Không thể để Vladimir Putin ngồi yên

- Quảng Cáo -

Ngô Nhân Dụng

Thế giới đã kinh ngạc trước đức dũng cảm của dân Ukraine, đã ghê tởm trước những chứng cớ tội ác của quân Nga. Bây giờ ai cũng thấy chế độ Putin phải chấm dứt.

Hai khúc quẹo trong cuộc chiến khiến loài người thấy phải giúp dân Ukraine chống quân Nga. Lần đầu, khi thấy dân Ukraine quyết tâm chiến đấu “dùng trứng chọi đá” chặn đoàn quân cướp nước. Trước đó, ai cũng tưởng Nga sẽ chiếm được thủ đô Kyiv trong vài ngày và cả nước trong một tuần, quân đội Ukraine sẽ tan rã. Ngạc nhiên, rồi kính trọng, khâm phục, ai cũng thấy phải hết lòng giúp dân Ukraine.

Lần thứ nhì, một tháng sau, nỗi kinh ngạc chuyển thành phẫn nộ, kinh tởm, khi nhìn hình ảnh những xác chết trên đường phố sau khi quân Nga rút khỏi thị xã Bucha. Không thể tưởng tượng trong thế kỷ 21 đạo quân của một cường quốc mạnh nhất thế giới có thể thản nhiên tàn sát thường dân như vậy. Không phải chỉ là xâm lăng trên một nước, mà là tấn công vào cả nền văn minh nhân loại.

- Quảng Cáo -

Bucha, 28 ngàn dân, được gọi là “Srebrenica Mới,” nhắc lại tên một thị xã, nơi quân Serbia đã giết hơn 8.000 thường dân năm 1995, khi người Bosnia theo Hồi Giáo, nổi lên đòi độc lập, tách ra khỏi Liên bang Nam Tư.

Chị Yulia Truba nói chuyện với chồng lần chót vào bốn tuần trước, anh Andriy Dvornilov báo tin đang lái xe thì bị quân Nga bắt. Chị biết tin chồng chết khi nhìn hình ảnh trên một trang Facebook, chị kể với tuần báo Economist: “Tôi nhận ra cái quần anh mặc, cái lưng anh, những hình xăm tattoos…”

Người chứng kiến anh Dvornilov bị bắn là Vanya Skyba, bị bắt cùng lúc với 7 người đàn ông khác. Quân Nga đem họ xuống hầm một ngôi nhà, bắt cởi quần áo, nằm sấp xuống và chọn một người thấp bé, đeo kính trắng, dân làng Ivano – Frankivsk, đem ra bắn để đe dọa. Sau đó họ đánh đá, tra tấn trong mấy giờ. Lính Nga đưa tất cả ra ngoài, đứng dựa tường, rồi bắn. Skyba còn sống nhờ đã nằm yên giả bộ chết. Viên đạn chỉ chạy xuyên qua xương sườn. Anh chờ cho đến khi không nghe tiếng người nói nữa mới đứng dậy, leo tường trốn.

Cậu Yuriy Nechyporenko dân Bucha, 14 tuổi, kể với đài BBC. Ngày 17 tháng Ba, hai bố con cậu đi tới trụ sở làng vì nghe ở đó phát thuốc và thức ăn. Đi tới đường Tarasivska họ bị quân Nga chặn lại. Ruslan, ông bố, bị bắn hai phát vào ngực, đúng trái tim. Yuriy bị bắn trúng bàn tay trái, bắn thêm phát nữa vào cánh tay, cậu té xuống. Một phát nữa nhắm vào đầu Yuriy nhưng viên đạn chỉ xuyên qua cái mũ. Người lính bắn vào đầu ông bố thêm phát nữa. Yuriy nằm đè trên bàn tay bị thương, nhìn máu chảy. Khi thấy người lính đã đi rồi cậu mới đứng lên, chạy.

Theo hãng tin AP, đã tìm thấy 410 thi hài thường dân bị quân Nga giết ở các thị xã chung quanh thủ đô Kyiv. Ở thị xã Bucha, hơn 320 xác chết nằm rải rác ngoài đường, trong hai hố chôn tập thể chưa lấp. Có người bị trói tay đằng sau lưng, có người bị trói cả chân, vết đạn bắn vào gáy. Có người bị bắn khi ngồi trong xe, ở đó cho tới khi quân Ukraine chiếm lại thị xã. Báo Daily Mail kể theo một nguồn tin rằng ngày 1 tháng Hai, ba tuần trước khi tấn công, quân đội Nga đã được huấn luyện cách đào các mồ chôn tập thể, có thể chôn 1.000 xác chết trong ba ngày.

Đại sứ Ukraine ở Liên Hiệp Quốc đã chiếu một phim ngắn cho các nước thành viên Hội đồng Bản an coi. Phim dài dưới một phút, chụp các hình ảnh bi thảm, có xác đàn bà không còn quần áo, bị đốt cháy dở dang. Báo Daily Mail thuật lời Taras Kuzio, thuộc một tổ chức nhân quyền, “Cảnh quân Liên Xô cướp bóc, cưỡng hiếp ở Đông Âu và nước Đức thời Đại chiến Thứ Hai đã tái diễn ở Ukraine.”

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cải chính, coi những người chết ở Bucha là do quân Ukraine bắn. Còn nói các bức hình là giả tạo. Nhưng các vệ tinh của công ty tư nhân Maxar ghi lại hình ảnh các xác chết đã nằm trên đường từ ngày 18 tháng Ba, hai tuần trước khi quân Nga rút khỏi Bucha.

Bà Kaja Kallas, thủ tướng Estonia viết trên báo Economist, “Những hình ảnh kinh hoàng ở Bucha và Irpin, … khiến dân Estonia nhớ lại chế độ Xô Viết, (mật vụ) NKVD, … guồng máy khủng bố nhà nước cũng giết thường dân như vậy… Ukraine không phải là một chiến trường; đó là một phạm trường. Nga đánh Ukraine là đánh vào cả loài người.”

Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court) đã bắt đầu điều tra về tội ác chiến tranh ở Ukraine. Ông Karim Khan, công tố viên của Tòa đã đi Ukraine và Ba Lan thâu lượm các chứng cớ. Các nước Pháp, Anh, Mỹ, vân vân, cũng mở cuộc điều tra của họ. Ngay chính phủ Ấn Độ, một nước chưa lên án Nga, và Cộng sản Trung Quốc, cũng phải lên tiếng ủng hộ một cuộc điều tra quốc tế.

Tòa Hình sự Quốc tế có thể truy tố và xử những người chỉ huy quân Nga, từ trên xuống dưới, dù khiếm diện. Người chịu trách nhiệm cao nhất là bộ trưởng quốc phòng Nga và chính ông Vladimir Putin. Sau Đại chiến Thứ Hai, Tướng Tomoyuki Yamashita đã bị xử về tội ác chiến tranh quân Nhật Bản đã phạm ở Philippines. Ông tự biện hộ rằng ông không ra lệnh và không biết gì về những vụ giết thường dân của binh sĩ. Nhưng cuối cùng ông vẫn bị tử hình, tổng thống Mỹ Harry Truman bác đơn xin ân xá và Yamashita bị treo cổ. Chính phủ Ukraine đang cử ra hàng ngàn biện lý phỏng vấn dân chúng các nơi đã thoát nạn. Người ta hy vọng quân sĩ và tướng tá Nga biết tin này sẽ dè dặt hơn trong thời gian sắp tới.

Mặc dù không thể đem tất cả các người lãnh đạo chiến tranh ở Nga ra tòa, nhưng guồng máy tư pháp quốc tế vẫn phải hành động để xác nhận lại rằng loài người không thể chấp nhận các tội ác thời chiến.

Ông Garry Kasparov, một kỳ thủ cựu vô địch thế giới gốc Nga viết trên nhật báo The Wall Street Journal ngày 3 tháng 4 năm 2022: “Mềm mỏng với những kẻ phạm tội ác chiến tranh là lập lại chính sách cầu hòa nhơ nhuốc đã đưa chúng ta đến cảnh chết chóc bây giờ.” Ông nói rõ, “Để cho ông Putin giữ một tấc đất của Ukraine sau khi đã đánh bom trên nhà cửa thường dân là điều không thể tưởng tượng. Nhường một vùng đất phía Đông Ukraine … để được ngưng bắn tức là cho ông Putin thêm thời gian củng cố quân lực tấn công lần sau, mà thế nào cũng có lần sau.” Ông Kasparov thuật lại lời bộ trưởng quốc phòng Latvia, Artis Pabriks đã nói với ông tuần trước, “Chúng tôi không sợ xe thiết giáp Nga, chỉ sợ phương Tây mềm yếu.”

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cũng thấy không thể nhân nhượng cầu hòa với Vladimir Putin. Ông Morawiecki hỏi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron: “Có thể nào thương thuyết với Hitler, với Stalin, với Pol Pot được không?”

Ông Kasparov đồng ý với Tổng thống Joe Biden: Giới lãnh đạo các nước tự do phải nói thẳng rằng nếu ông Putin không nắm quyền nữa thì thế giới này sẽ tốt đẹp hơn. “Phải nói rõ cho dân Nga hiểu rằng khi nào còn ông Putin thì nước Nga sẽ còn bị thế giới coi là hạ tiện (pariah) để những người trí thức, chỉ huy quân sự và dân Nga bình thường phải ngưng ủng hộ Putin.” Cuộc phong tỏa kinh tế toàn diện kéo dài khiến kinh tế Nga suy sụp sẽ thúc đẩy họ.

Trên tạp chí Atlantic, Bà Anne Applebaum cũng viết, “Nhiều người Mỹ muốn chú trọng đến cuộc chạy đua lâu dài với Trung Quốc, điều này có thể thông cảm. Nhưng khi nào vẫn còn bị ông Putin cầm đầu thì nước Nga còn đang gây chiến với chúng ta. Cũng như Belarus, Bắc Hàn, Venezuela, Iran, Nicaragua, Hungary,…”

Ngày quân Nga đánh Ukraine, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thay đổi chính sách hòa hoãn với Nga suốt 70 năm, ông gọi đây là một “Khúc Quanh Lịch sử” (Zeitenwende). Ngày 6 tháng Tư 2022, ông Olaf Scholz nói với các đại biểu quốc hội ở Berlin rằng nước Đức có thể cùng các nước khác đứng ra “bảo đảm an ninh” cho Ukraine nếu có một hòa ước. Một khúc quanh lịch sử đang diễn ra.

Thế giới đã kinh ngạc trước đức dũng cảm của dân Ukraine, đã ghê tởm trước những chứng cớ tội ác của quân Nga. Bây giờ ai cũng thấy chế độ Putin phải chấm dứt. Bởi vì, “Cuộc chiến Ukraine không phải chỉ là cuộc xung đột giữa hai quốc gia mà là chiến trường quyết định tương lai của tự do dân chủ,” như ông Francis Fukuyama mới viết trên tạp chí Foreign Affairs. “Nếu ông Putin thắng thế khi tấn công nền độc lập và dân chủ của Ukraine, thế giới sẽ quay trở lại thời kỳ đầu thế kỷ 20 của chủ nghĩa dân tộc độc tôn cuồng bạo.”

NND

- Quảng Cáo -