Chuyện này không phải mới mẻ gì nữa, nhưng đến nước này, thì không thể hành xử như kiểu trâu bò ngồi im nhìn cọp beo ca hát được nữa rồi. Số tiền vài trăm ngàn tỉ đồng để chấn hưng văn hóa theo đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất là một số tiền quá lớn và quá nguy cơ. Nếu không muốn nói đây là số tiền mua thêm vi trùng vào cơ thể văn hóa Việt Nam vốn đã rệu rã.
Trước nhất, muốn chấn hưng văn hóa thì cần phải hỏi là chấn hưng văn hóa gì, văn hóa nào? Bởi văn hóa có vật thể, phi vật thể, văn hóa dân gian, văn hóa hàn lâm, văn hóa hành chính, văn hóa nhân dân, văn hóa quốc gia, dân tộc, văn hóa từng tộc người gồm cả người Việt (Kinh). Vậy thì chấn hưng là chấn hưng cái gì? Bắt đầu từ đâu? Và Tiền có mua được văn hóa không? Sâu xa hơn, văn hóa có phải là sự áp đặt hay không?
Trước nhất, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có đủ nội lực để làm việc này, tức chấn hưng văn hóa hay không? Xin thưa, đây là Bộ có những chương trình làm việc ầu ơ và kém văn hóa nhất, từ cách hành xử của cán bộ văn hoá địa phương, văn hóa tỉnh cho đến văn hóa trung ương, rất khó để tìm ra một người có đủ tầm để nói về văn hóa. Hãy nhìn cách họ định nghĩa về văn hóa thì cũng đủ biết tầm của họ ở đâu? Và giả sử có đủ tầm thì cách làm này có mang lại hiệu quả không?
Bài học kinh nghiệm cho thấy đã có hàng ngàn tỉ đồng, thậm chí trong nhiều năm nay, đã có hàng trăm ngàn tỉ đồng đổ vào việc quản lý, xác lập, mở tiêu chí văn hóa, từ làng văn hóa, thôn văn hóa, làng nghề, làng văn hóa các dân tộc thiểu số, điểm văn hóa, di chỉ văn hóa, di tích văn hóa – lịch sử… Cứ nơi nào chuẩn bị có công nhận của Bộ Văn hóa thì nơi ấy sôi sùng sục từ chuyện tiền bạc cho đến trùng tu, phục chế. Mà càng trùng tu, phục chế bao nhiêu thì càng trở nên hỏng hóc, sến súa, chuệch choạc bấy nhiêu. Bởi cách làm qua loa chiếu lệ, làm thiếu chuyên môn, chưa làm đã nghĩ đến chấm mút, xơ múi, tham nhũng, bòn rút, quan lớn ăn miếng nạc, quan nhỏ gặm cục gân, người lao động cũng tranh thủ lúc các quan bận ăn miếng ngon, véo một tí mỡ còn dính lại, cuối cùng, công trình văn hóa còn lại đúng cục xương ruồi bâu kiến đậu, chẳng giống thứ gì cả.
Và rồi thêm nạn cứ dân nơi nào có cái bảng Văn Hóa gắn lên thì liền sau đó mọi thứ trở nên lộn xộn, thực dụng, dòm ngó nhau, tranh hơn tranh thua, vấy máu ăn phần… Cứ nơi nào được công nhận văn hóa thì nơi ấy bỗng dưng trở nên nhặng xị, tệ hại và bệ rạc, hết thuốc chữa. Và khi mọi thứ trở nên bệ rạc cũng là lúc cơ quan văn hóa lên đề án này, dự án nọ để tiếp tục trùng tu, phục chế, phục hồi… kính thưa các loại đề án nuốt tiền hàng trăm, hàng ngàn tỉ nhưng kết quả chẳng khác nào cái bãi rác lịch sử.
Thế nhưng càng nát, người ta càng tiếp tục ăn trên sự đổ nát đó, một thực tế bày ra trước mắt. Và đến thời điểm này, nếu hỏi cơ quan nào vô văn hóa nhất thì người ta không ngại ngần nói thẳng: Đó là cơ quan Văn Hóa. Nếu có ai hỏi tờ báo nào là vô văn hóa nhất, người ta cũng không ngại ngần nói thẳng, đó là tờ báo Văn Hóa. Sao lại có chuyện tệ mạt như vậy? Vì có một thực tế, hầu hết cán bộ văn hóa đều không có chuyên môn, họ cũng lớn lên từ phong trào, từ các chuyên đề tuyên truyền. Cán bộ văn hóa cấp xã, hầu hết là cái ghế mạt rệp nhất trong cơ quan nên đương nhiên kẻ nào yếu thế nhất được đẩy vào cái ghế này, và mặt bằng chung của cán bộ xã là chuyên tu, tại chức, gần đây có chính qui, nhưng cán bộ văn hóa cấp xã vẫn là người có năng lực yếu kém nhất trong cơ quan.
Lên cơ quan cấp huyện, thành phố cũng vậy, cái miếng mồi văn hóa gần đây có kha khá do phát triển du lịch, nên có ăn hơn chút đỉnh, nhưng nhìn lại, cán bộ văn hóa, nếu xét về chiều ngang, vẫn là loại yếu kém nhất, hay nói khác đi là một loại chạy việc tuyên truyền. Lên cấp trung ương, những ông kễnh trung ương yếu thế bị đẩy vào Bộ Văn hóa, cao lắm có Bộ trưởng với mấy thứ trưởng còn có ăn một chút chứ hạng chuyên viên thì may ra đi hù thiên hạ mới có tí cháo, lấy đâu ra tiền nhiều, miếng thơm như các bộ, ngành khác được.
Chính vì không có ăn so với các bộ ngành khác nên cán bộ yếu thế, yếu năng lực thường bị đẩy vào Bộ Văn hóa, trình độ chuyên sâu rất kém, nhưng giỏi lý luận, chính vì giỏi lý luận nên cứ mang cái lý luận ra đổi ngang với văn hóa và xem lý luận chính trị là văn hóa, cái gì nằm trong vòng cương tỏa của lý luận chính trị Mác – Lê nin ấy chính là văn hóa. Chính nếp nghĩ này sinh là thứ “văn hóa” áp đặt, một thứ văn hóa vô văn hóa có tính đặc trưng của lịch sử.
Trong khi đó, văn hóa không bao giờ là sự áp đặt và văn hóa là bề dày có tính truyền thừa, kế thừa, từ đời này qua đời khác và văn hóa vừa mang địa phương tính vừa mang sắc tộc tính cũng như dân tộc tính. Không có công thức chung nào cho văn hóa cả, chính vì không có công thức nên không thể dùng bất kì hệ qui chiếu nào để áp lên văn hóa của một quốc gia có quá nhiều vùng miền khác nhau bởi những đặc thù sắc tộc của một dân tộc gồm rất nhiều sắc tộc như Việt Nam.
Vậy thì liệu tiền có thể chấn hưng văn hóa được không? Chấn hưng kiểu gì? Xin lỗi, văn hóa là hành xử của dân tộc, là bề dày tri thức, nhân văn, giá trị tự do, giá trị sáng tạo, giá trị nhân văn, giá trị hướng thượng của một dân tộc. Và văn hóa không bao giờ là một tiêu điểm hay một đối tượng bất di bất dịch mà là một sự tiếp nối, phát triển và biến thể liên tục theo thời gian.
Văn hóa của người Việt, ví dụ như văn hóa ẩm thực, người Việt ăn cơm với thức ăn chủ đạo là thịt, cá. Nhưng cơm của một trăm năm trước khác với cơm bây giờ từ nội dung đến hình thức, thịt kho, thịt nướng, thịt biến tấu của trăm năm trước không bao giờ giống với thịt kho, thịt nướng, thịt biến tấu của hôm nay từ nội dung tới hình thức, cá cũng vậy, rau củ quả cũng vậy. Bây giờ xác định mốc văn hóa chỗ nào để chấn hưng, phục hồi về vị trí nguyên trạng đây?
Văn hóa của người Việt, văn hóa ứng xử của trăm năm trước, hoặc gần thôi, nửa thế kỉ trước, với văn hóa bây giờ, hoàn toàn khác nhau, mà nếu nói chính xác thì nửa thế kỉ trước, miền Nam Việt Nam đã có một nền văn hóa tươi sáng, ổn định và chuẩn mực trong lúc miền Bắc Việt Nam vẫn còn rị mọ xây dựng xã hội chủ nghĩa với những cuộc đấu tố gắt máu, chết chóc, những hành xử rừng rú… Vậy thì chấn hưng theo hướng nào cho phải lẽ, cho ra dáng văn hóa?!
Mà quan trọng nhất là văn hoá có thể chấn hưng bằng tiền không? Tiền mua được thứ gì để bổ khuyết cho văn hóa? Bởi văn hóa đi ra từ căn để của dân tộc, từ tình nhân văn, từ tri đức, từ lòng tự tôn, lòng tự trọng, từ chuẩn mực ứng xử, từ nhận thức cá nhân và tập thể, vậy tiền mua được cái gì để nhét vào những lỗ hổng tri đức, nhân văn, chuẩn mực, lòng tự trọng… khi mà hầu hết cán bộ nhà nước là những kẻ không có uy tín, nói một đường làm một nẻo, bẻm mép và tham lam, bất chấp, thiếu vắng lòng tự trọng.
Đó, cán bộ nhà nước, dù sao cũng là gương mặt đại diện văn hóa, nhưng nghiệt nỗi, họ chỉ khá hơn nhân dân bộ vó, vẻ bề ngoài, còn nội dung thì thối nát, nhân dân ngửi không vào. Và cũng chính từ chỗ gương mặt văn hóa, chuẩn mực, người đi tiên phong, người lãnh đạo chả ra gì này đã kéo theo ứng xử của nhân dân cũng tập tọ léo hánh, rồi quen dần với thủ đoạn, cái xấu, bất chấp, máu lạnh… Đến thời điểm này, mọi sự nhìn bề ngoài vẫn cứ diễn ra bình thường nhưng bên trong đã hoàn toàn rệu rã, tính nhân văn biến mất, lòng tự trọng bốc hơi, tính liêm sỉ vắng bóng, tự do không có mặt, sáng tạo bị kìm kẹp, tính khai phóng bị nhốt tù… Tính tham lam, bần tiện, đểu cáng và dối trá lên ngôi. Vậy thì chấn hưng văn hóa từ chỗ nào?
Tiền có thể mua được lòng tự trọng, tính liêm sỉ, lòng trắc ẩn, tri đức, tự do… của một dân tộc chăng?! Hay là tiền một lần nữa thỏa mãn lòng tham, sự dối trá, sự kèn cựa, làm việc hình thức, qua loa chiếu lệ, là cái cớ để thi nhau ngoạm vào cục xương ngân sách quốc gia lần nữa! Tiền chỉ có thể biến cán bộ văn hóa thành những đối tượng dũng mãnh tranh nhau cục xương có nhiều nạc mang tên Chấn Hưng Văn Hoá nhưng không bao giờ mang lại văn hóa cho bất cứ ai, thậm chí còn sinh ra một thứ thói quen thủ đoạn mới, bỉ ổi và xảo trá hơn.
Vậy không rõ số tiền 350.000 tỷ đồng mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất để chấn hưng văn hóa là chấn hưng cái gì? Hay chỉ là cái cớ để các nhóm quan tham mượn màu tuyên truyền mà kiếm ăn thêm lần nữa?!