Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)
Cứ mỗi lần Tết đến Xuân về, khẩu hiệu “Mừng Đảng, mừng Xuân” lại tràn ngập khắp phố phường, làng quê, trong chương trình văn nghệ, trên báo chí. Riêng Tết năm nay, hình như người ta có ái ngại hơn hẳn xưa khi nhắc tới nó, giữa lúc lớp lớp cán bộ đảng viên từ cấp thấp đến cấp cao tột đỉnh bị kỷ luật, xộ khám.
Thành hay bại
Công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam đang có những diễn biến ghê gớm chưa từng thấy, nhưng lại có một câu hỏi rất quan trọng là nó đang thành công hay thất bại.
Bởi vì, với tham nhũng trước hết là phải “phòng”, chỉ khi không được thì mới phải “chống”, đúng như cái tên của bộ luật được ban hành (1), của những câu nói cửa miệng từ các cấp lãnh đạo. Kể cả gọi nó với mỹ từ là “giặc nội xâm”, thì cũng phải ngăn chặn để không cho nảy nòi ra thứ giặc dã này ngay trong lòng chế độ; khi không ngăn được mới tìm diệt nó. Chẳng khác gì bệnh tật, nếu phòng ngừa tốt thì đâu có đến nỗi đổ bệnh trọng rồi phải lo cứu chữa.
Có nghĩa, toàn bộ hệ thống pháp luật, hệ thống chính trị, cho tới công tác cán bộ của Đảng này phải đảm bảo làm sao hạn chế tối đa tham nhũng, không thể để cho nó tràn lan không kiểm soát nổi như mấy năm nay. Rồi như thể không tìm đâu ra cách trấn an dư luận, mới hai năm trước Đảng lại phải đưa ra thêm một mục tiêu nghe hay hớm đến … hoang đường, là phải “hoàn thiện thể chế để bảo đảm ‘không thể’, ‘không dám’, ‘không muốn’, ‘không cần’ tham nhũng” (2).
Lòng tham của con người là khó tránh khỏi, chỉ khi nó bị kiểm soát chặt chẽ thì mới khó có thể lấn át sự tỉnh táo, lòng tự trọng. Nhưng trong những năm qua, rõ ràng là đã thiếu nghiêm trọng thứ cơ chế hình thành nên một “thể chế để đảm bảo” có sự kiểm soát như vậy, nó không được “hoàn thiện” như những lời tuyên bố rầm rộ, nên đã dẫn tới không những lòng tham của lớp lớp cán bộ kia được thả rông như thú hoang, mà nó còn ngấu nghiến không biết bao nhiêu tài sản của dân, của đất nước.
Dân thường biết từ sớm mức độ tàn phá đó, nhưng phải im lặng, tới độ Đảng phải loay hoay tìm cách trừng trị thì nó đã gây bao tai họa khủng khiếp rồi. Điển hình là mấy vụ án lớn chưa từng thấy – Việt Á, “Chuyến bay giải cứu” và vụ AIC – đều quá lộ liễu, quá sâu rộng trên mọi bình diện trong cả nước, trong suốt hàng năm trời mà thật lạ lại không bị phát hiện và ngăn chặn sớm (gọi là “bóp chết từ trong trứng”), để đến khi chúng gây ra bao nhiêu tổn thất kinh hoàng thì mới “phá án”, mới được nửa chừng mà đã tai tiếng ra khắp thế giới.
Nhìn vào đó là đủ trả lời cho câu hỏi: thành công hay thất bại.
Xây tốt thì đâu phải đốt
Lại thêm một ý niệm nghe hay ho, “Nhốt quyền lực trong lồng thể chế” (3), nhưng suốt năm bảy năm nay từ khi được báo chí tung hô, không rõ nó được hiện thực hóa tới đâu mà để đến nông nỗi dường như ngược lại, chính thể chế lại đang bị nhốt vào trong cái lồng quyền lực. Cụ thể hơn, quyền lực của những người lãnh đạo Đảng, chính quyền đã không được kiểm soát, nên nó đã phá vỡ hệ thống pháp luật, nguyên tắc Đảng, dẫn đến tham nhũng tràn lan, phải làm công cuộc gọi là “đốt lò”. Rồi chính cuộc “đốt lò” đó lại như tạo cơ hội cho một thứ quyền lực vô đối đang lên ngôi ngự trị trên đầu thể chế.
Từ đó người ta có thể đặt ra một câu hỏi đơn giản, rằng thứ gọi là “thể chế” nghe mơ hồ đó nó ra làm sao, có cách gì để thành chiếc lồng nhốt được quyền lực? Cũng có thể nói theo cách khác, là xây cái lò thể chế làm sao để bớt phải nhóm lên cái lò như hiện nay, hòng thiêu đốt quan tham.
Mãi tới khi bao vụ án động trời bung bét ra cả, thì cách đây mấy tháng, hình như điều vô cùng sơ đẳng nhưng tối quan trọng mới lại được le lói trở lại, là phải có vai trò giám sát của nhân dân thì mới kiểm soát được quyền lực (4). Có nghĩa phải dựa vào dân để xây lò thể chế. Nhưng làm sao nâng cao vai trò của dân đây, khi mà cả một hệ thống khổng lồ – các “tổ chức quần chúng”, nào là Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, v.v.. rồi thì báo chí của Đảng ngót 800 cơ quan – mà chẳng thấy lên tiếng phát hiện cho Đảng những dấu hiệu phạm pháp từ các vụ án “khủng” nói trên. Còn từng người dân, nếu không dựa vào được các cơ quan tổ chức đó, mà chỉ lẻ loi lên tiếng thôi, thì rất sợ … không đi tù cũng bị thế lực ngầm “xử lý”.
Quan trọng không kém, nhưng hình như không được nhắc đến mấy, là vai trò của hơn năm triệu đảng viên, họ ở đâu mà không thấy phát hiện cho lãnh đạo Đảng những mầm mống tội phạm trong các vụ án lớn đó, trong suốt mấy năm qua? Cứ tháng tháng là các chi bộ cơ sở lại chụm đầu vào họp cơ mà; không lẽ phải quá xấu hổ với các bậc tiền bối vỏn vẹn có năm ngàn đảng viên mà lãnh đạo cướp được chính quyền từ tay thực dân Pháp hay sao? Phải chăng các đảng viên nay cũng không hơn gì dân đen, rất sợ phải lên tiếng (với chính các đồng chí của mình)?
Dân chủ trong Đảng mà còn như vậy thì mong gì dân chủ cho dân, mong gì dựa vào dân để xây lò thể chế.
Từ đó, dễ trả lời cho câu hỏi đơn giản trên về “thể chế”. Đó là, nếu muốn nó trở thành cái lồng nhốt được quyền lực, thì phải có được cơ chế phản biện cho tất cả người dân, cán bộ, đảng viên được mở miệng trước những vi phạm pháp luật, quy định của Đảng. Họ phải được lên tiếng dưới mọi hình thức mà không sợ bị phạt vạ, đi tù; được dùng những lá phiếu đánh giá tín nhiệm đối với người lãnh đạo từ cấp cơ sở cho tới cấp cao nhất của Đảng mà không bị trù dập, trả thù. Và chu trình đó phải được công khai cho toàn xã hội biết. Đâu có thể kín như bưng như vụ Quốc hội bỏ phiếu miễn nhiệm/ cho thôi làm nhiệm vụ với ông Chủ tịch nước vừa qua, dân nào có biết có bao nhiêu vị đại biểu của họ tán thành hay phản đối quyết định đó, mà chỉ thấy toen hoẻn có hai chữ “thống nhất” (5). Đâu có thể như cuộc họp trung ương trước đó một ngày, bí mật chẳng kém gì … Hội nghị thành lập Đảng năm 1930.
Làm được điều thực sự dân chủ, công khai đó, thì sẽ chẳng còn ai phải thắc mắc, rằng tại sao vẫn chưa thấy người đứng đầu Đảng dũng cảm, tự trọng bước ra trước quốc dân đồng bào cúi đầu nhận “trách nhiệm chính trị” của mình, xin chịu kỷ luật, từ chức (6), để cho đúng nghĩa quyền lực đã được nhốt vào trong lồng thể chế.
________________
Tham khảo:
(1) Luật Phòng, chống tham nhũng
(2) Hoàn thiện thể chế để bảo đảm “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng
(3) Tổng Bí thư: “Nhốt” quyền lực vào trong lồng cơ chế, pháp luật
(4) Kiểm soát quyền lực bằng thể chế và giám sát của nhân dân
(5) Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
(6) Trách nhiệm chính trị của người đứng đầu