Tân Phong – ViệtTân
Một xu hướng đầu tư bất động sản mới của giới Tư Bản Đỏ?
Trong một lần trao đổi về xu hướng đầu tư tìm kiếm siêu lợi nhuận của giới Tư Bản Đỏ “nhà cái” như Sungroup, Vingroup và những cái tên sắp tới sẽ nổi lên như sao chổi theo chân tân bí thư và chủ tịch đang tiến về đất Tràng An, một người môi giới cho giới siêu giàu đất Hà Nội tiết lộ, sau khi đã vét hết tiền của thị trường sau cơn sốt đất kéo dài từ 2018 đến cuối 2021, các cá mập đang ôm tiền quay trở về các đô thị trung tâm như Hà Nội để tìm kiếm những dự án nhiều tỷ USD ở các vị trí đất kim cương.
Một vấn đề khó khăn là những mảnh đất có vị trí “phong thủy đẹp” ở các đô thị này đều có giá siêu đắt và cực hiếm. Tuy vậy, việc này vẫn có thể giải quyết được bằng rất nhiều tiền và mức độ chuyên chế của bộ máy công quyền sắt máu sẵn sàng thực thi điều 4 Hiến Pháp “…đất đai sở hữu toàn dân và do Nhà nước thống nhất quản lý” ở mức độ nào.
Dưới danh nghĩa các dự án công ích, công tư kết hợp, đổi đất lấy hạ tầng, các công trình phục vụ mục đích quân sự, v.v, giới chức CSVN vẫn sẽ tiếp tục thu hồi đất đai tùy tiện để giao cho đám Tư Bản Đỏ thực hiện các dự án thương mại núp dưới danh nghĩa công ích hay “an ninh quốc phòng.” Những vụ cướp đất ở cánh đồng Sênh, Đồng Tâm hay vườn rau Lộc Hưng cho ta lời khẳng định rằng giới cầm quyền sẵn sàng xuống tay, không chút do dự với tất cả sức mạnh “chuyên chính vô sản,” bằng súng AK, dùi cui và nhà tù để đạt được lợi ích cho giai cấp thống trị.
Máu và nỗi oan khuất thấu trời, bi kịch của người dân chỉ làm bầy Kền Kền Đỏ thêm hung hăng. Không đâu trên mảnh đất hình chữ S này người dân sẽ được yên ổn nếu như nơi đó là một mảnh đất có giá trị lớn, có tài nguyên hay vị trí đặc biệt nào đó có thể mang lại nhiều lợi ích cho giới cầm quyền. Và bây giờ không phải ở đâu xa xôi, ngay ở Hà Nội, sẽ có một xu hướng đầu tư bất động sản của giới siêu giàu, đám Tư Bản Đỏ với chóp bu chính trị sẽ biến thủ đô “lương tri và phẩm giá con người” trở thành thành phố của dân oan trong tương lai không xa.
Bước chân của “sói Nga” Lê Viết Lam
Gần đây, dư luận đang quan tâm đến dự án nhà hát Opera ở Đầm Trị, Quảng An, Tây Hồ của Sungroup. Mảnh đất ở bán đảo Quảng An, Tây Hồ là một mảnh đất kim cương theo đúng nghĩa đen khi mỗi m² đất ở đây có giá giao dịch còn đắt hơn cả kim cương và hiếm hơn cả kim cương. Được bao bọc bởi 3 mặt là Hồ Tây nên quanh năm mát mẻ, dân Quảng An có thể nói đều là tỷ phú, sống bằng nghề xây nhà cho Tây thuê với thu nhập khủng. Cuộc sống của dân Quảng An có lẽ chẳng có gì phải phàn nàn khi được tận hưởng nhiều ưu đãi về vị trí an cư tuyệt vời, cuộc sống giàu có. Đó cũng là một cộng đồng dân cư yêu chế độ, yêu đảng, yêu bác với sự hài lòng về những gì họ có. Nhưng mọi chuyện đang khác đi nhanh chóng kể từ khi tỷ phú đô-la Lê Viết Lam và tập đoàn Sungroup quan tâm đến mảnh đất này.
Với lý do đưa ra là đất thần kinh của chế độ “đỉnh cao của muôn loài” cần phải có một nhà hát opera xứng tầm, có thể so với nhà hát Opera Sydney, là nơi sinh hoạt tinh thần đẳng cấp cho giới “thượng lưu tôn quí,” đại gia Lê Viết Lam đề nghị giới chức thủ đô đầu tư nhà hát opera – mục đích chính là mở những đại lộ dẫn đến khu phức hợp cao ốc 58 Hồ Tây View và chiếm thêm những “mỏ kim cương” trong phạm vi của dự án núp dưới danh nghĩa “công trình biểu tượng cho văn hóa thủ đô” – như lời “bưng bô” của vị kiến trúc sư nào đó.
Hồ Tây vốn được coi là đất “địa linh,” long mạch của đất Thăng Long ngàn năm văn vật… Có vô vàn những huyền sử, truyền thuyết, thần linh và ma quỉ cùng di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh gắn liền với cái hồ được Ủy Ban Môi Trường Hồ Quốc Tế (ILEC) xếp hạng là một trong 500 hồ nước cần được bảo tồn trên thế giới này. Trước khi Lê Viết Lam theo chân anh Bảy, Bắc tiến về thủ đô, cũng đã có khá nhiều các văn bản qui định về qui hoạch xây dựng để bảo vệ cảnh quan, môi trường ở cái hồ nước linh thiêng, thơ mộng với “tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương” đang ngày một bị xâm lấn nham nhở.
Có thể kể ra văn bản pháp luật về qui hoạch xây dựng liên quan đến cái hồ này như:
Quyết định 4177/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, ngày 8/8/2014, phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị Khu vực Hồ Tây và Phụ Cận (A6) tỷ lệ 1/2.000. Quyết định này có một số nội dung:
Điều 4.2.2 Yêu cầu tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan – Thiết kế đô thị:
Đối với những khu đất giáp Hồ Tây (trong phạm vi từ mép hồ ra tối thiểu là 50m) khi xây dựng công trình cần đảm bảo các điều kiện sau:
– Tuyệt đối không được xây dựng công trình làm ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan, mặt nước Hồ Tây.
– Khoảng lùi: Không xây dựng thêm công trình xung quanh Hồ Tây trong khoảng cách 16m từ mép hồ.
– Chiều cao công trình: Tối đa 12m, tương đương 3 tầng. Khuyến khích mật độ xây dựng thấp, tạo không gian trống có nhiều cây xanh xung quanh Hồ Tây…
Điều 4.2.4. Quy định kiểm soát về tầng cao và mật độ xây dựng:
Vùng 3: Khu vực trục không gian bán đảo Hồ Tây, cho phép xây dựng công trình cao tầng hai bên trục không gian, chiều cao thấp dần về phía Hồ Tây, mật độ xây dựng tối đa 40% (đối với khối cao tầng), chiều cao công trình cụ thể tuân thủ theo thiết kế đô thị của đồ án Quy hoạch phân khu.
Thuyết minh đồ án Quy hoạch phân khu, phần Thiết kế đô thị tại Mục V.3.4 – Thiết kế đô thị đối với các chức năng trong đô thị, Điểm d – Cảnh quan đô thị khu vực trung tâm, các công trình điểm nhấn:
* Khu vực bán đảo Hồ Tây:
Các chỉ tiêu: (Không bao gồm các khu dân cư hiện có).
+ Mật độ xây dựng: Được xác định trên cơ sở các dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo phù hợp với nguyên tắc được xác định trong bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất.
+ Tầng cao xây dựng: 3-25 tầng (được xác định theo đường khống chế cơ sở).
+ Đảm bảo tỷ lệ cây xanh trong các ô đất xây dựng công trình >30%.
– Nguyên tắc thiết kế:
+ Cho phép xây dựng công trình cao tầng hai bên trục không gian đối với các ô đất có quy mô phù hợp, đảm bảo khoảng lùi theo quy chuẩn xây dựng.
+ Chiều cao công trình tối đa 25 tầng (hiện có), thấp dần về phía hồ.
+ Các công trình tiếp giáp hồ xây dựng thấp tầng, bảo vệ cảnh quan cho khu vực, tuân thủ quy định quản lý xung quanh Hồ Tây.
…
Tuy vậy, đến tháng Hai, 2017, khi Sungroup trình bản vẽ mặt bằng và tổng thể kiến trúc cho phức hợp trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở tại lô 58 Tây Hồ với chiều cao building lên tới 39 tầng, vượt quá qui định xây dựng theo Quyết định 4177 và vi phạm các nội dung qui hoạch phân khu đối với khu đất có chức năng “công cộng đô thị” 58 Tây Hồ, thành phố Hà Nội đã nhanh chóng chấp thuận. Ngày 5 tháng Chín, 2017, UBND Hà Nội cấp phép xây dựng cho dự án đầu tư 58 Tây Hồ View của Sungroup ngay cả khi Quảng An chưa có bản đồ qui hoạch chi tiết 1/500.
Có thể thấy, ở xứ CSVN có cả rừng luật lệ để cai trị người dân nhưng với một nhóm nhỏ thiểu số “thượng lưu quí tộc” là những tư bản Đỏ và con cháu, dòng tộc của giới quan chức chóp bu thì những qui định luật pháp chỉ là mớ giấy chùi.
Chỉ sau một thời ngắn, người dân Hà Nội chứng kiến 11 block building cao ngất ngưởng nhanh chóng hình thành như một trái núi với hình hài xấu xí cắm thẳng vào vị trí trái tim của vùng đất được coi là “long mạch” của thủ đô văn hiến. Thậm chí, như một sự nhạo báng của cái gọi là “dân chủ xứ thiên đường,” chủ đầu tư và UBND thành phố Hà Nội đã bịa tạo ra một cuộc thi “công trình điểm nhấn cho thủ đô” để chính danh cho một biểu tượng kiến trúc dị hợm, tham lam được xây dựng và tồn tại nghễu nghện một cách thô bỉ, phá vỡ cảnh quan tự nhiên đẹp đẽ hiếm hoi còn xót lại giữa một Hà Nội đã bị beton hóa, méo mó, ô nhiễm đến khó lòng cứu vãn.
Nhưng bàn tay tham lam của Lê Viết Lam không dừng lại ở 58 Tây Hồ View, đại gia BĐS kín tiếng này đã muốn thâu tóm toàn bộ bán đảo Quảng An từ lâu và có lẽ còn hơn thế với những bước đi rất rõ ràng:
Quyết định 8665/QĐ-UBND ngày 15/12/2017, của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An:
Theo quyết định này, Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Sungroup) là đơn vị tổ chức lập quy hoạch và chịu trách nhiệm tự bỏ kinh phí để nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết.
Tuy rằng việc một công ty tư nhân tổ chức lập quy hoạch và bỏ chi phí lập quy hoạch đất đai cho Quyết định 2078/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị Khu vực Hồ Tây và phụ cận (A6) tỷ lệ 1/2.000 tại các ô quy hoạch 16, 17, 19 và các tuyến đường khu vực. Ở lần điều chỉnh này:
Cái nhà hát opera “mang tầm vóc thế giới” dự định được xây dựng ở Đầm Trị bắt đầu xuất hiện từ đây. Theo ý tưởng làm nhà hát, điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu tại các ô quy hoạch 16, 17, 19 đã mở rộng mặt cắt các đường giao thông phục vụ nhà hát, dẫn đến giảm 1,69 ha đất công viên – cây xanh đô thị, giảm 1 ha mặt nước (chưa kể phần diện tích xây nhà hát – sẽ được cụ thể hoá ở bước sau), giảm 4,1 ha đất đơn vị ở (mà khu vực này không quy hoạch khu dân cư mới, tức là có thêm 4,1 ha dân cư hiện hữu phải di chuyển).
Đáng lưu ý, công trình khu phức hợp thương mại cao tầng Tây Hồ View (quy mô vượt ngưỡng cho phép của Quy hoạch phân khu) nhưng đã được cấp phép và xây dựng hoàn thiện đương nhiên được cập nhật vào Điều chỉnh Quy hoạch phân khu. Thật là “nhất cử lưỡng tiện,” “tiện tay dắt dê.”
Tập đoàn Sungroup thông qua hai công ty trực thuộc là Công ty TNHH Mặt Trời Hạ Long và Công ty cổ phần Địa Cầu đã xây dựng và trình lên chính quyền thành phố Hà Nội đề án “Đầu tư dự án Nhà hát Opera và Khu văn hoá thể thao đa năng Quảng An.”
Như vậy là Sungroup vừa vẽ, trình qui hoạch, vừa là chủ đầu tư và cơ quan chức năng chỉ hợp pháp hóa bằng việc ký và “xin ý kiến góp ý” theo “qui trình con khỉ”
Quyết định 4615/QĐ-UBND, ngày 28/2/2022 của UBND thành phố Hà Nội về việc điều chỉnh Quyết định 8665/QĐ-UBND:
Quyết định này thay đổi đơn vị tổ chức lập Quy hoạch chi tiết từ Sungroup thành UBND quận Tây Hồ, kinh phí lấy từ ngân sách Nhà nước.
Thực chất, việc này để né tránh chỉ đạo miệng “Công tác quy hoạch dứt khoát phải do nhà nước nắm, không giao cho doanh nghiệp làm quy hoạch” của ông thủ tướng trong một cuộc họp trước đó ít lâu.
Tháng 7, 2022: Quận Tây Hồ lấy ý kiến tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với Đồ án Quy hoạch chi tiết Khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An (tỷ lệ 1/500 tại phường Quảng An, quận Tây Hồ).
Đến lúc này, dân chúng Quảng An mới té ngửa về nguy cơ trở thành dân oan bị cướp đất như bà con Văn Giang hay Đồng Tâm. Họ phản ứng “bất bạo động” bằng việc treo băng rôn phản đối dự án tại nhà riêng, dọc những con đường, khu phố. Ngay lập tức, lực lượng côn an đã được điều đến xé bỏ băng rôn và răn đe đám thị dân nhà giàu “chẳng có gì ngoài …tiền” bằng nắm đấm, dùi cui.
(Video: Bán Đảo Quảng An)
Sẽ không có gì lạ, bằng các biện pháp “nghiệp vụ” của bộ máy đàn áp “giỏi nhất thế giới,” không sớm thì muộn, mảnh đất Quảng An sẽ rơi vào tay Lê Viết Lam. Sau vụ khủng bố tàn bạo, vô nhân tính ở Đồng Tâm, đám thị dân nhà giàu Quảng An biết rõ thế nào là “chuyên chính cách mạng.” Không có người lãnh đạo tinh thần và sự đoàn kết, Quảng An sẽ là một miếng “bít tết” ngon trên bàn tiệc của đám Tư Bản Đỏ và quan chức chóp bu CSVN.
Thời của Vin đã hết, giờ là thời của Sun với những dự án nắm những vị trí “đặc khu kinh tế” như Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc, Đà Nẵng… Lê Viết Lam vẫn không dừng lại ở đó mà bước chân của “con sói Nga” mang trái tim của …Tàu đã và đang thâu tóm những miếng đất kim cương ở đất thủ đô Hà Nội. Sẽ không chỉ có một mình “sói” Lê Viết Lam, mà sẽ là một đàn sói …tiến vào Tràng An để “qui hoạch, đầu tư phát triển” …trong thời gian tới.
Khi đó, thủ đô của “lương tri và phẩm giá con người” như lời ông tổng Tịch “tự sướng” sẽ ngập chìm trong nước mắt và tiếng thét gào ai oán của đám dân oan. Đó cũng là kết cục cuối cùng, “tự nhiên khách quan” không thể né tránh ở mảnh đất này. Có thể coi, cái nhà hát Opera Hà Nội là một mốc dấu cho một thời kỳ cướp bóc mới, tàn bạo hơn, trắng trợn hơn với những chính sách cướp bóc ngày một tinh vi, vô nhân tính.
Xin đón chào các công dân thủ đô “tôn quí” gia nhập câu lạc bộ Dân Oan!
Tân Phong