Trích Tuổi trẻ:
“Chỉ cần gõ dòng chữ “học sinh tự tử vì áp lực” trên thanh tìm kiếm mạng xã hội, gần 800.000 kết quả được đưa ra trong chưa đầy 1 giây. Hàng loạt bài báo với tiêu đề: “Báo động học sinh chịu áp lực dẫn đến tự tử”, “Học sinh trầm cảm vì điểm số”… có thể khiến nhiều phụ huynh giật mình. Họ đâu biết đang vô tình đặt áp lực lên vai con trẻ bằng những kỳ vọng về điểm số, thành tích”.
Báo Tuổi trẻ bình lý do: 1) Trẻ em dại dột, 2) Phụ huynh vô tình đặt áp lực lên vai con trẻ bằng những kỳ vọng về điểm số, thành tích.
1) Tôi không cho rằng trẻ em dại dột. Phải nói là chúng chịu hết nổi cái cuộc sống khốn nạn mà người ta áp đặt lên đầu của chúng. Trẻ luôn đúng: chúng nghĩ chúng sinh ra trên cuộc đời này để bay bổng vào chân trời hạnh phúc chứ không phải bị đày đoạ trong cái địa ngục gọi là học hành. Trong các loại đày đoạ, không gì khủng khiếp bằng nhồi nhét hết vào đầu cả đống tri thức mà những người làm chương trình và sách giáo khoa muốn chúng phải đạt được. Cả chương trình cũ lẫn chương trình mới đều đòi trẻ em phải “phát triển toàn diện”, trong khi sự thực chúng nhìn vào người lớn, không ai có thể phát triển toàn diện được. Thiên tài A. Einstein cũng thừa nhận, ông không thể biết tuốt, “mỗi trẻ em là một thiên tài, nhưng nếu bắt con cá leo cây, suốt đời nó sẽ tưởng nó ngu”. Có nghĩa là những em bé như con cá ấy phải chọn cái chết để không mang tiếng ngu, nhưng báo chí và đám người lớn kia lại vu cho nó “ngu”, “dại dột” mới tự tử.
2) Tôi cũng không cho rằng phụ huynh áp đặt lên vai con trẻ áp lực điểm số, thành tích. Ai là phụ huynh cũng đều hiểu rằng, nếu con mình không đạt điểm số, thành tích do các cấp quản lý giáo dục đưa ra, con em của họ, hoặc tương lai sẽ không có cửa nhận một tấm bằng để bước chân vào đời, hoặc hiện tại tự cảm thấy bị sỉ nhục, kể cả bị thầy cô, bạn bè sỉ nhục. Áp lực phải được nhìn như một hệ thống nhiều tầng từ cao xuống thấp đè đầu con trẻ. Phụ huynh chỉ là một nhân tố ở bậc thấp nhất, trên phụ huynh phải là thầy cô, trên thầy cô phải là các cấp quản lý trường, phòng, sở, trên sở là bộ, và trên bộ là các bậc chóp bu của trung ương. Xem nghị quyết trung ương, “cần phát triển con người toàn diện”, đến chương trình và sách giáo khoa với 5 phẩm chất, 10 năng lực cốt lõi… Tôi từng viết bài xác nhận chân thật, rằng tôi, tiến sỹ, không thể học nổi cái chương trình và sách giáo khoa hiện hành với một dung lương tri thức đồ sộ, đánh đố trí tuệ (dù là trí tuệ của tôi chứ không phải con trẻ) mà ông Thuyết, ông Thống hoang tưởng khi đề xuất xây dựng mẫu con người đạt được 5 phẩm chất, 10 năng lực, dù là “cốt lõi”. Nếu bắt tôi phải học lại cái chương trình và sách giáo khoa này, tôi cũng hết muốn sống!
Mỗi khi đọc báo, thấy trẻ em hoặc bị tâm thần hoặc tự tử, tôi chỉ nghĩ đến hung thần, tử thần của cái thời đại này là ông Nguyễn Minh Thuyết và đồng liêu của ông.
Trẻ em không dại dột, ắt người lớn phải dại dột. Người lớn ấy ắt là phụ huynh khi không vùng vẫy cất lên tiếng kêu cứu cho con em mình mà chịu sức đè từ trên xuống thành đè bẹp con mình. Riêng lãnh đạo và người làm chương trình và làm sách thì không dại dột
chút nào. Khôn đáo để. Trước khi đè bẹp con em nhân dân trong tình trạng loạn não và chết tức tưởi, họ đã giải thoát con em họ tị nạn giáo dục. Họ biết làm sách, buôn sách trên xương máu con em người khác nhưng được tiếng là nhà cải cách “vì con em chúng ta”./.
Chu Mộng Long