DER SPIEGEL
Sự cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington đang trở nên gay gắt hơn: Ngoại trưởng Trung Quốc đang tăng cường vận động, thuyết phục nhiều quốc gia Nam Thái Bình Dương hợp tác về an ninh và kinh tế chặt chẽ hơn nữa.
Rặng san hô ở Thái Bình Dương trước quần đảo Fidschi. Tại nơi này ngoại trưởng Trung Quốc sẽ giới thiệu các kế hoạch về an ninh và hợp tác kinh tế của Trung Quốc.
Trong chuyến công du đầu tiên tới châu Á cách đây ít ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rõ đất nước ông sẵn sàng đương đầu với Trung Quốc. Bây giờ người ta biết rằng: Trung Quốc rõ ràng muốn mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình ở Nam Thái Bình Dương và đã trình bày các kế hoạch hợp tác kinh tế và an ninh toàn diện với các quốc gia ở trong vùng. Các hãng tin Reuters và AFP đồng loạt đưa tin về vấn đề này.
Dự thảo hợp đồng sâu rộng công bố hôm thứ tư cho thấy Trung Quốc sẽ đầu tư tiền triệu cho mười quốc đảo nhỏ trong khu vực. Đổi lại, Bắc Kinh sẽ giúp đào tạo lực lượng cảnh sát địa phương và được tiếp cận tốt hơn với các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở địa phương. Các nhà lãnh đạo phương Tây, cũng như những người đứng đầu chính phủ trong khu vực lo ngại về sự mất kiểm soát ở Nam Thái Bình Dương.
Kế hoạch này cũng mang đến cho các quốc đảo triển vọng về một thỏa thuận thương mại tự do với Bắc Kinh và khả năng tiếp cận thị trường kinh tế rộng lớn của Trung Quốc. Mặt khác, Trung Quốc không chỉ tham gia vào việc đào tạo cảnh sát mà còn tham gia vào việc mở rộng hệ thống an ninh mạng. Ngoài ra còn có các nhiệm vụ như lập bản đồ biển ở những khu vực có ý nghĩa quyết định và tiếp cận tài nguyên. Kế hoạch có thể sẽ được đưa ra thảo luận khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tổ chức một hội nghị ở Fiji vào tuần tới.
Bản dự thảo ít nhiều gây lo ngại ở trong khu vực. Trong một bức thư khá rõ ràng gửi đến các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương khác, Chủ tịch Micronesia David Panuelo cảnh báo rằng mặc dù bản thỏa thuận này “thoạt nhìn rất hấp dẫn, nhưng nó sẽ cho phép Trung Quốc tiếp cận và kiểm soát khu vực của chúng ta.” Micronesia từ lâu là đối tác thân thiết của Hoa Kỳ trong khu vực.
Panuelo gọi các đề xuất của Trung Quốc là “thiếu chân thành.” Chúng “đảm bảo ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các chính phủ”, cho phép “kiểm soát kinh tế” của Trung Quốc đối với các ngành công nghiệp chủ chốt và “giám sát hàng loạt” đối với thông tin liên lạc của địa phương.
Nam Thái Bình Dương ngày càng trở thành đấu trường cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Bắc Kinh đã cố gắng thiết lập sự hiện diện quân sự, chính trị và kinh tế ngày càng lớn mạnh hơn ở Nam Thái Bình Dương. Gần đây nhất, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận an ninh sâu rộng với Quần đảo Solomon.
Mỹ và Australia từ lâu đã lo sợ Trung Quốc có thể thiết lập căn cứ hải quân ở Nam Thái Bình Dương. Điều này sẽ cho phép Hải quân Trung Quốc mở rộng sức mạnh vượt xa khỏi biên giới của mình. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price bày tỏ lo ngại sau khi các kế hoạch cụ thể của Trung Quốc dược công khai hôm thứ tư, ông đánh giá các kế hoạch này là không rõ ràng./.