Nhưng ở bình diện xã hội, đặc biệt trong lãnh vực chính trị, nổi giận trước những bất công và phi lý lại là điều cần thiết. Ở đây, nổi giận không phải là kẻ thù của lý trí. Ngược lại, nó gắn liền với lý trí: nó xuất phát từ cảm giác bất bình khi thấy bảng giá trị chung, vốn được hình thành từ lý trí, bị xâm phạm. Đó là những sự nổi giận trí thức. Từ cấp độ này, sự nổi giận của con người mới thoát khỏi tính bản năng và xa cách hẳn với các loài động vật khác. Đó là sự nổi giận nảy sinh khi con người đóng vai trò chứng nhân hơn là nạn nhân, khi ở ngoài hơn là trong cuộc, khi bản thân mình không trực tiếp bị đe dọa.
Vì có tính trí thức như vậy, sự nổi giận trước bất công và phi lý cũng gắn liền với đạo đức. Người ta thường gọi đó là những sự giận dữ hay phẫn nộ đạo đức (moral anger/outrage).
Gọi là đạo đức vì ba lý do chính: một, nó xuất phát từ ý thức về sự công bằng và công chính; hai, nó vì người khác, nó muốn nhìn thấy người khác, dù đó chỉ là những người hoàn toàn xa lạ với mình, cũng được đối xử một cách công bằng và công chính; cuối cùng, nó là một trong những nguyên nhân làm cho người ta trở thành can đảm.
Can đảm không phải là không biết sợ. Can đảm là biết vượt qua cảm giác sợ hãi. Thời gian vượt qua được cảm giác sợ hãi kéo dài dài hay ngắn tùy từng người. Một trong những yếu tố giúp duy trì tình trạng không sợ hãi ấy chính là sự nổi giận.
Ngày nào dân chúng không nổi giận ngày ấy những kẻ cầm quyền độc tài và hung ác còn ăn ngon ngủ yên.