RFA |
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tố cáo chính quyền Việt Nam ngăn chặn, giới hạn quyền đi lại của giới hoạt động xã hội và những người bất đồng chính kiến. Những người bị ngăn chặn xác nhận chuyện này xảy ra công khai nhiều năm qua.
Hôm 17 tháng 2 năm 2022, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch – HRW) tổ chức buổi công bố báo cáo tại Câu lạc bộ Báo chí Thái Lan về tình trạng vi phạm nhân quyền của chính quyền Việt Nam đối với giới hoạt động xã hội và những người bất đồng chính kiến. HRW coi việc canh chặn, không cho giới bất đồng chính kiến ra khỏi nhà vào những dịp mà họ cho là ‘nhạy cảm’ là sự vi phạm “có hệ thống và trên quy mô rộng.”
Đây là chuyện xảy ra ở Việt Nam từ nhiều năm qua nhưng theo ông Phil Robertson, Phó giám đốc phân ban Châu Á của HRW, thì đây là lần đầu tiên tình trạng vi phạm quyền tự do đi lại của công dân ở Việt Nam được hệ thống lại một cách chi tiết và đầy đủ với những hồ sơ cụ thể. Ông nói tại buổi họp báo:
“Đây là những ví dụ minh hoạ rõ nét của hệ thống mang tính đàn áp và đe doạ, khiến Việt Nam trở thành một trong những nước có chính phủ lạm dụng nhân quyền một cách tồi tệ nhất ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Đây là cách mà chính quyền đe doạ những nhà hoạt động cũng như gia đình của họ, và hòng tìm cách kiểm soát những người này.
Chỉ khi các chiến thuật đe doạ không tỏ ra hiệu quả, thì nhà nước Việt Nam mới dùng đến phương án bắt bớ, khởi tố, và bỏ tù người bất đồng chính kiến.”
Một người trong giới bất đồng chính kiến (tạm thời không muốn nêu tên vì lý do an toàn) nói với RFA vào sáng 17 tháng 2 năm 2022:
“Hôm nay là ngày 17 tháng 2 nên bây giờ đang có người canh trước cửa nhà tôi đây. Trước đây họ còn gắn mấy cái camera chĩa thẳng vào nhà tôi. Mấy ngày họ cho là nhạy cảm như ngày mất Gạc Ma, mất Hoàng Sa, ngày 17 tháng 2 thì cả một ‘chợ bánh canh’ quanh nhà.
Mình ra khỏi nhà thì bị đẩy ngược lại. Nếu mình cố tình đi thì họ kêu thêm người rồi vây mình lại. Hỏi lý do thì họ sừng sộ rồi nói những lời xúc phạm mình. Nếu mình chống lại thì họ đánh mình và công an quanh đó sẽ bắt mình với tội ‘gây rối.’ Chuyện an ninh canh chặn với sắc phục và thường phục đều có. Họ canh công khai.”
Anh Lê Hoàng, một người từng nhiều lần xuống đường biểu tình chống Trung Quốc cho RFA hay, những người ngồi canh, chặn thường là công an phường, quận mặc thường phục mà những người thường xuyên bị canh, chặn không lạ gì họ. Anh nói tiếp:
“Chắc là họ ra quy chế rõ ràng. Ví dụ ngày mai sai lính chặn ở nhà không cho đi đâu là họ chốt chặn không cho mình ra khỏi cửa luôn. Mình đi ra là họ gây sự và đẩy mình vào. Họ cho khoảng ba, bốn người canh. Như em là họ cho bốn người. Bốn người thì mình ra là họ đẩy mình vào ngay; họ làm đủ trò ngay chứ không có chuyện mình cố tình đi được đâu. Còn trường hợp nhẹ hơn, chẳng hạn như mai đi thắp hương tưởng niệm thì họ không chặn nữa mà họ cho khoảng hai người đi theo rồi quay phim, chụp ảnh.
Em cho là họ quay phim, chụp ảnh để thứ nhất là báo cáo; thứ hai là để mình ngại hay mình sợ. Bọn em thì biết thừa là việc thắp hương, tưởng niệm chẳng ai có thể ngăn cấm được vì đó là quyền không thể chối cãi của mình.
Nếu mình bảo họ làm thế là vi phạm nhân quyền, tôi không có vấn đề gì cần giám sát hay vi phạm lệnh quản chế mà cứ theo tôi chẳng hạn thì họ không trả lời, họ né tránh.”
“Bánh canh” là thuật ngữ mà những người bất đồng chính kiến, giới hoạt động nhân quyền dùng để chỉ tình trạng bị an ninh canh giữ trước cửa nhà không cho đi đâu.
Việc an ninh canh nhà giới hoạt động, bloggers, cựu tù nhân lương tâm, cựu tù nhân nhân quyền… vào các dịp như đại hội đảng, họp quốc hội, nguyên thủ Hoa Kỳ thăm Việt Nam, ngày kỷ niệm cuộc chiến Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc, hải chiến Hoàng Sa, Gạc Ma hay trước các phiên xử những người bất đồng chính kiến… xảy ra từ nhiều năm qua mà nạn nhân chỉ có thể lên tiếng qua các trang mạng xã hội. Phía chính quyền thì bỏ ngoài tai, không thừa nhận cũng không chối bỏ. Chính quyền Việt Nam bị cho là bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế trong vấn đề nhân quyền.
Đầu năm 2019, khi Việt Nam tổ chức hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ – Bắc Hàn, hơn một chục nhà hoạt động chính trị nổi tiếng của Việt Nam cho Reuters biết, công an đã tăng cường giám sát và ngăn cản họ rời khỏi nhà tại Hà Nội.
Đầu năm 2021, vài ngày trước khi đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của đảng Cộng Sản Việt Nam khai mạc, nhiều người trong giới bất đồng chính kiến, giới phản biện bị an ninh ngồi trước cửa nhà theo dõi. Bác sĩ Đinh Đức Long là một người trong số đó. Ông chia sẻ với RFA:
“Nói về mặt luật pháp thì nếu mình ra khỏi nhà mà họ cản trở việc đi lại của công dân thì họ vi phạm. Còn họ chỉ canh mà không cản trở mình thì đấy là việc của họ thôi. Trên thực tế không ảnh hưởng gì. Chẳng có lệnh nào mà cũng chẳng có bản án nào của tòa hết. Họ canh thế để xem mình có làm gì không. Mang tính chất răn đe, phòng ngừa là chính.
Tất nhiên mình cảm thấy khó chịu. Khi tôi phát hiện ra sự việc và tôi chụp hình đưa lên Facebook thì một số tên còn đi qua trước cửa vung tay vung chân rồi dòm vào tận nhà. Tôi ví hành động đó như hành động của tàu chiến Trung Quốc ngang ngược tuần tra trên Biển Đông. Đe dọa, cướp bóc, giết hại ngư dân sinh sống, làm việc lương thiện trên vùng biển chủ quyền Việt Nam từ hàng ngàn đời nay.
Sau khi tôi so sánh như vậy trên Facebook thì họ rút ra xa hơn. Như vậy là họ có theo dõi và điều chỉnh kịp thời. Ít nhất là trường hợp của tôi.”
Tình hình nhân quyền Việt Nam bị HRW đánh giá là không cải thiện khi Hà Nội trừng phạt một cách có hệ thống đối với các nhà hoạt động dám công khai lên tiếng về hiện trạng đất nước. Ít nhất 63 người bị giam tù chỉ trong năm 2021 vì bày tỏ chính kiến hoặc tham gia các hội, nhóm bị Nhà nước xem là chống chính quyền. Trong số đó, nhiều người phải chịu những bản án rất nặng sau các phiên xử bất công dựa theo những cáo buộc ngụy tạo.
Ngoài HRW lên tiếng về tình hình nhân quyền Việt Nam, hôm 1 tháng 11 năm 2021, các Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc đã gửi một bức thư đến Chính phủ Việt Nam, yêu cầu cung cấp các thông tin về việc bắt giữ và kết án đối với một số các nhà hoạt động tại Việt Nam trong năm 2020 và 2021.
Hôm 21 tháng 12 năm 2021, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới đã gửi thư yêu cầu kéo dài thời hạn phúc đáp cho đến ngày 28 tháng 2 năm 2022./.