Ngày 17/6, Công an và VKSND tỉnh Bình Thuận xin lỗi công khai gia đình ông Võ Tê – người bị bắt giam oan trong vụ án giết người 42 năm trước. Điều đáng nói là cách đây 42 năm, ông Cơ quan điều tra không đủ chứng cứ buộc tội ông Tê và đã thả ông ra sau 5 tháng. Tuy nhiên, vì chính quyền không xin lỗi để rửa oan cho ông Tê nên gia đình đã phải sống trong nhục nhã trước sự kỳ thị của xã hội trong ngần ấy năm. Năm 1994, ông Tê qua đời mà vẫn còn mang thân phận bị can.
Ông Mai Tiến Dũng, cựu Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ đã từng nói “Nếu sai, chúng ta nhận lỗi, dân sai dân chịu trách nhiệm”. Đây là câu nói thể hiện tinh thần pháp luật kém, sự bất công rất rõ ràng. Phía đại diện nhà cầm quyền không chịu sự trừng trị của pháp luật ngang bằng với dân. Đấy là sự bất công, Chính quyền họ đặt họ lên trên pháp luật. Họ quan điểm luật pháp không dùng cho người đại diện chính quyền mà chỉ để trừng trị dân mà thôi. Tuy người đại diện chính quyền nói họ sai thì xin lỗi như thế nhưng trong trường hợp của ông Tê, phía Chính quyền vẫn không dễ gì xin lỗi nên dẫn đến hậu quả là gia đình ông Tê phải sống trong định kiến của xã hội trong thời gian rất dài.
Oan sai là vấn đề nhức nhối mà nền tư pháp nào cũng vướng phải, không ít thì nhiều. Tuy nhiên, cách xử lý của chính quyền là vấn đề cần phải bàn. Trên thế giới, những nền tư pháp tiến bộ như Nhật Bản, Canada vv… đều có những vụ oan sai. Cứ sau những vụ oan sai như vậy, nhà nước đấy lại cải cách tư pháp theo hướng tiến bộ hơn để mang lại công lý và công bằng cho người dân.
Khi có kết luận là oan sai thì phía Chính quyền phải bồi thường thỏa đáng và trả lại danh dự cho dân ngay lập tức. Để người dân sống trong sự kỳ thị của xã hội cũng là một cái tội, tội này không khác gì tội bạo hành nên không thể xem nhẹ. Nếu Nhà nước có trách nhiệm thì cần phải tránh trường hợp như vậy. Trong trường hợp của ông Tê, nhà nước này đã thực sự “vì dân” như khẩu hiệu mà báo đài, băng rôn thường cổ vũ chưa?
Một nền tư pháp tốt là nền tư pháp ít oan sai, nhưng tỷ lệ oan sai thấp thì chưa chắc nền tư pháp đó tốt. Vì sao như vậy? Vì tỷ lệ oan sai thấp ấy đôi khi là do do sự thiếu trung thực trong ngành tư pháp chứ chưa chắc gì đó là thông tin thật. Nhiều vụ án oan bị ém vì “bệnh thành tích” của ngành tư pháp là một nguyên nhân đó. Mà ở chế độ này, bệnh thành tích nó lan ra khắp nơi, mọi ban, mọi ngành, mọi địa phương.
Ngày 25/3/2021, tại Kỳ họp cuối cùng Quốc hội Khóa XIV, ông Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao lúc đó là ông Nguyễn Hòa Bình báo cáo về công tác của các tòa án trong nhiệm kỳ 2016-2021 rằng “5 năm qua không có người nào bị kết án oan”. Tuy nhiên, tại kỳ họp Quốc hội trước đó 5 tháng, theo báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp Quốc hội thì vẫn còn 60 trường hợp bị oan liên quan đến trách nhiệm của viện kiểm sát; 95 trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt. Đấy là minh chứng cho trường hợp thông tin thiếu trung thực khi công bố về án oan sai của ông Nguyễn Hòa Bình.
Ngày 30/3/2021, cũng trong kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, ông Lưu Bình Nhưỡng đã trình bày một bức xúc rằng “Tỷ lệ oan sai là một tỷ lệ rất nguy hiểm. Hãy hình dung xem mình hoặc người thân của mình ở trong số 0,00001% oan sai thì mình sẽ nghĩ như nào. Tỷ lệ này ảnh hưởng tới tâm lý. Nếu không khắc phục rất nguy hiểm. Tỷ lệ oan sai liên quan đến một tỷ lệ rất quan trọng là liệu có hay không có tỷ lệ công lý. Công lý vĩ đại, thiêng liêng, hoàn hảo, tròn trịa. Làm sao mà có tỷ lệ công lý”. Sau lần họp Quốc hội này, ông Lưu Bình Nhưỡng không được trúng cử vào Quốc hội khóa XV nữa.
Thật là đáng báo động, vì chỉ tiêu này rất có thể quan chức ngành tư pháp sẽ cố ém vụ án oan sai cho “chìm xuồng” để đạt tỷ lệ án oan thấp. Và cũng vì chỉ tiêu này mà ngành tư pháp không tổ chức xin lỗi và bồi thường cho người dân khi đã có đủ bằng chứng là họ oan, mục đích loại bỏ những vụ án oan đấy ra khỏi tỷ lệ thống kê. Như trường hợp của ông Tê là ví dụ, mặc dù không có bằng chứng buộc tội buộc phải thả bị can nhưng ngành tư pháp không đưa vụ này vào tỷ lệ oan sai vì ông Tê vẫn còn “thân phận bị can”.
Nền tư pháp yếu không đáng lo ngại bằng nền tư pháp không chịu cải tiến. Năng lực yếu kém, bệnh thành tích là hòn đá tảng cản đường cải cách tư pháp. Không những không cải cách được mà ngành tư pháp còn có thể đi giật lùi vì nó. Đã nhiều năm nay, biết bao nhiêu ngành, bao nhiêu địa phương hô hào “nói không với bệnh thành tích” nhưng kết quả ra sao? Dường như bệnh càng ngày càng nặng!
Đỗ Ngà