Ngọc Vân – (VNTB) – Thường thì khi thấy ai có gì hay, người ta tìm cách bắt chước. Thậm chí, nhiều người còn cố gắng làm cho hay hơn.
Nhân vụ Việt Á, tôi xin trình bày vài điểm khác biệt cũng như tương đồng vài nét tương đồng cũng như khác biệt giữa hai hệ thống phòng chống tham nhũng tại Hoa Kỳ về Việt Nam với hy vọng giúp bạn đọc có thêm một góc nhìn về tình trạng càng chống, tham nhũng càng nghiêm trọng ở Việt Nam.
Hoa Kỳ có thứ hạng minh bạch cao, hạng 25/180, trong khi Việt Nam có thứ hạng thấp (104/180). Câu hỏi đặt ra là hệ thống phòng chống tham nhũng của hai quốc gia này có gì khác nhau?
Thứ nhất, Hoa Kỳ cho phép người tố cáo tham nhũng giữ kín danh tính khi tố cáo. Nói cách khác, luật pháp Hoa Kỳ cho phép tố cáo nặc danh. Ngược lại, luật pháp Việt Nam yêu cầu người tố cáo phải công khai danh tính. Khoản 2, Điều 9 Luật Tố Cáo năm 2018 quy định: “Người tố cáo phải tố cáo trung thực, nêu rõ họ, tên, địa chỉ, cung cấp thông tin, tài liệu mà mình có và hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Người tố cáo mà cố tình tố cáo sai sự thật phải bị xử lý nghiêm minh, nếu gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.” (1) Khi đọc điều này, tôi nghĩ rằng những người tố cáo sẽ lo ngại cho sự an toàn của mình, trừ khi họ là người có quyền lực mạnh hơn người, hay tổ chức họ tố cáo. Dân gian có câu: “Đấu tranh, tránh đâu.” mà. Làm sao một người dân thường dám công khai chống lại một quan chức quyền lực hơn họ. Biết đâu, các quan chức này còn có bè cánh của mình. Không chỉ ở các cấp thấp, mà còn ở cấp rất cao (2). Dân đen, làm sao biết được những mạng lưới này? Nếu không biết, có dám liều không?
Có những người dám liều bạn ạ. Tuy vậy, nhìn vào kết quả, có lẽ ngày càng ít người dám noi gương họ. Thầy Đỗ Việt Khoa, ở Hà Tây là một trong những trường hợp như vậy. Đấy là những chuyện nổi đình nổi đám trong xã hội và được nhiều người biết đến. Có những chuyện mà nghe người ta cảm thấy rợn người. Bạn học của tôi, nhà đối diện với Bệnh viện Tâm Thần Biên Hòa, kể với tôi rằng có một chị làm kế toán ở một cơ quan nhà nước chống tham nhũng. Chị ấy bị đưa vào bệnh viện Biên Hòa. Không biết ở trong đó người ta làm gì chị. Cuối cùng chị mắc bệnh tâm thần khi ở trong đó. Có thể bạn đọc không tin vào câu chuyện này nhưng nó đã từng xảy ra với những người mà trước khi họ có mâu thuẫn với nhà cầm quyền, chưa ai nghe nói rằng họ bị tâm thần. Trường hợp gần đây nhất là anh Trịnh Bá Phương (3).
Ở Hoa Kỳ thì khác, chính khả năng giữ kín danh tính của người tố cáo mà ở Hoa Kỳ đã xảy ra các vụ chống tham nhũng thành công ở cấp cao nhất: hạ bệ tổng thống Nixon. Năm 1972, Mark Felt, một phó giám đốc của Cục Điều Tra Liên Bang, là một trong 5 người được báo cho biết trước rằng sẽ có một cuộc khám xét đại bản doanh của ủy ban Toàn Quốc của Đảng Dân Chủ. Ông đã quyết định tìm hiểu mức độ can dự, nếu có, của Nhà Trắng. Bị cấp trên cảnh báo phải dừng các cuộc điều tra này, ông quyết định rằng báo chí là kênh duy nhất để phanh phui vụ tham nhũng quyền lực và sự thông đồng của Nhà Trắng. Sử dụng biệt danh Deep Throat (tạm dịch: người tiết lộ thông tin mật), ông thường xuyên gặp gỡ các nhà báo Bob Woodward và Carl Bernstein, giúp họ phanh phui vụ việc và cuối cùng dẫn đến việc từ chức của Tổng Thống Nixon (4).
Hơn nữa, giá trị của bằng chứng tố cáo, cái mà các cơ quan này có thể chọn xác minh hoặc không xác minh, tùy theo mức độ khả tín, cũng như mức độ nghiêm trọng có thể của vụ việc, là yếu tố quan trọng nhất chứ không phải danh tính người tố cáo. Tôi không hiểu sao nhà cầm quyền Việt Nam lại bắt người tố cáo phải công khai danh tính.
Thứ hai, luật pháp Hoa Kỳ cho phép những người không phải công dân Hoa Kỳ tố cáo tham nhũng trong khi tôi chưa tìm thấy văn bản luật Việt Nam nào cho phép làm điều này. Phải nói, điều này cho thấy tính quang minh của nhà nước Hoa Kỳ trong việc chống tham nhũng. Bất kể anh là công dân của nước nào, anh cũng có thể giúp Hoa Kỳ chống tham nhũng. Việc cho phép công dân nước khác tham gia chống tham nhũng không chỉ tồn tại trên giấy. Tháng 11 vừa qua, ông Kim Gwang-ho, một kỹ sư người Hàn Quốc đã được thưởng 24 triệu USD sau khi giúp cơ quan kiểm soát an toàn xe cơ giới Hoa Kỳ phát hiện ra việc công ty Huyndai không sửa chữa một lỗi an toàn liên quan đến động cơ xe của hãng này (5). Hãng xe Huyndai chiếm khoảng 4% thị phần xe hơi tại Mỹ (6).
Đó là về các điểm khác biệt. Các điểm tương đồng thì sao?
Cả luật pháp Hoa Kỳ và Việt Nam đều cho người tố cáo được hưởng một phần số tiền thu hồi được từ các vụ tham nhũng. Việt Nam cho phép người tố cáo được thưởng đến 600 tháng lương cơ sở hay 3,4 tỷ đồng (7). Luật pháp Hoa Kỳ cho phép người tố cáo hưởng từ 15 đến 30% số tiền thu hồi được. Thực tế thì sao? Tại Hoa Kỳ, số tiền lớn nhất mà chính phủ Hoa Kỳ trả cho một vụ tố cáo đã từng xảy ra là 3 tỷ Mỹ kim, cho hãng luật Phillips & Cohen (8). Riêng trong năm 2021, chính phủ Hoa Kỳ đã chi thưởng cho 108 vụ tố cáo tham nhũng với tổng số tiền thưởng là 564 triệu USD.
Chính phủ Việt Nam đã chi thưởng cho người tố cáo tham nhũng nào chưa? Tôi không tìm được thông tin về việc này. Bạn đọc, nào có xin chia sẻ với tôi qua email của ban biên tập Việt Nam Thời Báo. Tôi xin cảm ơn trước.
Qua một số điểm khác biệt và tương đồng, có thể thấy hệ thống công dân chống tham nhũng tại Hoa Kỳ đang hoạt động tốt và hệ thống của Việt Nam thành công trong việc … ngăn người dân chống tham nhũng. Cá nhân tôi thấy những điều nhà nước Hoa Kỳ thực hiện như kể trên là khó đối với nhà cầm quyền Việt Nam. Quan trọng là họ có muốn làm hay không thôi.
_____________
Tài liệu tham khảo
(2) Kỳ II: Tham nhũng: Thực trạng và nguyên nhân (thanhtra.com.vn)
(3) Nhà tranh đấu Trịnh Bá Phương bị đưa vào bệnh viện tâm thần (nguoi-viet.com)
(4) 7 Of The Most Famous Whistleblower Cases in the U.S (coxwelllaw.com)
(5) Whistleblower gets record $24 million for exposing Hyundai and Kia’s safety lapses – CNN
(6) Hyundai Sales Figures – US Market | GCBC (goodcarbadcar.net)
(7) Người tố cáo tham nhũng được thưởng đến 3,4 tỷ đồng (thuvienphapluat.vn)