cấp trong hệ thống lãnh đạo CSVN đều nơm nớp vì không biết Tô Lâm sẽ nhắm đến mình khi nào. Bởi có thể nhìn thấy rõ ràng mọi quan chức cộng sản đều nhúng chàm tham nhũng, hay những khoản tiền bí mật để làm giàu riêng cá nhân, vấn đề là Tô Lâm sẽ chọn ai để đưa vào bàn tiệc sắp tới – loại bàn tiệc mà mọi người trong đó đều có sai phạm, ngoại trừ kẻ kiểm soát là Tô Lâm.
Chưa bao giờ thế lực của công an trong đất nước Việt Nam lại lớn như lúc này. Tin trong nội bộ nói rằng các quan chức Bộ Quốc Phòng đang hối hả để tăng cường sức mạnh của mình, trong nỗi lo không để cán cân nghiêng về phía Tô Lâm một cách hoàn toàn. Việc đẩy tướng quân đội Lương Cường tham gia Ban Bí thư và giữ chức vụ Thường trực Ban Bí thư mới đây, cũng được coi là một cách tính nhằm giảm bớp áp lực thao túng từ Tô Lâm, Chủ Tịch nước nhưng là cựu Bộ trưởng Công an, và đàn em là Lương Tam Quang, tự xông vào vị trí Bộ trưởng Công an mà không thèm xin ý kiến của Nguyễn Phú Trọng.
Những sự bất đồng trong nội bộ Đảng CSVN đang ngày càng lớn, và cuộc khủng hoảng lớn nhất có thể đến, bắt đầu từ một nguồn tin bán công khai nào đó có thể tác động đến đa số đảng viên và dân chúng. Mặc dù những lời đồn đoán về khát vọng tiếm tuyền đã lan khắp mọi nơi, nhưng Tô Lâm không muốn ngôn luận đó được chính thức được bàn ở Quốc Hội trước khi những mưu tính của ông ta hoàn thành.
Lâu nay, nhiều người vẫn nói Huy Đức thuộc “phe” của ông Nguyễn Phú Trọng. Vậy thì việc bắt giữ Huy Đức có thể là chuyện bất ngờ với người cầm quyền chính của Đảng CSVN, nhưng giờ thì mỗi lúc đang vào thế bù nhìn, với bao nhiêu sức mạnh đang đổ về Lâm, người được nói là cũng nắm những hồ sơ sai phạm của Trọng.
Theo lý thuyết “phe phái” nói trên, nếu Trọng không cứu được Huy Đức chuyến này, có nghĩa ông ta đã bị tiếm quyền, hoàn toàn bất lực và có thể “tự nguyện” ra về vào cuối năm nay, chứ không đợi đến hết nhiệm kỳ vào năm 2026.
Nếu nhìn theo thói quen triệt hạ nhau của nội bộ cộng sản, đánh dằn mặt và mở màn, thường vào các cột trụ truyền thông tố cáo. Chặng hạn, vụ PMU18, hai phóng viên Nguyễn Việt Chiến (Báo Thanh Niên) và Nguyễn Văn Hải (Báo Tuổi Trẻ) bị tù vì bị cho là dùng tài liệu mật để tố cáo tham nhũng. Nhà báo Phạm Chí Dũng cũng bị Nguyễn Tấn Dũng ra lệnh bỏ tù 2012, nhưng lúc đó có sự giằng co trong nội bộ nên sau sáu tháng tạm giữ, công an đã thông báo đình chỉ điều tra. Mỗi lần như vậy, đều có những chuyển động lớn ở hàng ngũ cấp cao.
Nay thì Tô Lâm triệt cây bút ủng hộ chống tham nhũng và được coi là đứng về phía Nguyễn Phú Trọng, nếu trong thời gian tới, Huy Đức không được đình chỉ điều tra, phải ra tòa nhận án, điều đó có nghĩa sự rạn nứt trong hệ thống lãnh đạo Ba Đình đã vào đoạn cuối, chắc chắn phải có một trận quyết liệt cuối cùng, nhưng chưa biết ai sẽ là người ngồi vua Đảng CSVN sắp tới./.