Phạm Lê Đoan – VNTB
Báo chí là vũ khí sắc bén trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đang được Đảng ta triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhận xét như trên tại buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2022).
Vỗ tay hoan hô báo chí
Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng cho rằng, trong các thành tựu chung của đất nước, có đóng góp của báo chí cách mạng Việt Nam. Các nhà báo, các cơ quan báo chí, với thông tin khách quan, trung thực, kịp thời, đúng hướng, tạo chia sẻ, tạo cảm hứng và động lực cho người dân, góp phần để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm”. “Người làm báo là một trong những lực lượng trên tuyến đầu của các mặt trận”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, báo chí là vũ khí sắc bén trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đang được Đảng ta triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thủ tướng cũng chia sẻ với những khó khăn của báo chí trong điều kiện hiện nay về cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực… Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu giải pháp tăng cường tiềm lực của báo chí phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tình hình, điều kiện đất nước, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, giải quyết được những khó khăn của báo chí và hài hòa với các lĩnh vực khác, trong tổng thể chung với các ngành nghề.
Khi báo chí phải “ngậm bồ hòn” …
Nếu những phát biểu ở trên của người đứng đầu chính phủ là thực lòng thì liệu sắp tới đây Bộ Thông tin và Truyền thông có lại chấp bút cho đề xuất trả lại quyền tự do báo chí, thay vì tìm mọi cách hạn chế qua Quyết định số 362/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành theo đề xuất trước đó lúc còn công hầu khanh tướng của hai vị cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn – hiện hai ông đều đang bị tù tội vì tham nhũng chính sách.
Quyết định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho thấy dường như báo chí là một sản phẩm cần phải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vì không mấy khuyến khích, kể cả báo chí chuyên ngành của các ban Đảng.
Văn bản số 362/QĐ-TTg mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt bút ký hôm 3/4/2019 nói rằng đến năm 2020, mỗi ban đảng Trung ương có không quá 01 tạp chí in; khuyến khích các tạp chí có phiên bản điện tử và chuyển dần từ hình thức tạp chí in sang tạp chí điện tử.
Sau năm 2020, trên cơ sở lấy báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương) làm nòng cốt, hợp nhất tạp chí các ban đảng Trung ương để xây dựng một cơ quan báo chí tập trung, đa phương tiện.
Văn phòng Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước mỗi cơ quan có 01 cơ quan báo in và 01 cơ quan tạp chí in. Bộ, cơ quan ngang bộ có 01 cơ quan báo và 01 cơ quan tạp chí. Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ nếu tiếp nhận thêm cơ quan báo thuộc các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương, các doanh nghiệp thì được có tối đa 02 cơ quan báo, nhưng chậm nhất đến năm 2025 phải hoàn thành việc sắp xếp còn 01 cơ quan báo.
Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 01 cơ quan báo thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, 01 cơ quan tạp chí thuộc hội văn học – nghệ thuật tỉnh. Một số tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm về kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch được có cơ quan tạp chí chuyên ngành. Các cơ quan cấp sở, ngành thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không có cơ quan báo chí.
Mỗi tổ chức chính trị – xã hội trung ương có 01 cơ quan báo và 01 cơ quan tạp chí. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam có 01 cơ quan báo trực thuộc Liên hiệp và một số tạp chí của các hội thành viên. Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam có 01 cơ quan báo và 01 cơ quan tạp chí. Mỗi tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương có 01 cơ quan tạp chí.
Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đến hết năm 2020 sắp xếp còn tối đa 03 cơ quan báo; đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp (còn 01 cơ quan báo).
Tư nhân hoàn toàn không được quyền xin giấy phép về đầu tư báo chí dưới mọi hình thức.
Gươm chưa bén đang bị mài cho cùn
Như vậy nếu như lời của Thủ tướng Phạm Minh Chính, “báo chí là vũ khí sắc bén trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, thì những quy định “đóng cửa báo chí” của tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc, cho thấy thay vì “mài bén” như yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, báo chí đã bị “làm cho cùn” bởi “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025” do Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành.
Giờ thì ông Nguyễn Xuân Phúc là chủ tịch nước, Trưởng Ban cải cách tư pháp trung ương. Ở cương vị mới, có lẽ ông Nguyễn Xuân Phúc cần được bộ phận tham mưu nhắc nhở rằng chuyện mấy năm trước ông đặt bút ký phê duyệt “Quy hoạch báo chí’ là hành vi vi hiến. Bởi Luật Báo chí cho phép các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức nghề nghiệp cũng có quyền được lập báo chí.
Với cái quy hoạch mới, người ta đã bỏ đi. Đấy là về mặt quyền tự do báo chí. Vấn đề thứ hai liên quan đến việc làm. Nhà nước, theo nguyên tắc, phải đảm bảo việc làm chứ không phải tìm mọi cách giảm bớt công việc, đẩy người ta ra đường. Với quy hoạch báo chí, rõ ràng là sẽ có rất nhiều báo sáp nhập, họ sẽ mất bản sắc mà thực tế là mất thương hiệu, thì các nhà báo rõ ràng là họ mất việc…
Kỳ vọng khi đến lượt mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng mạnh dạn có những “sửa sai” để trả lại quyền tư do báo chí như Hiến định, cũng như phù hợp các thỏa thuận về quyền này trong những nội dung của các FTA Thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết./.