Diễm Thi (RFA)
Những chuyên gia kinh tế và luật sư chuyên theo dõi tình hình Việt Nam nhận định vụ án Vạn Thịnh Phát với hơn 12 tỷ đô la bị biển thủ theo kết luận điều tra mới được công bố hồi tuần trước của Bộ Công an chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm là hệ thống ngân hàng có nhiều yếu kém ở Việt Nam.
Vào ngày 17 tháng 11 năm 2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an công bố kết luận điều tra, đề nghị truy tố 86 bị can trong vụ án liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và một số đơn vị. Trong đó, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị đề nghị truy tố ba tội danh: Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản.
Ngoài bà Lan, còn có hàng chục người khác thuộc Ngân hàng SCB và các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát bị đề nghị truy tố về tội tham ô tài sản và vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; hai người thuộc SCB và một cựu quyền Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước bị đề nghị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Đây được cho là một trong những vụ án tham nhũng lớn nhất nước và thuộc diện do Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương theo dõi và chỉ đạo.
Bình luận về vụ án, Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành từ Việt Nam nói với RFA:
“Không riêng gì chuyện của ngân hàng SCB, hiện nay ở Việt Nam, cái bong bóng có thể nổ tung ra là trong lĩnh vục bất động sản. Ngân hàng cho vay rất là nhiều. Những tập đoàn lớn có khi tài sản chỉ có một nhưng nợ lên đến bảy, tám lần giá trị tài sản. Không đất nước nào cho vay như thế cả. Do đó, việc quản lý của nhà nước rõ ràng có vấn đề. Và khi việc này nổ tung ra thì chuyện 12 tỷ đô la của ngân hàng SCB chỉ là lớp trên của tảng băng chìm thôi.”
Bà Lan bị cáo buộc đã tham ô hơn 304 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 12 tỷ đô la) bằng việc sử dụng hàng loạt các công ty ma và ngân hàng trực thuộc. Theo kết luận điều tra của công an, hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát đã lập hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước. Trong đó có các doanh nghiệp chuyên về ngân hàng, đầu tư chứng khoán, có doanh nghiệp chuyên về bất động sản. Điều tra của công an cáo buộc lượng lớn các công ty “ma” được lập chỉ để rút tiền từ ngân hàng SCB để bà Lan sử dụng.
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ nhận định vụ việc với RFA hôm 20 tháng 11 năm 2023:
“Trong vụ việc này, ngân hàng SCB và các công ty con của Vạn Thịnh Phát có sự liên hệ với nhau thông qua các hình thức sở hữu chéo. Thông qua hệ thống ngân hàng của SCB, nguồn vốn của SCB và trái phiếu của các công ty con của Vạn Thịnh Phát được huy động để dùng cho các dự án của tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Điều này dẫn đến rủi ro cực lớn cho những người gửi tiền và người đầu tư.”
Ngay sau khi thông tin bà Trương Mỹ Lan và một loạt các lãnh đạo của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị khởi tố và bắt giam vào tháng 10 năm 2022, nhiều người dân gửi tiền tiết kiệm và mua các sản phẩm từ Ngân hàng SCB của Vạn Thịnh Phát đã xuống đường biểu tình, tập trung về các trụ sở của SCB ở nhiều tỉnh thành để đòi tiền. Các vụ tập trung biểu tình của những người mất tiền ở Vạn Thịnh Phát vẫn tiếp tục cho đến hiện nay. Thậm chí còn có cả một diễn đàn tập trung những nạn nhân mất tiền ở SCB trên mạng Facebook và Zalo.
Hệ thống ngân hàng yếu kém
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở Hà Nội.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, vụ việc Vạn Thịnh Phát cũng cho thấy sự yếu kém trong hệ thống ngân hàng ở Việt Nam.
“Việt Nam có ba mươi mấy ngân hàng nhưng không đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên một cách bài bản. Hoạt dộng phần lớn là cho vay có thế chấp kiểu như một tiệm cầm đồ. Nhân viên ngân hàng không làm cái việc nghiên cứu thật sự xem dự án được vay có khả thi hay không, có khả năng hoàn trả vốn hay không.
Họ cứ nhìn vào tài sản thế chấp trên hồ sơ mà cho vay. Việc này tràn lan trên khắp các hệ thống ngân hàng Việt Nam. Vì vậy cho nên, không phải chỉ 12 tỷ đô la của ngân hàng SCB mà nó có thể lên đến mấy chục tỷ đô la nữa mà chưa phát hiện ra.”
Báo Thanh Tra, cơ quan của Thanh tra chính phủ và Ngành Thanh tra, hôm 9 tháng 11 vừa qua có bài viết “Nợ xấu tăng vọt, ngân hàng cần ứng phó ra sao?” dẫn số liệu của Bộ tài chính cho thấy, tổng nợ xấu của 28 ngân hàng công bố báo cáo tài chính tăng 52% trong quý III, trong đó, tỷ lệ nợ xấu của một số ngân hàng gia tăng gấp 2-3 lần. Trước đó, vào ngày 30 tháng 6, tổng nợ xấu của 28 ngân hàng này chỉ tăng tăng 33%.
Nhưng điều đáng nói, theo Chuyên gia Bùi Kiến Thành, là việc Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước lại không thể quản lý được hiệu quả vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Ông nói:
“Việc này không phải hoàn toàn Nhà nước không biết vì chuyện nợ xấu, nợ khó đòi dã xuất hiện rất nhiều nhưng Chính phủ lại chuyển nó qua Công ty quản lý nợ của nhà nước (VAMC), mà có quản lý được gì đâu. Tóm lại, Ngân hàng Nhà nước thật sự không làm hết vai trò kiểm tra, thanh tra các ngân hàng.”
Tham nhũng và sân sau trong hệ thống ngân hàng
Vụ việc Vạn Thịnh Phát với số tiền biển thủ hơn 12 tỷ đô la được nhiều người tính tương đương tới 6% GDP của Việt Nam năm 2022 đã gây chú ý trong dư luận cuối tuần qua. Điều làm nhiều người chú ý là số tiền quá lớn và diễn ra trong một thời gian dài. Điều này đặt câu hỏi cho việc giám sát và quản lý của Nhà nước.
Ông Đặng Đình Mạnh, từng hành nghề luật sư ở Việt Nam hơn 20 năm, hiện đang ở Hoa Kỳ, bày tỏ quan điểm của ông với RFA về vụ vạn Thịnh Phát:
“Từ kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát Điều tra cho thấy mức độ phạm tội kinh hoàng của Công ty Vạn Thịnh Phát. Nhưng điều làm tôi chú ý nhất là từ khía cạnh pháp lý của vụ án. Theo đó, hàng loạt rào cản pháp lý bảo đảm sự kiểm soát lành mạnh cho doanh nghiệp hoạt động đều đã bị Vạn Thịnh Phát vô hiệu hóa một cách hiệu quả với sự tiếp tay của không ít quan chức chính quyền.”
Cũng theo bản kết luận được Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an công bố ngày 17 tháng 11 năm 2023, Đoàn thanh tra ngân hàng SCB gồm 18 thành viên do bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng thuộc Ngân hàng Nhà nước làm trưởng đoàn, tất cả các thành viên trong đoàn đều đã nhận tiền để thay đổi kết quả thanh tra, che giấu sai phạm của ngân hàng này. Riêng bà Đỗ Thị Nhàn với tư cách là Trưởng đoàn thanh tra đã nhận hối lộ 5,2 triệu USD.
Ông Đặng Đình Mạnh nói tiếp:
“Các thanh tra viên nhận hối lộ trong vụ Vạn Thịnh Phát thì có lẽ họ đều đã “nhúng chàm” trong các vụ việc thanh tra trước đó ở các doanh nghiệp khác, nhưng chẳng có cơ chế nào ngăn cản, phát hiện cho đến khi xảy ra vụ Vạn Thịnh Phát.”
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đặt nghi ngờ vào số tiền 12 tỷ đô la được công bố. Ông cũng bày tỏ lo ngại về công tác thanh tra và giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Theo ông:
“Để ngân hàng hoạt động một cách không trung thực, không đúng theo quy định của pháp luật nên ngày càng tai hại. Cách quản lý đó không đúng theo quy tắc của luật về các tổ chức tín dụng lợi dụng chủ sở hữu ngân hàng để vay tiền một cách vô tội vạ.”
Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, tham nhũng đang là vấn đề lớn trong công tác giám sát, thanh tra hệ thống ngân hàng ở Việt Nam. Ông nói:
“Các quan chức của Nhà nước đã ăn hối lộ để che đậy. Không chỉ ngân hàng SCB đâu. Nhiều ngân hàng trong tình trạng như thế nhưng chưa phát hiện ra thôi.”
Từ năm 2017, khi thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, để tránh phá sản, Ngân hàng Nhà nước đã lần lượt mua lại bắt buộc bốn ngân hàng thương mại với giá 0 đồng. Bốn ngân hàng này gồm: Ngân hàng Đông Á (DongABank), Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank).