Tính vào lần họp bất thường mới nhất của Ủy ban trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN), đã có 16 lần nhóm lãnh đạo cao nhất của Hà Nội đã phải khẩn cấp triệu tập, vừa để sa thải và vừa tìm người thay thế các vị trí chủ chốt. Tại phiên họp tuần trước, đơn từ chức của Trương Thị Mai đã được chấp thuận, hé lộ thêm những tình tiết khủng hoảng nội bộ chưa từng có.
Ông Tô Lâm đã được giới thiệu với Ban Chấp hành Trung ương, với 200 thành viên, để đảm nhận vị trí “Chủ tịch nước” của Việt Nam. Tuy có thể thấy, đây là một chức danh chủ yếu mang tính nghi thức, nhưng cho đến lúc này, được coi là bệ phóng tốt của Tô Lâm, hướng vào chiếc ghế Tổng Bí thư tiếp theo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Lúc này, Tô Lâm đang chờ một diễn biến tự nhiên khác: Nguyễn Phú Trọng, người đã làm Tổng Bí thư từ năm 2011, đã từng là ông chủ không thể tranh cãi của Đảng từ năm 2016, và đã nằm trong phòng hồi sức tích cực tại Bệnh viện Quân y 108, nay ngày càng ít xuất hiện trước công chúng đang càng lúc càng có nguy cơ không thể ngồi dậy được. Lúc đó, cánh màn nhung sân khấu của chức Tổng bí thư sẽ mở ra.
Lò của ông Trọng sẽ còn cháy tới đâu?
Ông Trọng đang ngồi trên lò lửa đốt tham nhũng do ông tạo ra, nhưng sức nóng của nó đã kề bên ông ta. Trọng muốn thanh lọc đảng khỏi những đảng viên đã nhận hối lộ và những đảng viên không còn là người trung thành thực sự. Ông đã chọn làm điều đó bằng cách sử dụng các thể chế của đảng, không phải của chính phủ. Nhưng khi nhìn lại, sự trơ trọi chung quanh Trọng lúc này, đang điềm chỉ một suy nghĩ thầm kín đầy nguy hiểm của thành viên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Còn ông, và Tô Lâm thì sao?
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang, tổng kết Tháng Một năm 2023 cho thấy gần 200.000 đảng viên (khoảng 1/25) đã bị kỷ luật trong giai đoạn 2013-2022. Các cuộc khảo sát tìm ra một điểm chết người là “chiến dịch chống tham nhũng đã phá vỡ một phần mối quan hệ chính trị-kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản”. Đồng thời, có “sự chậm trễ trong quá trình hành chính”, vì các công chức lo ngại rằng họ có thể bị điều tra, nên họ đã do dự trong việc chịu trách nhiệm các dự án hoặc cấp giấy phép.
Bên cạnh đó, “Bộ Công an… thường được coi là cơ quan thực thi chiến dịch chống tham nhũng, đã được trao quyền rất lớn” và “các quan chức cấp tỉnh, nhận thức rất rõ rằng việc thăng tiến của họ phụ thuộc vào thành công trong các vụ án chống tham nhũng tại địa phương, và bỏ bê các nhiệm vụ khác như phát triển kinh tế”.
Vào Đảng CSVN, để nhận quyền lợi, và tự tìm ra nguồn làm giàu cho mình, nên khi chiến dịch chống tham nhũng, bắt đầu từ hướng tiêu diệt băng nhóm, phe phái trong Đảng, nhiều quan chức nhận ra rằng nếu sống không tham nhũng, tiền lương của họ quá thấp so với mức lương trong khu vực tư nhân của Việt Nam, vì vậy, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang, không có gì ngạc nhiên khi “có một cuộc di cư ồ ạt khỏi bộ máy quan liêu kể từ năm 2020”.
Chọn “an ninh”, hơn là phát triển kinh tế!
Hà Nội cũng bộc lộ sự rối rắm trong các chính sách của mình, trong việc vừa thanh trừng nội bộ, vừa bắt bớ những dấu hiệu về một xã hội đang có tiếng nói khác biệt. Việc bắt giữ hàng loạt các nhà vận động môi trường sạch là một ví dụ cụ thể. Khi các đảng viên trung thành chỉ hành động theo lệnh bị loại dần vì tham những, thì Hà Nội chột dạ và hốt hoảng khi nhìn thấy những tiến trình mới trong xã hội đang diễn ra. Từ đó, Bộ Công An được lệnh rà soát, không cho bất kỳ người Việt Nam nào không phải đảng viên tham gia cuộc đối thoại với các chính phủ nước ngoài, đặc biệt là với nhóm Hoa Kỳ và EC đã hứa cho vay và tín dụng trị giá 15,6 tỷ đô la Mỹ và chuyên môn.
Gần đây, các nhà đầu tư lớn, lẫn các đối tác Việt Nam đang âm thầm gióng lên hồi chuông cảnh báo khi họ tìm thấy tình hình “chọn an ninh hơn kinh tế”, do đối mặt với một rào cản giấy tờ hành chính dày đặc như những năm 1980.
Một nhà quan sát khác có nhiều kinh nghiệm ở Việt Nam phát hiện ra “một không gian đóng lại cho xã hội dân sự”. Mùa hè năm ngoái, Hà Nội tuyên bố quyết định nâng cấp mối quan hệ với Hoa Kỳ, Úc, Hàn Quốc và một số đối tác thương mại khác. Tuy nhiên, càng hô hào bắt tay và hữu nghị, người ta nhìn thấy tình trạng khủng bố xã hội diễn ra khắp nơi, do nỗi sợ hãi về sự sống còn của chế độ độc tài.
Hà Nội sẽ phải chấm dứt tình trạng đàn áp mọi nơi, nếu không điều đó sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài mệt mỏi thất vọng. Các công ty làm ăn chọn Việt Nam, vì nghĩ rằng sẽ không hà khắc và vô lối như Trung Quốc hay Miến Điện, và nếu tình hình này không kiểm soát được, Việt Nam có thể mất đi những con số tăng trưởng kinh tế quan trọng hàng năm.
Chuyện gì xảy ra khi Trọng không thể ngồi thêm chiếc ghế Tổng Bí Thư để giữ cho con thuyền của CSVN không chìm vội, và nếu Tô Lâm giành được thêm vị trí này, ai biết được Lâm sẽ là một Kim Jong-un của Việt Nam, hay sẽ là một người thay đổi quan trọng, với sự giơ tay biểu quyết trong riu ríu của gần 500 đại biểu Quốc Hội và 200 thành viên của Ban Chấp Hành Trung Ương Cộng Sản?