Liên Trì – (VNTB) – Vì sao trong gia đình có nhiều tượng Phật, vậy có theo Phật hay không…
Khi chủ tọa hỏi lý do vì sao gần 30 người đến sinh sống mà bị cáo cho là đệ tử, mặc áo nâu mà bị cáo không đăng ký sinh hoạt tôn giáo với chính quyền địa phương, bị cáo Vân cho rằng ông không theo đạo Phật theo cách hiểu của tòa. Khi chủ tọa hỏi tiếp lý do vì sao trong gia đình có nhiều tượng Phật, vậy có theo Phật hay không…
Theo cách hiểu khá đơn giản của vị chủ tọa phiên tòa hình sự sơ thẩm vụ án “Tịnh thất Bồng Lai/ Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ”, thì đã mặc áo nâu sòng, nhà thờ nhiều tượng Phật, thì những người ở nơi có treo bảng “Tịnh thất Bồng Lai”, và về sau là “Thiền An Bên Bờ Vũ Trụ” đó, được mặc định theo đạo Phật.
Để sinh hoạt theo nghi thức nhà Phật, các người dân ấy ở “Tịnh thất Bồng Lai/ Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ” ấy bắt buộc phải đăng ký tham gia vào tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, và chỉ được quyền thực hiện các nghi thức Phật giáo khi được sự đồng ý của chính quyền địa phương.
Chuyện cổ Phật giáo kể rằng ở thành Xá Vệ có một người phụ nữ quét rác, dọn đường rất chăm chỉ nhưng vì tính chất công việc nên người bà thường dơ bẩn, không ai muốn đứng cạnh bà. Thường thì người ta tỏ vẻ khó chịu, bịt mũi rồi tránh xa khiến bà rất buồn.
May mắn thay Đức Phật vẫn có thiện cảm đối với người phụ nữ này, còn khuyến khích bà đến nghe Pháp, thường xuyên khuyến khích bà nỗ lực hơn trong cuộc sống. Một số người bắt đầu xì xào vì cách cư xử này của Ngài với người quét rác, họ không đồng tình và cho rằng người phụ nữ không xứng đáng với điều đó.
Thậm chí, có người tìm tới Đức Phật để bày tỏ sự phẫn nộ:
– Tại sao chúng tôi tôn kính Ngài đến vậy mà Ngài lại nói chuyện với người phụ nữ bẩn thỉu. Trong khi đó Ngài thường thuyết pháp những lời thanh sạch, dạy mọi người phải làm được hành vi thanh tịnh?
Đức Phật sau khi nghe xong và nghiệm nghị đáp lời:
– Người phụ nữ đó làm việc chăm chỉ với mục đích giữ gìn sạch sẽ cho thành Xá vệ nên có thể nói, cống hiến của bà ta đối với xã hội cực kỳ lớn. Không những thế bà lại khiêm nhường, ham học hỏi, tại sao mọi người lại có ý nghĩ đó chứ?
Ngài vừa ngừng lời thì cùng lúc đó người phụ nữ nọ đã tắm rửa sạch sẽ, lại thay một bộ y phục sạch sẽ, rạng rỡ tiến đến diện kiến mọi người.
Đức Phật tiếp lời:
– Mọi người tự nhận mình sạch sẽ, nhưng thể hiện lại kiêu ngạo vô lễ, tâm trí dơ bẩn. Hãy ghi nhớ, bẩn thỉu bên ngoài có thể dễ dàng tẩy rửa, nhưng nếu trong tâm dơ bẩn, đó mới là điều khó thay đổi”.
Những người này nghe xong cảm giác hổ thẹn, từ đó về sau không dám cười nhạo người khác như thế nữa.
Từ câu chuyện trên nên về sau có thành ngữ “chiếc áo không làm nên thầy tu” không rõ muốn đề cập đến tôn giáo nào. Chỉ biết, vì thế, hãy luôn nhìn vào bản chất vấn đề, bản chất một con người và nên dừng lại khi ai đó bắt đầu muốn nhận xét về ông này thế này, bà kia thế kia… hãy tập dừng những suy nghĩ, những lời nói tương tự như thế lại.
Những thuyết giảng quen thuộc ở trên như một luân lý giáo khoa thư. Và theo cách hiểu ấy cho thấy những người dân chọn áo nâu sòng, thờ phượng tượng Phật, thực hiện các nghi thức theo Phật giáo…, đó là một quyền hiến định về tự do bày tỏ sự tín ngưỡng, tự do về niềm tin tôn giáo, bao gồm cả tôn giáo nội sinh rất phổ biến ở miền Nam, không thể bắt buộc họ chỉ được phép làm những công việc đó khi họ đã đăng ký và được sự chấp nhận là thành viên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.
Xin được nói thêm, ngay cả một người không chỉ mặc áo thầy tu, mà còn thêm cả là chức sắc tôn giáo, là trụ trì ngôi chùa được đăng ký theo đúng các quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo, thế nhưng khi người ấy đứng đơn thưa vì cho rằng bị xúc phạm khi so sánh “đức hạnh tu hành” chưa bằng… con bò, thì xem chừng người ấy cũng chỉ là vẻ ngoài khoác áo thầy tu mà thôi.
Bởi trong một giảng Pháp có nội dung tóm tắt vầy: Sau khi đã xuất gia, bạn phải xem hạnh nhẫn nhục là cao nhất, là số một. Những kẻ nói xấu, chửi bới, chê bai, phê bình bạn, đều là những kẻ chỉ đường cho bạn. Không có họ, bạn chẳng thể tiến bộ, chẳng thể thành tựu…