Ngô Nhân Dụng – VOA
Một người đã được Gorbachev ân xá từ Siberia trở về, Natan Sharansky mới viết trên báo Washington Post rằng ông ta chỉ muốn cho chế độ cộng sản “có bộ mặt con người.”
Cái quan định luận, nhiều người ca ngợi Mikhail Gorbachev khi ông qua đời, nhưng nhiều người ở Nga và Trung Quốc vẫn chỉ trích ông vì tội làm cho chế độ cộng sản và đế quốc Liên Xô tan rã. Một lãnh tụ đảng Cộng sản trong quốc hội Nga, Nikolai Kolomeitsev, vẫn gọi Gorbachev là một “tên phản bội” đã “hủy hoại quốc gia.” Trong điện văn chia buồn, Tổng thống Nga Vladimir Putin, công nhận Gorbachev “tạo ảnh hưởng lớn lao trong lịch sử thế giới,” mặc dù đã từng kết tội ông gây ra “thảm họa lớn nhất trong thế kỷ 20” vì làm Liên Xô sụp đổ.
Mikhail Gorbachev là lãnh tụ thứ tám cầm đầu Liên Xô, thực tâm chỉ tìm cách cứu vãn đảng Cộng sản. Những cải tổ của ông đã gây ra các biến chuyển không ngờ khiến chế độ tan vỡ. Gorbachev phải thay đổi vì chứng kiến cả chế độ đang sa lầy. Người ta lo xếp hàng mua ở cửa hàng mậu dịch, mất hết thời giờ đáng lẽ để làm việc, mà các quầy hàng không có gì đáng mua. Công nhân thờ ơ, lười biếng và say rượu, cán bộ lo ăn cắp từ trên xuống dưới. Có những người đứng bán các bóng đèn điện đã chết ở ngoài đường, người ta vẫn mua, để làm gì? Để đem về sở, tráo lấy cái bóng đèn còn tốt mang về nhà. Guồng máy kinh tế không chạy trong khi vẫn phải chạy đua sản xuất vũ khí. Gorbachev công nhận, “Không thể nào sống mãi như thế này!” Ông đưa ra những chính sách đổi mới sau khi đã chứng kiến các người tiền nhiệm hoàn toàn thất bại khi cố gắng cải tổ từng bước nhỏ.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, mẹ là người gốc Ukraine, lớn lên trong căn nhà tường làm bằng đất bùn, rơm rạ và phân bò, leo dần dần lên ngôi vị cao nhất trong đảng và trong nước, Gorbachev vẫn tin tưởng và trung thành với chủ nghĩa Marx, Lenin. Ông muốn thay đổi đảng, thay đổi chế độ, để cứu chủ nghĩa cộng sản.
Chín tháng trước ngày Liên bang Xô Viết sập đổ, Gorbachev nói ở Minsk, thủ đô Belarus bây giờ, “Tôi không thẹn thùng khi xác nhận tôi là một Người Cộng sản, tôi tin tưởng chủ nghĩa Cộng sản cho đến khi lìa bỏ cõi đời!”
Gorbachev nói với bà Margaret Thatcher, thủ tướng Anh, “Tôi biết bà là người có niềm tin mạnh, tin tưởng vào một số nguyên tắc và giá trị. Thái độ đó đáng kính trọng. Nhưng bà nên biết bà đang ngồi bên một người cũng có niềm tin mạnh như vậy! Và tôi cần nói cho bà biết rằng tôi chưa hề chỉ thị cho Bộ Chính Trị tìm cách thuyết phục bà gia nhập Đảng Cộng sản!” Bà Thatcher cười, hai người trò chuyện dễ dàng hơn, theo ông Gorbachev kể lại trên nhật báo New York Times.
Khi Gorbachev đến thăm viện bảo tàng British Museum, nơi ngày xưa Karl Marx vẫn đến ngồi làm việc, ông nói giỡn, “Nếu có người không thích Marx, họ cứ việc đả đảo British Museum.” Nhưng khi nghe một đại biểu quốc hội Anh chất vấn về các vụ đàn áp tôn giáo ở Liên Xô, Gorbachev không đùa giỡn nữa, nói thẳng: “Các ông bà lo cai trị xã hội của mình. Hãy để yên chúng tôi cai quản xã hội của chúng tôi!”
Một người đã được Gorbachev ân xá từ Siberia trở về, Natan Sharansky mới viết trên báo Washington Post rằng ông ta chỉ muốn cho chế độ cộng sản “có bộ mặt con người.” Khi thấy nguy cơ chế độ sụp đổ, Gorbachev đã tìm cách ngăn chặn. Năm 1987, ông đưa quân qua Georgia, Lithuania, đàn áp giết chết hàng chục người dân biểu tình đòi tự trị.
Lên ngôi Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô năm 1985, lúc 54 tuổi, Gorbachev thuộc thế hệ những cán bộ cộng sản được gọi tên là “Hậu duệ của Đại Hội thứ 20.” Trong đại hội này, năm 1956, Nikita S. Khrushchev đã công khai tiết lộ những tội ác của Stalin, làm chấn động thế giới cộng sản. Những chính sách nông nghiệp gây nạn đói làm chết hai chục triệu người; những vụ thanh trừng tàn nhẫn các đồng chí trong Bộ Chính Trị; các vụ bắt bớ tù đầy không bao giờ ngưng, vân vân.
Nhưng ảnh hưởng mạnh nhất lên Gorbachev là tình trạng kinh tế suy sụp dưới thời các Tổng bí thư Brezhnev, Andropov và Chernenko. Làm thư ký Trung ương Đảng, phụ trách về canh nông, Gorbachev đã tổ chức các khóa học tập về cảnh kinh tế suy sụp, đặc biệt làm sao cứu vãn nông nghiệp. Máy móc han rỉ không ai lo sửa chữa; phân bón không đưa tới đúng hẹn; đến mùa gặt, hàng núi khoai tây chất bên đường, đến nát thối vẫn không được chở đi. Một chương trình đã được Andropov và Chernenko đề cao là chống tham nhũng, không thành công cứu vãn được nền kinh tế.
Gorbachev đã nhìn thấy những thất bại của những người đi trước mình, kết luận phải làm mạnh hơn, phải thay đổi cả bầu không khí. Ông đưa ra hai chính sách, hai khẩu hiệu, “glasnost” (cởi mở) và “perestroika” (thay đổi cơ cấu). Ông bảo các báo đài không cần phải tung hô những lời các lãnh tụ nói, chỉ trích dẫn Lenin là đủ! Ông cho dân được tự do phê bình hơn, trả tự do cho những người nêu tư tưởng đối lập, văn chương nghệ thuật bùng nở.
Gorbachev là lãnh tụ đầu tiên đi gặp những công nhân và những người dân bình thường. Ông bất ngờ đến thăm một bệnh viện ở Moscow, rồi tới ngay một bệnh viện khác, không ai kịp chuẩn bị dựng ra những cảnh tốt đẹp giả tạo kiểu “Làng Potemkin!” và che đậy tình trạng mất vệ sinh, thiếu thuốc men và dụng cụ, trang bị, bệnh nhân sống trong cảnh bệ rạc. Sau khi đi một vòng, đô trưởng Moscow bị cách chức, Gorbachev đưa Boris N. Yeltsin lên thay.
Gorbachev làm những việc chưa ai dám làm. Hai tháng sau khi nhậm chức, ông ra lệnh phạt nặng những người say rượu trong giờ làm việc, giảm bớt số sản xuất rượu vodka, đóng cửa bớt và giới hạn giờ mở cửa các quán rượu, tăng giá vodka 30%, cấm uống rượu trước tuổi 21, thay vì 18. Gorbachev bị phản đối dữ dội, ba năm sau phải cho áp dụng nhẹ nhàng hơn.
Để thay đổi cơ cấu, Gorbachev thay thế hầu hết thành viên Bộ Chính Trị, sau bảy tháng cầm quyền; cho hàng loạt tướng lãnh và công chức về hưu. Andrei Gromyko là người giới thiệu Gorbachev vào chức Tổng bí thư cũng được đưa lên giữ chức quốc trưởng vô quyền, sau 28 năm nắm đầu bộ ngoại giao! Gorbachev bãi bỏ chức tổng bí thư từng kế nghiệp từ thời Stalin, lập ra và được bầu vào chức tổng thống đầu tiên của nước Nga.
Muốn thay đổi nội bộ trong khi gặp nhiều chống đối, bên ngoài phải được sống trong một thế giới hòa bình. Gorbachev chủ trương ngoại giao mới, bỏ rơi ý thức hệ, lấy lợi ích quốc gia làm căn bản. Ông rút quân ra khỏi Afghanistan sau mười năm sa lầy làm chết 15.000 binh sĩ; ký hiệp ước giảm bớt vũ khí hạch tâm với Ronald Reagan. Ông là người chấm dứt chiến tranh lạnh. Tổng thống Reagan cũng công nhận: “Gorbachev đáng ghi công.”
Người Nga bây giờ oán trách Gorbachev vì coi ông làm đế quốc Liên Xô sụp đổ. Nhưng nó đã bắt đầu sụp đổ từ những nước cộng sản Đông Âu, khi Ba Lan thay đổi năm 1980, tiếp theo đến Tiệp Khắc, Hungary, Đông Đức, Rumani, Bulgarie. Khi các nước phụ thuộc muốn độc lập, Liên Xô chắc chắn phải tan rã.
Cuối cùng Gorbachev thất bại ở trong nước vì muốn dân Nga sống tự do nhưng họ chưa sẵn sàng. Năm 2017 ông vẫn “tin tưởng rằng Nga sẽ chỉ thành công khi sống tự do dân chủ, sẽ có các đảng chính trị tranh đấu để cầm quyền, sẽ có bầu cử tự do để thay đổi chính quyền! Ông giải thích, “Dân tộc tôi muốn được tự do nhiều hơn quý vị tưởng, nhưng dân tôi đã trải qua 250 năm dưới ách đô hộ của người Mông Cổ, tiếp theo làm nông nô suốt đời trong chế độ Nga hoàng, rồi đến bao nhiêu năm sống dưới chế độ cộng sản độc tài.”
Khi nghe tin Gorbachev qua đời, Grigory Yavlinsky, đứng đầu đảng Yabloko ở Nga, ca ngợi ông là người đã “trả tự do cho hàng trăm triệu dân Nga, dân các nước chung quanh, và một nửa Âu châu.” Và “Người Nga chúng ta có trách nhiệm sử dụng các quyền tự do và cơ hội lớn đó.” Theo bản tin AP, Alexei Navalny, nhà đối lập đang bị cầm tù ở Nga, ghi nhận một điểm son, “Gorbachev là một trong những lãnh tụ hiếm hoi không lợi dụng quyền hành và cơ hội để mưu đồ tư lợi cho cá nhân mình.”