Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN—Mỹ 2022” đã họp tại thủ đô Washington (Mỹ) trong hai ngày 12 và 13/5. Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng lãnh đạo cấp cao 10 nước ASEAN, trong đó có Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, đã dự họp. Hội nghị đã ra Tuyên bố Tầm nhìn chung. Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc ngày 15/5 đăng bài viết dưới tiêu đề “Xã luận: ASEAN không phải là cây cầu bập bênh của Mỹ trong ‘Cuộc chơi với Trung Quốc’” Dưới đây là bản dịch xã luận này.
Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN—Mỹ từng bị trì hoãn đã họp trong tuần này tại Washington. Tại hội nghị, Tổng thống Mỹ Biden đọc diễn từ nói mối quan hệ giữa Mỹ với ASEAN “đại diện cho tương lai”. Phó Tổng thống Harris thì nói “Cùng bên nhau, chúng ta có thể ngăn chặn được sự đe dọa đối với các chuẩn tắc quốc tế”. Cho dù trong thời gian họp Hội nghị cấp cao này, phía Mỹ không công khai nhắc tới Trung Quốc nhưng dư luận phổ biến cho rằng phương thức “ngoại giao nhiều bên” mà Mỹ đang thực hành thông thường đều làm cho Trung Quốc trở thành “Nhân vật chính vắng mặt”.
Mọi người để ý thấy rằng tất cả các nước ASEAN đều giữ thái độ thận trọng đối với Hội nghị cấp cao này. Thủ tướng Campuchia Hunsen nói rõ “Campuchia không chọn bên giữa Mỹ và Trung Quốc”; Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính khi đọc diễn văn tại Washington nhấn mạnh : giữa “độc lập và phụ thuộc”, “đàm phán và đối kháng”, “đối thoại và xung đột”, “hòa bình và chiến tranh”, “hợp tác và cạnh tranh”, Việt Nam chọn “độc lập”, “đàm phán”, “đối thoại”, “hòa bình” và “hợp tác”; Tổng thống Indonesia Widodo thì mong muốn cuộc họp cấp cao này sẽ có thể “có đóng góp cho hòa bình, ổn định và phồn vinh của khu vực”; Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong khi đồng thời ủng hộ “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của Mỹ cũng tỏ ý hy vọng bộ khung này sẽ “bao dung hơn”.
Thái độ thận trọng của các nước ASEAN là hợp tình hợp lý. Năm nay là tròn 45 năm ASEAN lập quan hệ đối thoại với Mỹ, xét về các lĩnh vực thì mối quan hệ giữa hai bên đều khó có thể nói là “lý tưởng”. Hồi tháng 3, Mỹ từng tiến hành điều tra đối với Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, viện cớ mấy nước này sử dụng các chi tiết mô-đun quang điện do Trung Quốc sản xuất, [cuộc điều tra đó đã] có ảnh hưởng lớn đối với ngành sản xuất liên quan [của 4 nước nói trên]. Đầu tháng 5, Campuchia, Indonesia và Thái Lan ra tuyên bố chung nói nhiều hội nghị cấp cao quan trọng do 3 nước này chủ trì vào nửa cuối năm nay sẽ mời tất cả thành viên tham dự, về thực chất là từ chối yêu cầu vô lý của Mỹ và phương Tây gây sức ép đòi 3 nước kể trên cô lập Nga. Ngay cả Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN—Mỹ cũng trục trặc, thời gian họp do phía Mỹ nêu ra phải sửa đi sửa lại mấy lần, thậm chí [phía Mỹ] từng đơn phương tuyên bố Hội nghị này sẽ họp vào tháng 3, khiến cho các nước ASEAN bất mãn.
Trong hội nghị, phía Mỹ cam kết đầu tư 150 triệu USD vào ASEAN, hành động này trở thành một trong không nhiều “thành quả” có tính thực chất của hội nghị. Thế nhưng cam kết đó lại trở thành sự việc bị dư luận quốc tế chế giễu. Nên biết rằng Quốc hội Mỹ đang gấp rút đẩy mạnh việc phê chuẩn Luật viện trợ 40 tỷ USD cho Ukraine. 60 triệu USD trong gói đầu tư 150 triệu USD nói trên lại còn được dùng vào việc “giúp các nước bè bạn nâng cao năng lực phòng vệ biển”. Washington miệng nói giúp các quốc gia ASEAN phát triển nguồn năng lượng sạch, đẩy mạnh phát triển giáo dục và chống dịch bệnh, thực ra vẫn là chú trọng lấy “an ninh” để “chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc”. Thảo nào có quan chức Singapore nói với một số người Mỹ rằng “Trong khi tiếp cận vùng Đông Nam Á, người Mỹ các ông thường chỉ quan tâm một vấn đề là an ninh. Nhưng người châu Á lại sống bằng thương mại.”
“Điều phối viên các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” Campbell của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho biết Mỹ không có ý định thúc đẩy Đông Nam Á hoặc châu Á tiến tới “Chiến tranh lạnh mới” mà mong muốn “cạnh tranh một cách hòa bình và có hiệu quả với Trung Quốc”. Loại ngôn từ ngoại giao như thế không có gì khó hiểu, nếu “hòa bình” của Washington là đẩy người ta vào lò lửa để bảo đảm “ưu thế tuyệt đối” cho mình, cái gọi là “có hiệu quả” là lấy việc kiềm chế Trung Quốc làm mục đích cuối cùng, như thế thì cho dù họ mặc bộ vest như thế nào thì việc họ làm đều là việc không được hoan nghênh. Do từng trải qua chiến tranh và xung đột khu vực, các nước ASEAN đều hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình và phát triển. Đa số các nước ASEAN đều có kinh nghiệm và nhận thức nên tránh trở thành “quân cờ trong cuộc chơi của các siêu cường”.
Giới chiến lược Mỹ trước nay đều có quan điểm cho rằng ASEAN “Về kinh tế dựa Trung Quốc, về an ninh dựa Mỹ”. Điều cần nói là, Trung Quốc và ASEAN là đối tác bạn bè của nhau, không tồn tại quan điểm “Ai dựa vào ai”. Làm lợi cho nhau, cùng thắng, mở cửa bao dung, bao giờ cũng là bản chất của sự hợp tác Trung Quốc—ASEAN. Trong 2 năm 2020 và 2021, ASEAN liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc hứa trong 3 năm tới sẽ cung cấp viện trợ phát triển trị giá 1,5 tỷ USD cho các nước ASEAN dùng vào việc chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế. Còn cái gọi là “Về an ninh thì dựa vào Mỹ”, nhiều lắm là Washington mượn cớ hư cấu ra sự “đe dọa” để tô son trát phấn cho dã tâm địa chính trị của mình. Trước đây, dưới sự xúi bẩy của Washington, Chính phủ Aquino [ở Philippines] từng làm con tốt cho Mỹ, kích động vụ “Phán quyết trọng tài Biển Đông”, rốt cuộc ngoài tờ giấy lộn ra, nào có được cái gì đâu?
Trong cuộc hội nghị cấp cao lần này, Mỹ và ASEAN hứa vào tháng 11 năm nay sẽ nâng cấp mối quan hệ hai bên thành “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”. Có phân tích cho biết, đây là thời kỳ khảo sát mà ASEAN dành cho Mỹ. Phần đông các quốc gia châu Á mong muốn Mỹ làm “phép tính cộng và tính nhân, chứ không phải là phép tính trừ và chia”. Washington nên lắng nghe tiếng lòng của các quốc gia ASEAN chứ không nên một mực say sưa với trò chơi có tổng bằng không, coi ASEAN là cây cầu bập bênh “Anh lên tôi xuống”.
Nguyễn Hải Hoành biên dịch từ nguồn tiếng Trung社评:东盟不是美国“对华博弈”的跷跷板, 2022-05-15.
(*) Bài viết không phản ảnh quan điểm của CTMM