Cuối tháng 12 năm 2022, chính phủ Việt Nam và chính phủ Indonesia đã chính thức công bố kết thúc quá trình đàm phán cam go kéo dài 12 năm giữa hai quốc gia này trong việc phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), [1]vốn có sự chồng lấn theo các quy định của Công ước Luật biển 1982 của LHQ (UNCLOS).
Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia láng giềng, có những khu vực biển chồng lấn với nhau. Từ năm 1972, chính quyền Việt Nam Cộng hoà (Nam Việt Nam) đã tiến hành đàm phán với Indonesia về phân định thềm lục địa. Sau khi Việt Nam Cộng hoà sụp đổ năm 1975, đến năm 1978, CHXHCN Việt Nam và Indonesia tiếp tục nối lại việc đàm phán phân định thềm lục địa.
Ngày 11/6/2003, Hiệp định phân định thềm lục địa Việt Nam-Indonesia được ký kết và có hiệu lực từ tháng 6/2007 sau khi hai nước trao đổi nghị định thư đã được phê chuẩn.
Trong các vòng đàm phán cuối cùng của quá trình phân định thềm lục địa, Việt Nam cũng chủ động đề xuất sử dụng chung một đường phân định cho cả thềm lục địa và EEZ giữa hai nước.
Tuy nhiên phía Indonesia cho rằng vấn đề thềm lục địa và EEZ là hai vấn đề khác biệt nhau theo quy định của UNCLOS, do đó, không thể sử dụng một đường duy nhất để phân định cả hai khu vực này.
Một sự khác biệt quan trọng trong lập trường giữa hai bên về vấn đề này, đó là việc sử dụng đường cơ sở để đo lường khu vực phân định. Là một quốc gia quần đảo, Indonesia được phép sử dụng đường cơ sở quần đảo, trong khi Việt Nam chỉ được sử dụng đường cơ sở thông thường. Điều này sẽ đem lại nhiều lợi thế cho Indonesia khi đám phán phân định EEZ tách biệt khỏi thềm lục địa.
Ý nghĩa của thoả thuận
Việc hoàn tất quá trình phân định EEZ giữa Việt Nam và Indonesia đã tạo ra một chuyển biến quan trọng không chỉ đối với bản thân hai quốc gia này, mà còn tạo ra tác động rất lớn đối với khu vực Đông Nam Á, nơi vốn có những tranh chấp biển kéo dài, đặc biệt với tranh chấp Biển Đông.
Đối với Việt Nam và Indonesia, thời gian qua, báo chí Indonesia luôn đưa tin có nhiều tàu cá Việt Nam đã vi phạm vào vùng biển của Indonesia.[2] Thậm chí theo cơ quan chức năng của Indonesia thì “có tới 294 tàu Việt Nam xâm nhập trái phép vào khu vực biển thuộc quyền tài phán của Indonesia trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm 2014 đến tháng 5 năm 2019, tương đương khoảng 57% số tàu nước ngoài.”[3] Các tàu này đã bị chính quyền Indonesia đánh chìm trong chính sách bảo vệ vùng đánh cá của quốc gia này.
Những vụ bắt giữ tàu cá như vậy đã làm ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước. Nhiều vụ ngư dân Việt Nam khẳng định là họ đánh bắt tại EEZ của Việt Nam nhưng cảnh sát biển Indonesia thì lại khẳng định ngược lại.[4] Sự tranh cãi này cũng bắt đầu từ việc các vùng biển thuộc EEZ này chưa được phân định rõ ràng nên bên nào cũng khẳng định thuộc thẩm quyền của mình.
Với việc thoả thuận phân định EEZ được hoàn tất, điều đó cũng khiến cho việc tranh cãi về các hoạt động đánh cá này sẽ không còn, và quan hệ Việt Nam và Indonesia sẽ phát triển hơn, khi tranh cãi về vấn nạn tàu cá đánh bắt trái phép (IUU) giữa hai quốc gia này sẽ giảm bớt rất nhiều.
Cùng với thoả thuận phân định EEZ, hai bên cũng đã đồng thời ký kết một thoả thuận hợp tác khí đốt. Theo đó, Indonesia sẽ xuất khẩu khí đốt sang Việt Nam từ Lô Cá Ngừ (Tuna Block) kể từ năm 2026.[5] Lô Cá Ngừ cũng là khu vực mà Trung Quốc đã liên tục đe doạ Indonesia trong suốt thời gian vừa qua và thuộc EEZ của Indonesia.[6]
Kinh nghiệm từ thoả thuận này cũng cho thấy các quốc gia ở Đông Nam Á, vốn có rất nhiều tranh chấp trên biển, có thể giải quyết hòa bình việc phân định biển theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Thoả thuận này cũng mang lại sự lạc quan rằng, nếu quyết tâm, các nước Đông Nam Á có thể giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển dựa trên luật pháp quốc tế.
Học giả Trung Quốc phản ứng
Lẽ ra với việc Việt Nam và Indonesia hoàn tất thoả thuận phân định theo luật pháp quốc tế thì Trung Quốc – Một cường quốc luôn tự nhận là “quốc gia yêu chuộng hoà bình và tôn trọng luật pháp quốc tế”[7] phải ủng hộ mới phải.
Thế nhưng, khi thông tin về thoả thuận này được công bố, chuyên gia Shahriman Lockman, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (ISIS) của Malaysia đã dự báo là “Trung Quốc có khả năng sẽ lên tiếng phản đối thỏa thuận mới này của Indonesia và Việt Nam”.[8]
Và dự báo này đã trở thành hiện thực khi mới đây, Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc-Đông Nam Á về Biển Đông, trụ sở ở Hải Nam (Trung Quốc), đã bình luận trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng: “Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ chấp nhận thỏa thuận”. Ngô Sĩ Tồn nói thêm: “Các cuộc đàm phán phân định ranh giới trên vùng biển tranh chấp nên có sự hiện diện của tất cả các bên yêu sách và khu vực này liên quan đến vùng biển tranh chấp nơi Trung Quốc cũng tuyên bố quyền tài phán và quyền lịch sử, một phần vùng biển cũng là ngư trường truyền thống của ngư dân Trung Quốc… Tôi không cho rằng việc phân định ranh giới (giữa Indonesia và Việt Nam) có bất kỳ giá trị thực tế nào”.[9]
Nhưng vì sao Trung Quốc lại phản ứng như vậy khi thông tin về thoả thuận này được công bố?
Điều này cũng đã được Ngô Sĩ Tồn trả lời khi ông ta lưu ý rằng các EEZ chồng lấn của Việt Nam hay Indonesia đều nằm trong phạm vi của “Đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh đã sử dụng để đưa ra các yêu sách lãnh thổ trước đây chiếm tới 90% Biển Đông.
Trung Quốc đã đưa ra “cái gọi là yêu sách đường 9 đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò” trên Biển Đông. “Cái gọi là yêu sách” này khi xuất hiện lần đầu trong một bản đồ đính kèm công hàm của Trung Quốc năm 2009 đã bị hầu hết các nước Đông Nam Á có liên quan đến Biển Đông phản đối.
Năm 2016 Toà Trọng tài trong Vụ Philippines kiện Trung Quốc đã ra Phán quyết, trong đó nói rõ yêu sách “quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với các thực thể và vùng nước bên trong đường lưỡi bò này là vô giá trị.
Năm 2019, khi Malaysia gửi báo cáo về thềm lục địa mở rộng của họ lên Uỷ ban Ranh giới LHQ, Trung Quốc lại ra công hàm lặp lại luận điệu này. Việc này đã dẫn đến “cuộc chiến công hàm” và hàng loạt quốc gia đã cùng nhau lên tiếng phản đối những sự phi lý của “cái gọi là yêu sách” này.
Những tưởng rằng Trung Quốc gần đây đã có những chuyển biến khi thấy cả thế giới chống lại “đường lưỡi bò” này. Thế nhưng, qua việc học giả Trung Quốc Ngô Sĩ Tồn lên tiếng trước thoả thuận phân định biển giữa Việt Nam và Indonesia, thì chúng ta có thể thấy, bản chất và dã tâm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc chưa bao giờ phai nhạt.
Tuy nhiên, thỏa thuận về phân định EEZ gần đây giữa Indonesia và Việt Nam cho thấy lập trường vững chắc của cả hai nước khi cả hai quốc gia này không chấp nhận và lùi bước trước “cái gọi là yêu sách đường lưỡi bò” phi pháp này của Trung Quốc. Cả Việt Nam và Indonesia đều thể hiện quan điểm rõ ràng rằng họ ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông 2016, trong đó tuyên bố rằng yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào theo luật pháp quốc tế. Cả hai quốc gia cũng đã đưa các tuyên bố công khai bác bỏ rõ ràng yêu sách đó. Thông qua thoả thuận mới được ký kết giữa hai quốc gia này như một lời đáp trả mạnh mẽ với các yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Điều này rất quan trọng để cho thấy rằng thực tiễn khu vực kiên quyết phản đối yêu sách phi pháp của Trung Quốc.
______________
Tham khảo:
[1] https://vietnamnet.vn/viet-nam-indonesia-hoan-tat-phan-dinh-vung-dac-quyen-kinh-te-tren-bien-2093336.html
[2] https://www.eco-business.com/news/more-vietnam-boats-encroach-into-indonesian-waters-as-clampdowns-ease/
[3] https://kolom.tempo.co/read/1207615/akar-perseteruan-indonesia-vs-vietnam-di-laut-cina-selatan
[4] http://biendaohaiphong.gov.vn/Portal/PrintItem.aspx?ContentID=775
[5] https://www.reuters.com/business/energy/indonesia-aim-export-natural-gas-vietnam-2026-2022-12-23/
[6] https://www.rfa.org/english/news/china/china-patrols-indonesian-gas-field-01052023030518.html
[7] https://www.fmprc.gov.cn/eng/zxxx_662805/202209/t20220925_10771160.html
[8] https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-indonesia-wrap-up-talks-on-exclusive-economic-zones-12232022080504.html
[9] https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3207885/south-china-sea-how-beijing-might-respond-southeast-asia-bands-together-rival-claims