RFA
Tổ chức Giám sát Nhân quyền- Human Rights Watch (HRW) vào ngày 20/4 ra thông cáo kêu gọi Chính phủ Australia cần sử dụng hoạt động đối thoại song phương với Chính phủ Việt Nam nhằm đạt được cam kết từ phía Hà Nội nghiêm túc bảo đảm quyền tự do ngôn luận và tù nhân chính trị.
Thông cáo cho biết cuộc đối thoại nhân quyền song phương Australia – Việt Nam lần thứ 18 sẽ diễn ra trong hai ngày 24 và 25/4 tới đây tại Hà Nội.
Trong thông cáo đưa ra ngày 20/4, Giám đốc HRW tại Australia – bà Daniela Gavshon, nêu rõ: “Chính phủ Australia phải chấm dứt tình trạng làm ngơ trước hồ sơ yếu kém của Việt Nam và sử dụng đối thoại nhân quyền để khởi động quá trình trao đổi nghiêm túc và có ý nghĩa về cải cách nhân quyền. Việc thiết yếu đối với Australia là gây sức ép về phóng thích tù nhân chính trị, trong đó có một công dân Australia, ông Châu Văn Khảm, và công bố với Hà Nội rằng, cho tới khi ông ta và những người khác được tự do, sẽ không thể có chuyện làm ăn như thường.”
Ngoài trường hợp tù chính trị Châu Văn Khảm, HWR cũng đề cập đến các trường hợp khác gồm Lê Văn Dũng (Dũng Vova), Lê Mạnh Hà, Đinh Văn Hải, Bùi Văn Thuận, Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, Trương Văn Dũng và Nguyễn Lân Thắng.
Theo HRW, trong năm 2022, Việt Nam còn đàn áp mạnh tay đối với những nhà hoạt động thuộc các tổ chức phi chính phủ (NGO). Cụ thể, nhà báo Mai Phan Lợi, nhà hoạt động về pháp luật Đặng Đình Bách, nhà hoạt động môi trường Ngụy Thị Khanh bị án tù theo cáo buộc trốn thuế. Nhà hoạt động Hoàng Ngọc Giao bị bắt vào tháng 12/2022 và Nguyễn Sơn Lộ vào tháng 2/2023.
Vào tháng ba vừa qua, HRW gửi một tờ trình tới Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, kêu gọi Chính phủ Hà Nội tập trung vào ba điểm ưu tiên ở Việt Nam gồm phóng thích tù nhân và can phạm chính trị; chấm dứt hạn chế quyền tự do đi lại; và chấm dứt đàn áp quyền tự do tôn giáo- tín ngưỡng..
Chính phủ Australia cũng cần kêu gọi Việt Nam sửa đổi hoặc hủy bỏ các điều 109, 116, 117, 118 và 331 của Bộ luật Hình sự, thường được chính quyền Việt Nam sử dụng để đàn áp các tiếng nói bất đồng chính kiến. Việt Nam cũng nên sửa đổi hoặc hủy bỏ các điều 14 (khoản 2) và điều 15 (khoản 4) của Hiến pháp có nội dung cho phép hạn chế nhân quyền với các lý do an ninh quốc gia, vượt quá giới hạn cho phép của công pháp quốc tế về nhân quyền.
Năm nay cũng là dịp hai phía kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Vì vậy, HRW cho rằng các nhà lãnh đạo Australia cần vận dụng cơ hội này để chuyển tải một thông điệp rõ ràng rằng tôn trọng nhân quyền là một phần hữu cơ trong mối quan hệ của Australia với Việt Nam./.