Nguyễn Nam – (VNTB) – Chỉ khi nào dân đủ năng lực “làm chủ” và “làm chủ” một cách tự nguyện, xuất sắc thì dân mới thực sự “là chủ”; nếu không, dân chỉ “là chủ” trên danh nghĩa.
Quyền bầu cử rất quan trọng vì “quyền lực trao cho ai, trong tay ai” sẽ quyết định quyền lực sẽ được sử dụng thế nào, vào mục đích gì?
Thế nhưng với hiến định của độc quyền chính trị ghi tại Điều 4.1, rằng Đảng Cộng sản “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, thì chuyện “quyền lực trao cho ai, trong tay ai” hiểu theo đúng ‘nghĩa đen’ thì đó là việc không tưởng, vì “trao cho ai, trong tay ai” thuộc nhiệm vụ của Ban Tổ chức Trung ương Đảng, và quyết định cuối cùng từ người đứng đầu Đảng là Tổng bí thư.
Để tránh bị chụp mũ “tự diễn biến – tự chuyển hóa”, bài viết này sẽ thể hiện theo đúng văn phong quen thuộc của cổ động chính trị theo đúng định hướng tuyên truyền của cơ quan khoa giáo Đảng.
Cũng năm, bảy đường dân chủ
Sinh thời, Hồ Chí Minh sử dụng cụm từ “Dân là chủ” để nói lên vị thế xã hội, địa vị pháp lý tối thượng của người dân trong chế độ mới. Người khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”. Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, quyền là chủ của người dân được thể hiện ở nhiều khía cạnh.
Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời vào ngày 3-9-1946, Hồ Chí Minh đã tuyên bố chủ trương “tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống”.
Một ngày trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử dân tộc, Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu. Trong đó, nhấn mạnh: “Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”.
Hồ Chí Minh nói rõ, “nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy” và vì thế, nhân dân có quyền giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền.
Cơ quan lập pháp là Quốc hội – Nghị viện do dân bầu ra nên hoạt động của Quốc hội phải được nhân dân giám sát. Điều 30 của Hiến pháp năm 1946 ghi rõ: Nghị viện họp công khai, công chúng được vào nghe. Đối với cơ quan hành pháp là Chính phủ thì Hồ Chí Minh khẳng định:
“Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm trọn nhiệm vụ của mình là: người đầy tớ trung thành tận tụy của nhân dân”.
Người căn dặn cán bộ: Phải luôn luôn lắng nghe ý kiến của dân chúng; nhân dân phê bình thì cũng có điều đúng, có điều không; nếu đúng thì nhận và sửa chữa, nếu không đúng thì giải thích cho dân hiểu, tuyệt đối không được giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình.
Phản biện chính trị là điều cấm kỵ ở Việt Nam?
Như vậy, khi đặt tất cả câu chuyện chính trị ở trên vào bối cảnh Việt Nam, thì có lẽ sẽ không xảy ra vụ án Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, vì nếu công tâm để tranh biện thì những bài viết của các tác giả Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn cũng như nhiều tác giả khác nữa trên trang Việt Nam Thời Báo, là thực hiện đúng theo tinh thần của Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Xin được biện luận cho các bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo của nhóm tác giả trên là có thật sự đúng như cáo buộc vi phạm pháp luật hình sự theo Điều 117 của Bộ luật hình sự hiện hành.
Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ”; “chế độ ta là chế độ dân chủ. Tức là nhân dân làm chủ”.
Thực tế cho thấy, chỉ khi nào dân đủ năng lực “làm chủ” và “làm chủ” một cách tự nguyện, xuất sắc thì dân mới thực sự “là chủ”; nếu không, dân chỉ “là chủ” trên danh nghĩa.
Làm chủ thì tuyệt đối không được phép ỷ lại. Hồ Chí Minh nói rõ: “Cứ chờ Đảng và chờ Chính phủ giúp đỡ thì không đúng đâu. Đảng và Chính phủ đề ra chính sách, phái cán bộ về hướng dẫn, thế là giúp đỡ. Nhưng đó là phụ. Lực lượng nhân dân tổ chức nhau lại là chính. Không nên ỷ lại, mà phải tự lực cánh sinh”.
Thực hiện trách nhiệm “làm chủ” thì người dân còn phải tự giác đấu tranh với những hiện tượng phản dân chủ như “nhà mình có rác thì phải cầm chổi mà quét chứ không phải kêu la mà nhà sạch được. Kêu la mà không tự mình quét là thiếu tinh thần cách mạng, tinh thần dân chủ”.
Làm chủ thì người dân cũng phải có trách nhiệm giữ đúng đạo đức công dân, làm tròn mọi bổn phận của công dân. Ý thức, năng lực và trách nhiệm “làm chủ” chính là “thước đo” sự giác ngộ chính trị của công dân.
Với cách hiểu thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ, rõ ràng là cả ba nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn đã thuộc nhóm “giác ngộ chính trị của công dân”, khi các bài viết của họ đều nhằm phản biện mang tính xây dựng chính sách, qua đó sẽ tạo động lực của “nghĩ mình phương diện quốc gia/ Quan trên trông xuống, người ta trông vào” để các quan chức trong bộ máy nhà nước và bộ máy quản trị của Đảng làm tốt hơn việc phụng sự quốc gia trong bối cảnh độc quyền chính trị – Đảng Cộng sản “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.