Tại sao lại phải cứ cố tình ‘hình sự hóa’?

- Quảng Cáo -

Phạm Lê Đoan (VNTB)

Chiều 23-1-2022, trong chuyến công tác tại TP.HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm, chúc Tết Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM.

Cho rằng ý kiến của các đại biểu Quốc hội là một kênh rất quan trọng cho sự chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tiếp tục làm tốt vai trò nắm bắt thông tin. Các đại biểu tiếp nhận thông tin từ báo chí, nhân dân, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, hiệp hội… sau đó thảo luận, đánh giá, cho ý kiến kiến nghị.

Chủ tịch nước cũng cho rằng, sức mạnh của Quốc hội chính là sự công khai, minh bạch và yêu cầu giải trình. Do đó, cần nắm bắt thông tin của nhân dân và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

- Quảng Cáo -

Để phát triển TP.HCM đột phá, đi đầu thì thể chế pháp luật cần thông thoáng, nhưng phải đồng bộ và chặt chẽ, không để bị lợi dụng. Các đại biểu là một kênh thông tin rất quan trọng để kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm.

“Những bức xúc nhỏ như những đám lửa nhỏ, phải giải quyết thỏa đáng để không bùng lên. Do đó, các đại biểu phải tranh luận đến cùng để các cơ quan chức năng có kết luận sớm những vấn đề liên quan đến đời sống nhân dân”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là đại biểu Quốc hội tại đơn vị bầu cử số 10 gồm các huyện Củ Chi và Hóc Môn, TP.HCM.

Như vậy, nếu quả ông Phúc thật tâm cầu thị lắng nghe ý kiến của dân, mong rằng ông hãy ‘lệnh’ nhóm trợ lý của Chủ tịch nước, gồm các ông: Cấn Đình Tài, Nguyễn Hoàng Anh, Bùi Huy Hùng hãy theo dõi đầy đủ các bài viết phản biện chính trị ôn hòa trên trang Việt Nam Thời Báo, qua đó đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM Nguyễn Xuân Phúc có thể thêm được kênh đa chiều về các vấn đề dân sinh, qua lăng kính từ căn cứ hiến định về nhân quyền theo cách hiểu phổ quát của thế giới.

Lưu ý, yêu cầu trên cho thấy còn là điều cần thiết khi ông Nguyễn Xuân Phúc đang giữ Chức vụ Trưởng ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương.

Thế nhưng ở đây vẫn là lằn ranh mong manh của ‘phản biện’ và cáo buộc mang tính áp đặt của ‘phản động’ cho việc cố tình hình sự hóa một quan hệ dân sự hiến định.

“Hiện nay, một số người mượn danh “nhà dân chủ” ra sức vu cáo Đảng ta “vi phạm dân chủ, nhân quyền, quan liêu, tham nhũng”; lợi dụng mạng xã hội để tập hợp lực lượng, kích động, gây áp lực đòi “đa nguyên, đa đảng”. Mới đây, họ cho ra đời cái gọi là: “Diễn đàn xã hội dân sự”, với mục đích để “chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta một cách ôn hòa”. Đây chỉ là “bình mới, rượu cũ” của các phương thức chống phá cách mạng Việt Nam”.

Lập luận trên bàng bạc trong các bài viết nằm trong các chuyên mục “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của nhiều tờ báo thuộc cơ quan Đảng.

Trong khi đó nếu sòng phẳng tranh biện, tin rằng dù ở phe nhóm nào đi nữa thì ai cũng hiểu nguyên tắc chung về hiến pháp của mỗi quốc gia, là đều thừa nhận các quyền con người về chính trị của công dân, và mọi công dân đều có quyền sử dụng quyền này để chống lại đảng cầm quyền, chống lại chính phủ bằng biện pháp hòa bình khi họ không còn hài lòng với sự lãnh đạo của đảng cầm quyền, và chính phủ, hoặc khi họ thấy quyền, lợi ích của họ, lợi ích của quốc gia bị xâm phạm.

Rất đơn giản, khi các công dân sử dụng các quyền chính trị của mình như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, lập hội, biểu tình để ca ngợi và ủng hộ đảng cầm quyền thì không có đảng cầm quyền, chính phủ nào lại trừng phạt họ.

Như vậy thì không cần thiết phải qui định các quyền con người về chính trị này vào trong hiến pháp và luật để bảo vệ các công dân ủng hộ chính phủ và đảng cầm quyền, và Liên Hiệp Quốc cũng không phải đưa các quyền này vào Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị để buộc các quốc gia thành viên phải tôn trọng.

Một đơn cử, nếu như trên trang Việt Nam Thời Báo có tuyến bài nội dung ngợi ca người đứng đầu đảng như sau đây, có lẽ nhà chức trách vẫn ‘định hướng’ là tác giả đang xỏ xiên, vì trang Việt Nam Thời Báo vốn được xem là trang báo có nhiều hội viên trong lao tù theo tội danh ở Điều 117, Bộ luật hình sự.

Vậy thì liệu đại biểu Quốc hội Nguyễn Xuân Phúc có gật gù đồng ý trong bối cảnh đồn đoán rằng ông đang nhăm nhe ‘soán’ ghế quyền lực số 1 quốc gia, về bài ngợi ca sau đây trước thềm xuân Nhâm Dần hay không?

“Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta

Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa

Chỉ biết quên mình cho hết thảy

Như dòng sông chảy nặng phù sa.

Ta vào thăm Bác gặp cụ Hồ

Trán rộng yêu thương, dõi mắt nhìn

Người đến cùng ta ngồi với Bác

Như hình với bóng một anh linh.

Hai Bác là hai người ở hai thế hệ khác nhau, nhưng cùng có chung điểm tương đồng là yêu nước, thương dân, sống giản dị, gần gũi với người lao động.

Hôm nay, Bác Hồ không còn nữa nhưng đất nước Việt Nam vẫn còn có Bác Trọng kế tiếp sự nghiệp vẻ vang của Đảng để đưa đất nước đến bến bờ vinh quang như Bác Hồ hằng mong ước”.

Một chút nhắc lại để tránh việc chụp mũ chính trị hóa trang Việt Nam Thời Báo ở tuyến bài phản biện ôn hòa: trong tiết về Tư tưởng Hồ Chí Minh, các báo cáo viên thường kể về một lần nói chuyện với đại biểu nhân sĩ trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa, Bác Hồ quả quyết rằng “Là đầy tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đầy tớ. Làm việc ngày nay không phải để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ. Nhưng khi dân dùng đày tớ làm việc cho mình, thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi”./.

- Quảng Cáo -