Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết: “chùa Ba Vàng không thuộc quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng không tham gia vào Ban trị sự Giáo hội Phật giáo địa phương mà trực tiếp chính quyền địa phương quản lý” (theo báo Zing). Thật bất ngờ!
Sở dĩ có được điều này là bởi “Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam quy định, trước năm 1975 tất cả chùa đều thuộc Giáo hội, sau năm 1975 thì cũng chỉ khuyến khích các chùa tham gia vào Giáo hội, gia nhập vào danh bạ của Giáo hội”. Đây là một điều tốt vì nó cho thấy: về mặt pháp lý, tôn giáo được tự do hơn phần nào khi không bị ép buộc phải vào Giáo hội. Tuy nhiên, cũng như mọi tổ chức và cơ sở từ giáo dục, kinh doanh, dịch vụ, văn hóa…, cho đến tôn giáo đều phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Và đến đây, câu hỏi đặt ra là, chùa Ba Vàng đang có những hoạt động nào, những hoạt động ấy có tuân thủ pháp luật hay không?
Như chính trụ trì của chùa Ba Vàng tuyên bố bằng các bài giảng và các video đăng công khai trên mạng thì chùa này đang cung cấp phương pháp chữa bệnh bằng cách cúng dường – đó có phải một loại dịch vụ? Vậy, chùa có đăng ký loại hình dịch vụ này với chính quyền không? Và chịu trách nhiệm thế nào trước bệnh nhân và pháp luật về kết quả “điều trị”?
Về hình thức, dịch vụ này được cung cấp và thu tiền dưới danh nghĩa “tùy tâm cúng dường”; tuy nhiên, như thế vẫn không đồng nghĩa với việc chùa không cần phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào về phương pháp, hiệu quả và các hệ lụy xã hội mà nó có thể gây ra. Ngay cả việc chữa bệnh là miễn phí hoàn toàn thì cũng vẫn phải kèm theo việc tuân thủ quy định của pháp luật cơ mà, chứ đâu phải vì tôi không thu tiền nên nếu trong quá trình điều trị mà bệnh nhân không may bị tử vong thì tôi sẽ vô tội!
Những câu hỏi tiếp theo cần đặt ra sẽ là:
– Khi chùa có những hoạt động ngoài tôn giáo và mang lại nguồn thu tài chính nhất định thì nghĩa vụ đóng thuế được thực hiện ra sao?
– Có hay không việc bóp méo giáo lý của Phật giáo nhằm thao túng tâm lý của dân chúng để trục lợi dựa trên niềm tin sai lầm vì bị dẫn dắt một cách có chủ đích?
– Vì nghe theo lời quảng cáo của chùa, người dân đến chữa bệnh bằng cách cúng dường, nếu không khỏi hoặc bệnh tình tiến triểu xấu hơn thì chùa phải chịu trách nhiệm pháp lý như thế nào? Tiền có được hoàn lại cho người bệnh không?
– Xét về tính chất, hoạt động của chùa Ba Vàng giống và khác nhau thế nào so với Thiền Am? Có cần phải xem xét các hoạt động của Ba Vàng dưới các quan điểm pháp lý như đã làm với Thiền Am? Nếu không “đả thông” được điểm này thì vụ án Thiền Am sẽ không thể thuyết phục được người dân. Không thể sử dụng tiêu chuẩn kép cho Ba Vàng hay mọi các cơ sở khác!
– Sau tất cả, phải trả lời dứt khoát câu hỏi: chùa Ba Vàng và những cơ sở tương tự có phải là các cơ sở tôn giáo thực thụ, hay là một tổ chức hoặc công ty mượn danh nghĩa chùa? Nếu có như thế thì cần phải yêu cầu những nơi đó đặt lại tên để tránh gây hiểu lầm.
Tóm lại, cần phải gọi tên và đặt chùa ba Vàng cùng tất cả các cơ sở tôn giáo trong hay ngoài Giáo hội mà đang có những hoạt động tương tự vào các quan hệ pháp lý một cách minh bạch, bình đẳng. Đây chính là việc không thể không làm để vừa lập lại trật tự xã hội, vừa thúc đẩy dân trí phát triển./.
Thái Hạo