Một cỗ máy đang hoạt động, có thể nó ở trạng thái chạy hết ga và cũng có thể ở trạng thái chạy cầm chừng (tức là chạy Roda). Nếu chạy hết ga, máy sẽ tiêu tốn nhiên liệu nhiều và động cơ mau hư, ngược lại nếu chạy roda, máy sẽ ít tốn nhiên liệu hơn và động cơ cũng bền hơn.
Cỗ máy chiến tranh cũng như vậy, có lúc chạy hết ga và cũng có lúc chạy cầm chừng. Lúc đang đánh chiếm là lúc cỗ máy chiến tranh chạy hết ga, nó sẽ ngốn sinh mạng nhiều và tiêu hao lượng vũ khí rất lớn. Đây là lúc cỗ máy chiến tranh tiêu tốn ngân sách quốc phòng khùng khiếp nhất. Nếu chiến thắng trước đối phương thì nó sẽ chuyển sang trạng thái chạy roda. Giai đoạn này, cỗ máy ít hao người ít hao tổn vũ khí, và tất nhiên nó sẽ làm ít tốn ngân sách quốc phòng hơn. Nếu buộc cỗ máy chiến tranh luôn duy trì ở trạng thái “chạy hết ga” thì không sớm thì muộn, cỗ máy này cũng hỏng.
Nước Nga là một cường quốc gia nghèo, khả năng nuôi cỗ máy chiến tranh của nó có giới hạn chứ không như Mỹ. Khi vào Iraq năm 2003, Mỹ đã lật đổ chính quyền Saddam Hussen chỉ trong vòng 3 tuần và sau đó là quân đội Mỹ đồn trú ở Iraq chỉ với vai trò là gìn giữ. Nghĩa là cỗ máy chiến tranh của Mỹ tại Iraq chạy hết ga chỉ có 3 tuần và sau đó là chạy Roda, vậy mà Mỹ cũng phải rút khỏi Iraq. Tại Afghanistan cũng thế, chỉ sau đúng 2 tháng, chính quyền Taliban sụp đổ và quân đội Mỹ sau đó chỉ đồn trú để gìn giữ.
Rõ ràng, Mỹ luôn biết kết thúc sớm giai đoạn chạy hết ga của cỗ máy chiến tranh của họ, vậy mà Mỹ còn phải nhả Iraq và Afghanistan. Vậy câu hỏi là, nước Nga với kinh tế nghèo hơn Mỹ rất nhiều, ngân sách quốc phòng Nga hiện nay chỉ vào khoảng 62 tỷ đô chỉ bằng 8% ngân sách quốc phòng Mỹ, vậy thì làm sao Nga nuôi một cỗ máy chiến tranh hoạt động lâu dài được? Ông Putin không tính đến bài toán này nên mới nhắm mắt làm liều xua quân xâm lược Ucraina.
Putin dự tính 72 giờ là chiếm thủ đô Kyiv đẩy bộ máy chính quyền Ucraina phải bỏ chạy. Mỹ và Phương Tây cũng đã có lúc sẵn sàng đưa ông Zelensky tị nạn. Như vậy ông Putin đã lên kế hoạch cho cỗ máy chiến tranh của Nga chạy hết ga trong một thời gian rất ngắn để chính phủ của ông có thể nuôi bộ máy này lâu dài, tuy nhiên đến nay đã hơn 3 tháng, Kyiv vẫn không thể chiếm được và quân Nga phải rút về cố chiếm vùng Đông Bắc Ucraina như là một loại kế hoạch B vớt vát cho những tham vọng không thể đạt được.
Ucraina được Mỹ và Phương Tây viện trợ quân sự rất mạnh, sau thời gian bên viện trợ huấn luyện quân Ucraina sử dụng vũ khí mới thuần thục, quân Ucraina sẽ trở lại với sức mạnh đáng sợ hơn, lúc đó, quân Nga sẽ bị chết nhiều hơn, khí tài quân sự Nga cũng bị đốt cháy nhiều hơn. Nếu không sớm đẩy được quân Nga ra khỏi bờ cõi thì Ucraina cũng đủ khả năng buộc bộ máy chiến tranh Nga phải chạy hết ga trong khoảng thời gian dài cho đến lúc cỗ máy này rệu rã và Nga phải bỏ cuộc.
Để nuôi cỗ máy chiến tranh, thì chính phủ Nga cần phải vét tiền trong nền kinh tế của họ đắp vào, đồng thời họ cũng phải vét người để bù vào tổn thất nhân mạng ở Ucraina. Trong khi đó, kinh tế Nga đang bị Mỹ và Phương Tây siết cổ từ từ, càng về sau, tiềm lực kinh tế Nga càng yếu đi. Việc người chết nhiều sẽ rất dễ gây ra làn sóng phản chiến trong nội bộ nước Nga. Lúc đó, Putin vừa đối phó bất ổn kinh tế vừa đối phó sự bất mãn của dân chúng trong nước vừa nuôi cỗ máy chiến tranh ở cường độ cao, liệu Putin có kham nổi không?
Putin chỉ hành động theo cái tôi của lão mà không hề dùng lý trí để phân tích thiệt hơn trước khi quyết định cuộc chiến ở Ucraina. Không một cá nhân nào làm nên trò trống gì với kiểu chỉ biết hành động theo cái tôi mà xem nhẹ lý trí. Từ tổ chức, đến doanh nghiệp, và cao hơn là lãnh đạo quốc gia, loại người chỉ biết hành động theo cái tôi điều khiển thì hoặc tan tác nếu đó là tổ chức, hoặc phá sản nếu là doanh nghiệp, hoặc lụi tàn nếu đó là quốc gia. Không một quốc gia nào hùng mạnh với loại lãnh đạo như thế này. Cường quốc nào để loại người như Putin nắm quyền thì cường quốc đó sẽ lụn bại, không sớm thì muộn./.
-Đỗ Ngà-