Trung tâm Liên minh Lao động và Nhân quyền (Central) cho biết họ đã tìm được bằng chứng cho thấy một số địa điểm của các băng đảng lừa đảo qua mạng vẫn tiếp tục hoạt động tại đặc khu Sihanoukville bằng cách chuyển bề mặt ngoài của các cơ sở kinh doanh của họ.
Các hoạt động bất hợp pháp của bọn lừa đảo chủ yếu được chuyển từ những sòng bạc sang các mô hình kinh doanh khác, chẳng hạn như các viện công nghệ và bất động sản trong khi một số doanh nghiệp đơn giản là không có tên tuổi. Ở đó, hàng nghìn công nhân làm việc như những nô lệ lao động trong điều kiện an ninh chặt chẽ và không được phép bước ra ngoài.
Một nạn nhân được giải cứu khỏi một sòng bạc ở Xã 3, nói với Central rằng anh ta bị buộc phải thực hiện các trò gian lận ngoại hối và ponzi và không được phép liên lạc với thế giới bên ngoài.
Central cho biết địa điểm kinh doanh đó vẫn tiếp tục hoạt động, các tòa nhà được bảo vệ nghiêm ngặt, và các công nhân vẫn bị tra tấn bạo lực, quấy rối tình dục, bỏ đói và giam giữ trong phòng tắm.
Tola Moeun, giám đốc điều hành của Central, cho biết các nạn nhân nói với nhóm rằng các tòa nhà không tên, được gọi đơn giản là “Khu phố Tàu”, và các nhà chức trách Campuchia đã làm ngơ trước những trung tâm như vậy.
“Campuchia đã được báo cáo rộng rãi về kinh doanh lừa đảo qua mạng. Điều này xảy ra ở các tòa nhà cao do Trung Quốc đầu tư”, ông Moeun viết trên Twitter.
Ông cho biết thêm các đường dây buôn người đã lan rộng ra ngoài Sihanoukville đến các sòng bạc ở các tỉnh biên giới khác và kêu gọi nhà chức trách Campuchia có các biện pháp hữu hiệu.
Phản ứng của nhà nước Campuchia ra sao?
Phó thống đốc Sihanoukville, Long Dimanche, cho biết đến nay vẫn chưa có số liệu về các địa điểm bị đóng cửa, trong khi các nhà chức trách vẫn đang điều tra các địa điểm này.
Trong khi đó, Cảnh sát trưởng Sihanoukville, Choun Narin, lại lập luận cho rằng hầu hết các trường hợp là tranh chấp lao động và không liên quan đến lao động cưỡng bức hoặc giam giữ.
“Đó không phải là trường hợp giam giữ, buôn người hay bắt cóc. Họ [công nhân] muốn rời đi, bởi vì họ không hài lòng với công việc được cung cấp, vì vậy chúng tôi không thể coi đó là một tội ác khác”, ông Narin nói.
Sihanoukville, một tỉnh ven biển của Campuchia, trước đây rất nổi tiếng với khách du lịch nước ngoài và địa phương, đã trở thành trung tâm của các doanh nghiệp và sòng bạc do Trung Quốc làm chủ. Trong những năm gần đây, đã có rất nhiều báo cáo về các vụ lừa đảo trên mạng dựa vào số lượng lớn lao động nước ngoài bị buôn bán và làm nô lệ.
Vào tuần trước, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Sar Kheng cho biết, từ tháng 1 đến tháng 8, các nhà chức trách đã “giải cứu 865 người nước ngoài bị buôn bán và nhập lậu sang Campuchia”.
Bộ trưởng Sar Kheng đã nói về những người “bị buôn bán và nhập lậu” vào đất nước của mình, nhưng lại tránh sử dụng thuật ngữ “một hành động giam giữ” (an act of confinement).
Số người được giải cứu là những nạn nhân đã bị tước mất quyền tự do đi lại, bị buộc làm nô lệ lao động cho các băng đảng Trung Quốc mà nhà nước Campuchia của ông đang cho phép hoạt động.
Điều đó cho thấy nhà nước Campuchia đang tiếp tay cho các nhóm người Trung Quốc để tiếp tục các hoạt động tội phạm và có ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề nhân quyền./.
Người Đà Lạt Xưa