Hiếu Bá Linh (Tổng hợp)
Tại họp báo Chính phủ chiều 3/8, Trung tướng Tô Ân Xô – Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài, Bộ Công an quyết định sẽ ghi bổ sung vào phần “Bị chú” (trang 4) trong tấm hộ chiếu đó nơi sinh của công dân. Nếu cần thiết, công dân có thể tới Cục Xuất Nhập cảnh (Bộ Công an) hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bổ sung thông tin này.
Cùng ngày 3/8, Đại sứ Việt Nam tại Đức Vũ Quang Minh lạc quan viết trên facebook:
“Tin vui: về cơ bản, trước mắt đã có giải pháp chính thức xử lý vấn đề kỹ thuật của mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam đối với Đức”.
“Hôm nay (3/8), Tham tán Công sứ, Phó Đại sứ Chu Tuấn Đức cũng đã có buổi làm việc có kết quả tốt đẹp với Bộ Nội vụ và Bộ Ngoại giao CHLB Đức tại Berlin”.
Có lẽ Đại sứ Vũ Quang Minh đã quá vội vàng khi thông báo rằng vấn đề hộ chiếu giữa Việt Nam và các nước trong khối Schengen: Đức, Tây Ban Nha và Séc sắp được giải quyết. Rất tiếc là không phải như thế. Các quốc gia Schengen này vẫn đang kiểm tra xem xét. Điều đó có thể thấy được từ thư trả lời ngày 5/8 của Bộ Nội vụ Liên bang Đức về các câu hỏi của nữ ký giả Đức Marina Mai của nhật báo TAZ, đặc biệt trong đó bà nhấn mạnh đến giải pháp của Bộ Công An ghi thêm Nơi sinh vào phần Bị chú (trang 4) của hộ chiếu, nếu được yêu cầu.
Thư của Bộ Nội vụ liên bang Đức ngày 5/8 viết:
“Tuần này, các cuộc đàm phán tiếp theo đã diễn ra giữa Đức và Việt Nam cũng như giữa các nước nằm trong khối Schengen. Hiện nay các việc kiểm tra xem xét đang được tiến hành, chính phủ Việt Nam cũng vậy, nhằm làm thế nào để có thể giải quyết tình huống này. Các nước Schengen khác cũng đang xem xét vấn đề này”.
▪ Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) dối trá
Trước đó ngày 30/7, cũng trên facebook, Đại sứ Vũ Quang Minh đã lên tiếng trách cứ phía Đức khi ông căn cứ vào thông tin của Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an AO8), trích nguyên văn:
“Đáng chú ý, theo thông tin của A08, Việt Nam đã gửi mẫu hộ chiếu mới để thông báo cho các nước một tháng trước khi chính thức cấp”.
“Đến ngày 27/7/2022, gần một tháng sau khi mẫu hộ chiếu mới được chính thức đưa vào sử dụng, cơ quan cảnh sát liên bang Đức mới ra thông báo về việc tạm thời chưa cấp thị thực vào Hộ chiếu mới này và trước đó hoàn toàn không có cảnh báo hay tham vấn với phía Việt Nam. Nhiều hộ chiếu đã được nhận visa của Đức trước khi có thông báo này”.
(Hết trích)
Sự thật là ngày 29/7 Bộ Ngoại giao Đức đã cho cho nhật báo TAZ của Đức biết rằng “Việt Nam cấp hộ chiếu mẫu mới từ ngày 1-7-2022 mà không thông báo trước cho các nước với thời gian thử nghiệm phù hợp”. Cùng ngày 29/7 Bộ Nội vụ liên bang Đức cũng nhấn mạnh với tờ TAZ rằng “Việt Nam đã không cung cấp trước – như thông lệ quốc tế – các mẫu hộ chiếu”.
Không chỉ nước Đức mà thôi, trong thư ngày 2/8 trả lời các câu hỏi của nữ ký giả Đức Marina Mai của nhật báo TAZ, Bộ Nội vụ Áo tại thủ đô Wienna cũng chỉ trích rằng “Cho đến thời điểm bây giờ (2/8) cơ quan đại diện Việt Nam không cung cấp thông tin nào về hộ chiếu mẫu mới, mặc dù việc cung cấp thông tin này là phù hợp với thông lệ quốc tế”.
Trong thư cập nhật cùng ngày 2-8-2022, Bộ Nội vụ Áo cho biết: “Cơ quan đại diện Việt Nam mới gửi thông tin đến Bộ Ngoại giao Áo (và từ đó chuyển đến Bộ Nội vụ Áo). Chúng tôi hiện đang xem xét hộ chiếu mẫu mới này”.
▪ Hậu quả đối với người Việt cư trú ở nước ngoài mà còn mang quốc tịch Việt Nam
Việc hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam không được các nước Đức, Séc và Tây Ban Nha công nhận đã ảnh hưởng lớn đến cả trăm nghìn người Việt đang (và sẽ) cư trú ở các nước này mà còn mang quốc tịch VN. Họ bị các cơ quan chức năng sở tại từ chối làm các giấy tờ thủ tục hành chính như đăng ký địa chỉ mới, kết hôn, làm giấy khai sinh cho con v.v. Đặc biệt trầm trọng là họ bị từ chối gia hạn giấy phép cư trú, thậm chí có trường hợp có thể bị hủy cư trú như Đại sứ VN tại Séc, ông Thái Xuân Dũng, nói với đài VOV:
“Theo quy định của pháp luật Séc thì … trẻ em nước ngoài sinh ra tại CH Séc và có mong muốn cư trú tại CH Séc thì trong vòng 60 ngày, kể từ ngày sinh ra, phải đăng ký cư trú theo bố mẹ hoặc người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật Séc. Việc chậm đăng ký cư trú sẽ dẫn tới khả năng trẻ em bị từ chối cấp phép cư trú và bố, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật cũng có thể bị hủy cư trú”.
Nữ ký giả Đức Marina Mai cũng nêu ra vấn đề trên và Bộ Nội vụ liên bang Đức đã trả lời trong thư đề ngày 5/8 như sau:
“Trong trường hợp khẩn cấp, cơ quan đại diện ngoại giao của Đức ở nước ngoài và các Sở Ngoại kiều tại Đức có thể cấp giấy tờ của Đức thay thế hộ chiếu Việt Nam”.
Đối với Bộ trưởng Công an Tô Lâm những sự cố về hộ chiếu mẫu mới là một vấn đề ảnh hưởng đến uy tín của ông. Ngày 10/8 tới đây, ông sẽ trả lời chất vấn của Quốc hội về hộ chiếu mới./.