Song Chi
Nhà văn bất đồng chính kiến Vũ Thư Hiên, từng đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1988 với tác phẩm Miền thơ ấu. Ông là con trai của ông Vũ Đình Huỳnh (1905 – 1990), người làm bí thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian dài, sau làm Vụ trưởng Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao, Vụ trưởng trong Ban Kiểm tra Trung ương Đảng.
Vào thập niên 60 thế kỷ trước, ông Vũ Thư Hiên và thân phụ đều bị cầm tù nhiều năm không xét xử trong cái gọi là “Vụ án tổ chức chống Đảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài”. Sau khi được thả ông phải làm nhiều nghề để kiếm sống như làm thợ cán cao su, sản xuất bột nở thực phẩm, bột nở cho cao su và nhiều mặt hàng khác. Nhờ giỏi ngôn ngữ Nga, ông được tham gia các phái đoàn thương mại Việt Nam qua Nga và Ukraina với tư cách thông dịch viên, rồi đại diện cho công ty Vieco của Vũng Tàu-Côn Đảo tại Moskva. Sau khi thoát khỏi một cuộc truy sát của mật vụ Việt Nam, ông chạy qua Ba Lan, rồi qua Pháp để tị nạn tại nước này. Được sự bảo trợ của các tổ chức các nhà văn quốc tế ông được mời tới cư ngụ ở một số thành phố Pháp, Thuỵ Sĩ, Đức.
Trong thời gian ông sống lưu vong ông hoàn thành cuốn hồi ký nổi tiếng Đêm giữa ban ngày (1997). Ngoài Miền Thơ Ấu và Đêm Giữa Ban Ngày, ông còn được các nhà xuất bản của người Việt hải ngoại in nhiều cuốn tuyển truyện ngắn và tác phẩm dịch cũng rất nổi tiếng về nghề văn là Bông Hồng Vàng của tác giả Nga Paustovky.
Hiện nay ông sống tại Paris và vẫn sáng tác đều. Ông cũng viết nhiều về chân dung của các văn nghệ sĩ, trí thức miền Bắc và VN nói chung, những người bị “khổ nạn” vì đã viết “không theo ý đảng”.
xxxxx
1. Nhà văn Trần Đĩnh vừa mới qua đời, cũng là bạn của ông, ông có thể nói ngắn gọn những cảm nghĩ của mình về cuộc đời, con người và tác phẩm “Đèn Cù” của ông Trần Đĩnh không ạ?
VTH: Trần Đĩnh là một nhà báo phá cách, không phải trong những bài báo ông ấy từng viết cho những tờ báo chính thống, mà trong cuốn sách dày duy nhất – Đèn Cù. Tôi thích con người vui tính Trần Đĩnh, nhưng tôi không đánh giá cao Đèn Cù. Với tư cách hồi ký, những sự kiện trong cuốn này không thể coi như những sự kiện có thật như chúng từng xảy ra. Chính tác giả đã minh định nó là “chuyện tôi”, tức là tôi viết chuyện của tôi, như tôi thấy, như tôi nghĩ, chỉ có thế mà thôi. Cuốn sách không có ý định vẽ nên sự thật , cho nên nó không gần với sự thật, nói khác đi là không trung thành với sự thật. Cho nên, chớ trích dẫn những sự kiện được tác giả ghi trong Đèn Cù như sự thật từng xảy ra mà tác giả chứng kiến.
2. Các thế hệ trẻ sau này không biết gì nhiều về số phận của những nhà văn nhà thơ nhà báo VN ở miền Bắc trong giai đoạn 1945-1975 dưới chế độ độc tài do đảng cộng sản lãnh đạo. Ông có thể nói về vụ Nhân văn-Giai phẩm, tại sao lại có vụ án này, những gì đã xảy ra cho những người tham gia, số phận ai là bi thảm nhất?
VTH: Tôi không có mặt ở Việt Nam khi vụ “Nhân văn – Giai phẩm” xảy ra. Khi ấy tôi đang theo học nghề điện ảnh ở Moskva. Tôi chỉ biết về nó qua lời kể của vài người bị dính trực tiếp vào vụ này như Văn Cao, Trần Dần, Trần Duy. Theo chỗ tôi hiểu thì trong quan niệm đảng lãnh đạo toàn diện thì “Nhân văn – Giai phẩm” là một mưu toan vượt thoát vòng cương toả thì đảng phải đánh, không đánh không được. Mọi người trong nhóm này đều có số phận như nhau, đều bị tước đoạt cái gọi là “sinh mệnh chính trị” là chính, nồi cơm có vơi đi chút ít, bút bị giằng mất, nhưng họ vẫn sống nhăn. Có vài người đi tù như Thuỵ An, Phùng Cung, nhưng họ là lác đác trong số tù đông đảo.
3. Trong số những người liên quan đến vụ án Nhân Văn-Giai Phẩm, ông đánh giá ai cao nhất về văn tài, thưa ông?
VTH: Văn Cao.
4. Những người như Văn Cao, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên…trước năm 1945 họ lừng lẫy trên văn đàn, thi đàn với những bút pháp, phong cách rất riêng. Sau 1945 như chính Nguyễn Tuân nói, nhờ “biết sợ” mà họ không bị vướng vào tù đày và vẫn được chính quyền sử dụng. Nhưng sau 1945, 1954 thì họ “chết” hẳn, ngòi bút không còn được như xưa hoặc lại đi viết những thứ làm hài lòng nhà cầm quyền. Ông nghĩ gì về điều đó?
VTH: Không nên đổ mọi tội cho nhà cầm quyền. Trong lòng cuộc đấu tranh cho Việt Nam thoát ách nô lệ có sự tham gia, ít nhất là hưởng ứng của các văn nghệ sĩ. Họ đi với cách mạng với lòng chân thành trong sáng. Ở đây nên có sự phân biệt hai khái niệm: “đi theo” và “đi cùng”. Đi theo là thụ động, đi cùng là chủ động. Văn nghệ sĩ cũng như nhiều thành phần khác trong dân chúng đã đi với cách mạng với tinh thần của người tham gia, rất chủ động, không phải vì một sự lôi kéo nào.
5. Còn vụ án xét lại chống Đảng mà ông và cụ thân sinh ra ông trực tiếp trải qua, tại sao lại có vụ án này? Trong số những người bị dính vào, số phận của ai là thê thảm nhất?
VTH: Đó là một cơn cuồng nảy sinh trong phong trào cộng sản khi ấy. Những người coi mình là cộng sản chân chính chủ trương cách mạng bạo lực thấy cần phải tấn công phái chủ trương cách mạng bằng con đường hoà bình (đấu tranh nghị trường chẳng hạn). Nếu có quyền trong tay thì trấn áp. Ai có số phận bi thảm nhất? Số phận những người bị trấn áp và gia đình họ đều bi thảm như nhau, theo tôi biết. Khó có thể nói ai bi thảm hơn ai. Nhưng nếu đặt tình thương xót vào gia đình nào thì tôi nghĩ có lẽ là nhà báo Lưu Động, ông đi tù, người nhà chết đuối…
6. Xin ông kể cho khán giả nghe về chính số phận của ông và thân phụ ông, những năm tháng trong tù ngục, và gia đình ông đã phải sống như thế nào trong những năm tháng khó khăn ấy?
VTH: Cha tôi tù 6 năm. Tôi tù 9 năm. Người đàn ông là một trụ cột trong gia đình, nhiều trường hợp là trụ cột chính về phương tiện kiếm sống, vắng họ thì khỏi kể gia cảnh của họ trong những năm tháng ấy khổ cực như thế nào.
7. Có những nhà văn nào vẫn giữ được khí tiết, tư cách đáng kính trọng, không thỏa hiệp với nhà cầm quyền trong suốt giai đoạn 1945-1975? Ngược lại có những nhà văn nào đánh mất phẩm giá của mình, bưng bô chế độ một cách lộ liễu nhất, ngoài ông quan thơ Tố Hữu là một ví dụ thưa ông?
VTH: Đừng bắt tôi kể chuyện ai là ai. Nó sẽ rất dài và sẽ có nhiều nhận định không vô tư. Có người hèn để kiếm chác. Có người im lặng nuốt nước mắt vào lòng để tồn tại.
8. Trong giai đoạn từ 1954-1975 các nhà văn nhà thơ nhạc sĩ miền Bắc có biết gì về tình hình văn học ở miền Nam dưới chế độ VNCH? Có đọc được, nghe được những tác phẩm của miền Nam hay mãi sau 1975 mới bắt đầu đọc? Và ông nghĩ gì về văn học miền Nam so với văn học miền Bắc giai đoạn đó?
VTH: Chúng tôi không biết gì, hay nói cho đúng chỉ biết lơ mơ về văn học miền Nam. Không hề có một tác phẩm nào của văn nghệ sĩ ở miền Nam được in trên đất Bắc vào thời kỳ đất nước bị chia làm hai mảnh. Tôi nhớ có ai đó cho tôi biết đã nghe đài phát thanh Sài Gòn truyền đi một bài thơ của Đinh Hùng, khen rằng đó là một bài thơ hay. Tôi, hay bất cứ người nào khác, đã không biết thì không nghĩ gì.
9. Từ sau 1975 cho đến nay, ông có theo dõi văn học trong nước? Có những nhà văn nào ông đánh giá đáng để đọc? Theo ông sau 1975 cho đến nay nhà văn nhà thơ VN có tự do hơn được chút nào không, có những thuận lợi bất lợi gì so với các nhà văn miền Bắc trước 1975?
VTH: Tôi cho rằng sau năm 1975 trong các tác phẩm văn học ở Việt Nam có một số tác phẩm đáng chú ý. Ấy là với người đọc là tôi thôi. Tôi không phải nhà nghiên cứu văn học để đánh giá.
10. Tại sao văn học VN đến bây giờ vẫn chưa có những tác phẩm, những tác giả nổi tiếng trên thế giới, được thế giới biết đến rộng rãi mặc dù đất nước, dân tộc Việt Nam không thiếu đề tài, câu chuyện, số phận để viết? VN cũng chưa có được một nhà văn đoạt giải Nobel chẳng hạn. Theo ông cái thiếu nhất của các nhà văn VN là gì?
VTH: Chuyện này khó nói, nó không thuộc lĩnh vực mà tôi có thể có ý kiến. Nếu phải nói về nó thì tôi sẽ nói thế này. Thứ nhất, rất ít sách của các tác giả Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài, do đó chúng không được những người chấm giải biết đến. Mà nếu có biết đến thì tôi e rằng chúng không được lọt vào mắt xanh của các vị ấy. Khiêm tốn mà nói thì các sáng tác của các nhà văn Việt Nam chưa bắt kịp trào lưu văn học thế giới. Thiển nghĩ cái thiếu nhất ở các nhà văn nước ta là sự uyên bác trong lĩnh vực sáng tạo. Cho nên không lạ khi ta gặp những người vỗ ngực đã phát minh ra cái… xe đạp.
11. Đã gần 7 thập niên trôi qua kể từ cái thời Nhân văn-Giai phẩm, ông nghĩ ngày nay chính sách của nhà cầm quyền VN đối với văn học nghệ thuật và cái dũng khí của phần đông con người nghệ sĩ, trí thức VN so với thời gian đó có thay đổi gì không hay vẫn vậy?
VTH: Tôi thuộc lớp người cổ mất rồi. Lớp người này thường nghĩ: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Đổ vạ cho cái ngoài ta là dễ nhất.