Mai Luân
Vụ án bà Lê Thị Dung là hệ lụy của một chế độ có quá nhiều loại vua: Vua cấp huyện, cấp tỉnh, vua ở trung ương. Bất cứ người dân thiện lành nào xớ rớ đụng vào con cháu các vị vua ấy thì sẽ tù mọt gông! Phải chăng đấy chính là thông điệp ĐCSVN muốn đưa ra cho dân chúng?
_________________
Vụ án có quá nhiều uẩn khúc
Bản án của bà Lê Thị Dung đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận về quá trình điều tra, truy tố, xét xử (1). Ngày 7/5/2023, Đại diện Ban Dân nguyện Quốc hội đã lên tiếng về bản án năm năm tù đối với bà Lê Thị Dung, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục Thường xuyên huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện Quốc hội đã chia sẻ về vụ án: “Liên quan tới vụ án này cử tri và dư luận rất bức xúc về bản án của TAND huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Họ cho rằng chưa cần bàn đến câu chuyện bà Dung có chiếm đoạt hay không đối với số tiền chi được cho là chi sai gần 45 triệu, nhưng việc bắt giam bà Dung như vậy sẽ ảnh hưởng đến đời sống của cả một gia đình và ảnh hưởng đến cả hình ảnh của một Trung tâm Giáo dục. Dư luận lấy các con số ra để so sánh và nói về câu chuyện tổ chức một phiên tòa thì rõ ràng có những vấn đề nổi cộm” (2).
Việc kỷ luật, rồi khởi tố và bắt giam bà Dung đã thấy vô lý ngay từ đầu. Nghe bản án, cứ tưởng bà này làm thiệt hại đến 45 triệu USD, ai dè là do chi sai 45 triệu VND. Giam giữ một năm rồi mới đưa ra xét xử cũng lại sai luật nốt. Vì theo luật định, thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy, việc giam bà Dung cả một năm trời rồi mới đưa ra xét xử thì rõ ràng đã vi phạm về thời hạn tạm giam. Ở đây, vì vấn đề chi tiêu nội bộ mà phải bắt giam một năm, điều này có cần thiết đến mức như điều tra về một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hay không? Hơn nữa, việc bị cho là chi sai số tiền gần 45 triệu trong vòng năm năm, việc này không quá trầm trọng như ma túy, giết người, cướp của hay tham nhũng.
Thật sự không thể hiểu nổi, cáo trạng tuyên bà Lê Thị Dung lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, vì một khoản tiền cứ cho là chi sai gần 45 triệu trong vòng năm năm (đầu tiên tố là 48 triệu sau đó rút xuống còn gần 45 triệu), trong đó có năm chỉ chi có hơn 300 nghìn đồng? Việc tòa cấp huyện tuyên phạt bà Dung năm năm tù vì “chi sai” gần 45 triệu cho thấy, đấy là một bản án không nhân văn, nếu đem so với các bản án khác như những vụ làm thất thoát hàng nghìn tỷ, thì rõ ràng tính chất và mức độ của vụ này không tương xứng với phán quyết của tòa. Ban Dân nguyện mới đây đã nhận được đơn thư kêu cứu của chồng cô Dung và cả người chú của cô Dung. Hy vọng Ban Dân nguyện sẽ có ý kiến với các cơ quan tố tụng tỉnh Nghệ An và đề nghị các cơ quan tố tụng tỉnh cần phải xem xét lại những vấn đề mà dư luận, báo chí phản ánh trong thời gian qua và cả trong những ngày gần đây để đảm bảo có một bản án thấu tình đạt lý và nhân văn. Đặc biệt là người dân đang chờ phán quyết của bản án phúc thẩm. (3)
Cơ quan chủ quản cao nhất đối với bà Lê Thị Dung là Bộ GD – ĐT mà người đại diện là Cục trưởng Cục Nhà giáo & Cán bộ Quản lý Giáo dục, ông Vũ Minh Đức cũng đã lên tiếng bày tỏ nguyện vọng đối với các cơ quan pháp luật tỉnh Nghệ An xem xét lại vụ án một cách toàn diện, bảo đảm xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai (4). Tuy nhiên, cho đến ngày 3/5/2023, đại diện Sở GD – ĐT tạo tỉnh Nghệ An nói với truyền thông trong nước rằng, cơ quan này chưa nhận được ý kiến, văn bản nào từ Bộ GD – ĐT liên quan vụ án cô giáo Lê Thị Dung như vừa nêu. Ấy vậy mà ngay sau khi bản án được tuyên, đã có hàng trăm bài viết và bình luận trên mạng xã hội cho rằng đây là bản án bất công, khuất tất. Cơ sở cho lập luận này là nếu so sánh với những trường hợp quan chức Nhà nước khác làm thất thoát hàng tỷ đồng, thậm chí hàng nghìn tỷ đổng, mà mức án không cao như đối với bà Lê Thị Dung.
Động cơ vụ án có phải vì công lý?
Ngay từ đầu, một số nhân sĩ trí thức đã lập tức lên tiếng trên Facebook cá nhân bày tỏ sự bất bình về mức án như thế. Phần lớn các các chất vấn đều đặt câu hỏi: Động cơ vụ án có phải vì công lý? Giáo sư Mạc Văn Trang viết: “Cần xem lại vụ án… 45 triệu đồng mà kết án bà Lê Thị Dung năm năm tù thì chắc 99% các Hiệu trưởng, Trưởng phòng, Viện trưởng các Viện… đều đi tù hết. Vụ án có gì đó ẩn khuất!” Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu thì nhận định: “Đây là một vụ án oan do có sự không hoàn chỉnh của luật pháp; sự không độc lập của tòa án; tác động của quyền lực và tiền bạc; chủ quan và mục đích cá nhân; trình độ thẩm phán và kiểm sát viên yếu”. Nhà giáo Đinh Kim Phúc đưa ra ví dụ, ngay tại trường Đại học mở bán công thành phố Hồ Chí Minh, một Bí thư đảng ủy, Chủ tịch hội đồng nhà trường đứng tên cá nhân 50 ngàn mét vuông đất của nhà trường trong 10 năm qua mà không ai xử lý, cũng chẳng ai kết luận gì. “Vậy tôi hỏi rằng, hệ thống pháp luật Việt Nam ở đâu? Chỉ đạo của Bộ giáo dục như thế nào trong trường hợp này?”, ông Phúc bộc bạch. Nhà giáo Thái Hạo viết: “Bản án bất công. Một cái lỗi chi sai (không phải tội tham nhũng) với số tiền nhỏ chưa tới 45 triệu mà phải ngồi tù năm năm, như thế là quá tàn bạo. So sánh với những vụ án trăm tỷ ngàn tỷ mà chỉ bị án treo hay tù vài năm suốt thời gian qua, sự bất bình lại càng tăng lên. Lỗi này của bà Dung (nếu đúng là đã chi sai) thì chỉ cần xuất toán, truy thu và kỷ luật về mặt đảng là xong, ấy thế mà tòa án huyện Hưng Nguyên lại hình sự hóa và đẩy một cô giáo vào tù.” (5)
Câu hỏi hiển nhiên là, cách áp dụng tội danh cho bà Lê Thị Dung có bị tác động bởi các nhân tố bên ngoài không? Cách đây hơn ba năm, Báo điện tử “Ngày mới” ngày 26/9/2019 đã đăng bài viết “Huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An: Tại sao lại ‘bới lông tìm vết’ để thi hành kỷ luật bà Lê Thị Dung”? Từ bài báo của Báo điện tử “Ngày mới” này có thể dự đoán, nếu bà Lê Thị Dung trước đây chịu tuân theo yêu cầu của UBND huyện Hưng Nguyên, ký hợp đồng không xác định thời hạn với cô Nguyễn Thị Phương Thuý, thì chắc rắc rối và tù đày đã không xảy ra đối với bà. Để thêm căn cứ cho dự đoán này là tin, cách đây vài hôm, bà Thẩm phán xử án đã thăm bà Lê Thị Dung trong trại giam và chia sẻ là bà “đã bị sức ép, trong quá trình xét xử nên bị giảm 2 kg, phải chuyền nước, mong bà Dung thông cảm”. Đến đây thì công luận bắt đầu tập trung vào manh mối của vụ án oan tày đình này. (6)
Tuần qua, mạng xã hội rộ lên tin vụ án xử bà Lê Thị Dung là một vụ trả thù. Như trong hàng loạt bài viết tổng hợp tin từ báo chí, vụ bà Dung đã có dấu hiệu bị trù dập thô bạo từ nhiều năm trước. Bắt nguồn từ việc ban đầu, do Sở GD – ĐT Nghệ An “tuyển dụng chui” cô Nguyễn Thị Phương Thuý, rồi đẩy cô này về cho Trung tâm, trong khi nơi này đã đủ giáo viên. Mặc! Cấp trên vẫn ép Giám đốc lúc đó (là bà Dung) phải nhận người. Bà Dung không chịu ký hợp đồng nhận người, thế là bà bị kỷ luật. Nhưng vì vụ kỷ luật ấy không có cơ sở, bà Dung tiếp tục khiếu nại lên trên, UBND tỉnh Nghệ An thừa nhận bà Dung đúng, kỷ luật bà là sai. Nhưng kỳ lạ thay, án kỷ luật vẫn không bị thu hồi. Hiệu trưởng Dung tiếp tục khiếu nại, thì sau đó bị bắt tạm giam để điều tra và bị kết án tù. Để hiểu rõ nguồn gốc của bản án tàn khốc, có thể tham khảo video của Truyền hình “Pháp luật Việt Nam” (từ nhà nước Việt Nam) cách đây hai năm (7).
Như vậy, vụ án bà Dung là một vụ trả thù câu chuyện cách đây cả chục năm có lẻ. Câu chuyện ấy liên quan đến một loại “vua không ngai” lúc đầu ở tỉnh còn nay thì đã lên tận trung ương (8). Tại sao vào thời hiện tại, với xã hội văn minh hiện đại hơn trước đây mà án oan xuất hiện mỗi ngày một nhiều? Công luận trong nước đòi hỏi chính quyền và tòa án phải làm quyết liệt vụ này để nghiêm trị những kẻ nắm trong tay pháp luật nhưng cố tình bẻ công luật pháp, trù dập bức hại những người dân lương thiện, chỉ vì những mưu đồ khuất tất. Vụ án bi thảm này chắc chắn chưa thể kết thúc! Hãy trích dẫn mấy vần thơ cô giáo Dung gửi cho con trai từ trại giam để thấy cái ác của thể chế vẫn không giết nổi lòng trắc ẩn và đức vị tha của nhà giáo Lê Thị Dung: “Con đừng buồn lỡ mẹ có ra đi/ Đừng than khóc, đừng khổ đau con nhé/ Đừng oán trách, đừng trả thù những kẻ/ Đẩy mẹ vào tù, làm gia đình tan nát, xót xa” (9).
_____________
Tham khảo:
- https://laodong.vn/phap-luat/vu-ba-le-thi-dung-bi-ket-an-5-nam-tu-ke-toan-biet-sai-van-lam-1188782.ldo
- https://laodong.vn/phap-luat/dai-dien-ban-dan-nguyen-quoc-hoi-len-tieng-vu-ba-le-thi-dung-bi-ket-an-5-nam-tu-1189162.ldo
- https://baotiengdan.com/2023/04/27/tai-sao-du-luan-day-song-voi-vu-an-co-giao-le-thi-dung/
- https://trithucvn.org/tin-tuc-vn/bo-gddt-len-tieng-vu-co-le-thi-dung-bi-tuyen-5-nam-tu.html
- https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/more-judgments-erode-trust-in-justice-in-vietnam-04272023121018.html
- https://boxitvn.online/?p=83823
- https://baotiengdan.com/2023/04/26/that-thoat-45-trieu-dong-5-nam-tu-giam-va-nhung-cau-chuyen-ngang-trai-trong-qua-khu/
- https://www.youtube.com/watch?v=Z7xIHXIrN0I
- https://baotiengdan.com/2023/04/28/ve-co-giao-le-thi-dung-voi-an-5-nam-tu-o-hung-nguyen-nghe-an/