Sự dốt nát mà tôi muốn nói đến ở đây không phải là thiếu kiến thức, thiếu trình độ mà là sự thiếu kiến văn, thiếu tầm nhìn và thiếu nhân tính. Một khi nhân tính không có, chưa được sống trong môi trường dân chủ và phải chịu độc đoán, độc tài quá lâu, người ta sẽ định nghĩa về tự do, dân chủ bằng con mắt độc tài, bằng hệ qui chiếu của kẻ quen áp đặt, trường hợp Thủ tướng Phạm Minh Chính là một ví dụ, rất điển hình.
Trong lần chống dịch thứ tư, hay nói chính xác hơn, từ khi ông Chính lên làm Thủ tướng, tình hình dịch giã thay đổi một cách bất thường, trong lúc dịch khu vực đang giảm, Việt Nam lại tăng đột biến. Điều này khiến tôi nhớ đến câu “nếu cột điện Mỹ có chân, nó sẽ chạy sang Việt Nam” của cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Nói thì nghe khôi hài nhưng ông Phúc có cái lý, cái tự tin của ông ta, bởi ông ta có cách chống dịch khoa học và nhân văn hơn, ông ngăn chặn dịch từ bên ngoài chứ không nhốt dịch thành từng chuồng trại bên trong như ông Chính sau này. Khi ông Chính lên làm Thủ tướng không bao lâu thì dịch hoành hành, và tính cách độc đoán, cá tính thổ ti miền núi Thanh Hóa của ông Chính thể hiện rất rõ (xin nhấn mạnh, cá tính thổ ti, những kẻ có quyền lực của các tộc người thiểu số, chứ người dân Thanh Hóa thì không đến nỗi): Độc đoán; Ôm đồm và Toàn tri.
Vì sao tôi nói ông Chính độc đoán, bởi tất cả các hành vi của ông trong chống dịch, tôi dám nói một điều rằng ông làm mích lòng không ít những người cấp dưới, bởi cách đe nẹt, chỉ mặt và nhúng tay quá sâu vào công cuộc chống dịch địa phương. Ông cứ nghĩ Sài Gòn cũng giống như miền núi Thanh Hóa, nhà cách nhà vườn cách vườn cả vài trăm mét, không khí thoáng đãng, mát mẻ và người ta có thể ra vườn vạch quần mà đái. Chính cái cách nghĩ thô sơ này dẫn đến quyết định phong tỏa tối đa Sài Gòn, nếu cơ quan chấp pháp không phong tỏa nổi thì đưa quân đội vào phong tỏa. Và phong tỏa quyết liệt đến mức cả Bí thư Sài Gòn cũng than thở rằng cách ly, tìm ra F0 rồi đó mà chẳng biết làm gì? Câu nói này hàm ý rằng ông ta, quyền lực cao nhất Sài Gòn cũng không biết mình phải làm gì, chỉ biết làm theo chỉ đạo của bên trên. Rõ ràng, ở đây, ông Chính là kẻ độc đoán, là kẻ chỉ đạo tối cao để phong tỏa Sài Gòn, để đưa đến hậu quả chết gần hai mươi mấy ngàn người, không ai khác.
Và hầu hết các cuộc họp trực tuyến, ông Chính hỏi các lãnh đạo địa phương về số ca mắc trong ngày, tình hình chuyển biến dịch, nếu lãnh đạo nào không trả lời kịp thì bị ông quở trách, nói giễu cợt, một cung cách làm việc nếu nhìn qua thì thấy có vẻ nghiêm túc, bám sát thực tế, nhiệt tình, nhưng kỳ thực, nó che giấu bên trong sự ôm đồm và coi thường cấp dưới, một kiểu làm việc mang màu sắc quân phiệt. Bởi việc cấp dưới chưa cập nhật được tình hình dịch bệnh, báo cáo chậm, báo cáo dựa vào số liệu của trợ lý là bình thường, vấn đề giải quyết nó như thế nào mới là quan trọng. Ở đây, ông Chính đưa ra chỉ thị, đưa ra chương trình chống dịch chung và cụ thể cho cả nước rồi áp đặt cho mọi nơi đều dùng chung một kiểu, công việc của lãnh đạo địa phương là cập nhật mỗi ngày, báo cáo nhanh gọn cho ông. Cách làm việc này lấy mất khả năng ứng biến tại chỗ của lãnh đạo mỗi địa phương và biến các lãnh đạo địa phương thành một loại báo cáo viên, một con vẹt có thẻ.
Và khi hàng chục ngàn cái chết xảy ra, khi hàng chục ngàn người lây lất đói khổ, hàng chục ngàn người chạy về quê như thú hoang chạy cháy rừng… Hệ lụy không biết đâu mà lường, thì ông Chính mới tạm dừng kiểu giới nghiêm, khoanh vùng, phong tỏa lại. Kết quả là mặc dù dịch vẫn tràn lan, F0 đầy rẫy, nhưng gần tháng qua, không có tình trạng chết chồng chết chất như lúc Sài Gòn bị phong tỏa. Và nếu không lầm thì người chết vì dịch đã giảm xuống mức tối thiểu. Điều này cho thấy biện pháp chống dịch trước đó hoàn toàn thất bại và có tác dụng ngược. Nhưng bản tính cố chấp của ông Chính vẫn chưa giảm, ông vẫn tiếp tục ra lệnh rà soát tiêm vaccine bằng mọi giá, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để tìm và tiêm. Người nào không tiêm thì dùng biện pháp mạnh, chẳng hạn như chữa bệnh tự trả tiền. Tôi xin trích văn bản cuộc họp mới đây nhất: “Chỉ đạo tại cuộc họp toàn quốc về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tiêm vét vắc-xin, ai chưa tiêm buộc phải tiêm, ai cương quyết không tiêm thì phải xử lý theo quy định của pháp luật như không tiêm thì chữa bệnh phải trả tiền…
Kết luận cuộc họp trực tuyến toàn quốc về phòng, chống dịch Covid-19 ngày 10-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số mục tiêu, nhiệm vụ cần tập trung làm bằng được trong thời gian tới, đó là kiểm soát rủi ro, giảm tối đa số ca chuyển nặng và tử vong; đồng thời “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, thần tốc hơn nữa trong chiến dịch tiêm chủng với mục tiêu, lộ trình cụ thể cho từng nhóm độ tuổi…” (nguồn: báo Người Lao Động).
Đến đây thì thực sự là lòi cái dốt căn bản của một ông ngồi ghế Thủ tướng. Vì sao? Vì khi trả lời phỏng vấn của các cơ quan truyền thông nước ngoài, ông Chính từng định nghĩa “dân chủ là mọi người có cơm ăn, có áo mặc, có nhà ở…”.
Điều này khiến tôi giật mình, mà không riêng gì tôi giật mình đâu, bởi cái cách định nghĩa về dân chủ như thế này đã kéo đất nước thụt lùi ít nhất cũng nửa thế kỉ. Cơm ăn, áo mặc, nhà ở là nhu cầu tối thiết, con gà, con vịt, con chó, con mèo, bất kì con vật nào cũng cần cơm ăn, và nhà ở cũng vậy, về áo mặc, con người mặc áo quần, con vật mặc bộ lông, nó cũng cần bộ lông sạch, đẹp.
Những thứ mà ông Chính nghĩ là dân chủ, thực ra thuộc về nhu cầu và bản năng tự nhiên, nó không phải là khế ước của một xã hội văn minh. Dân chủ là một khế ước, là cách định nghĩa về chỗ đứng cùng với các giá trị liên đới của con người trong xã hội loài người, một xã hội văn minh. Và dân chủ không phải là cơm ăn, áo mặc hay nhà ở, mà là chỗ đứng, vị trí công dân, vị trí nhân phẩm, vị trí tiếng nói công dân, tự do ngôn luận, tự do thiết lập hội, nhóm…. Có cả một ngàn lẻ một các tiêu chí dân chủ mà bất kì một nhà lãnh đạo hiểu biết, tiến bộ nào cũng phải nắm rõ, trừ các nhà lãnh đạo độc tài ở các quốc gia lạc hậu. Câu định nghĩa về Dân Chủ của ông Chính vô hình trung đẩy đất nước về chỗ ngu dốt và lạc hậu. Bởi dù muốn hay không, lúc này ông cũng là gương mặt đại diện quốc gia.
Và cái cuộc họp gần đây nhất về vấn đề tiêm vaccine cho nhân dân theo kiểu áp đặt, đi từng ngõ, gõ từng nhà rà từng người của ông Chính càng chứng minh rõ hơn thứ tư duy độc đoán, nông cạn và không có dân chủ của ông. Vì sao tôi phải nói nặng lời như vậy? Vì quyết định, chỉ thị và mọi áp đặt của ông lúc này có liên quan đến hàng triệu mạng người chứ không phải là con gà, con chó, con lợn. Và quan trọng hơn cả là thứ tư duy phi dân chủ của ông đã đưa đến quyết định này, một quyết đình mà người dân chỉ thụ động hoặc sống, hoặc chết, sự sống và cái chết của người dân nằm gọn trong tay Phạm Minh Chính.
Rõ ràng, ở đây thiếu một động tác vô cùng quan trọng: Đó là cam kết từ phía Chính phủ và phía nhà sản xuất vaccine. Nếu tiêm vào mà chết, thì họ đền bù như thế nào? Bởi vaccine bán lấy tiền, đây là sản phẩm y tế nhằm đảm bảo sức khỏe cho con người, khi tiêm gây tử vong, thì người bán và người tổ chức tiêm phải chịu trách nhiệm. Đây là vấn đề vô cùng lớn, không đơn giản chỉ hỗ trợ vài chục triệu mua quan tài được. Thủ tướng phải có chính sách như thế nào để đảm bảo mạng sống cho người dân. Người ta đang lành mạnh, không bị nhiễm Covid-19, mà có bị nhiễm cũng chưa chắc đã chết. Đùng cái anh bắt người ta chích vaccine, tử vong thì anh ném vài chục triệu ra là xong sao? Cách làm việc vô trách nhiệm, vô lương tri như vậy có phải là cách làm việc của một nhà lãnh đạo có tâm, có tầm theo cách nói của các ông không?
Ông ra lệnh (rõ ràng ở đây là ra lệnh, phong cách làm việc của ông Chính thiên về ra lệnh và áp đặt) nếu như ai “chống đối” không chích vaccine thì dùng biện pháp mạnh, buộc phải tiêm, chữa bệnh phải trả tiền? Rõ ràng cái lệnh này có hai vấn đề: Thứ nhất là Thủ tướng Phạm Minh Chính phạm pháp mà ông vẫn dùng, vẫn cứ ra lệnh, áp đặt người dân tiêm vaccine, mà vaccine không bảo đảm có miễn dịch hay không, không bảo đảm có sốc phản vệ hay không? Bằng chứng là có nhiều người chết vì sốc vaccine, có nhiều ca F0 sau khi tiêm mũi hai. Như vậy thì việc áp đặt tiêm này nhằm mục đích gì? Nó có tác dụng gì?
Thứ hai, ông bắt người dân phải cam kết tự trả tiền chữa bệnh nếu không tiêm, thế cơ quan y tế, Chính phủ có cam kết nếu người tiêm bị sốc phản vệ, tử vong thì Nhà nước, Chính phủ và bản thân ông, người ra lệnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật chưa? Ông không thể bắt hàng triệu người dân phải chịu trách nhiệm khi chống lại cái chủ quan, áp đặt và thiếu hiểu biết của ông mà ông không chịu trách nhiệm nào trước nhân dân được!
Và, ông có biết ông đang phạm luật không? Đó là luật bảo hiểm y tế, khi người dân tham gia bảo hiểm y tế, họ sẽ được chữa bệnh bằng chính bảo hiểm y tế của họ, đây là quyền tối thiết của con người. Ông không thể can thiệp vào vấn đề chi trả từ cơ quan bảo hiểm y tế được, bởi ở đây, ngoài yếu tố y tế cộng đồng, nó còn là hợp đồng kinh tế giữa cá nhân với cơ quan bảo hiểm, người ta bỏ tiền ra mua gói bảo hiểm y tế cho bản thân, khi gặp sự cố sức khỏe, cơ quan bảo hiểm y tế phải chi trả, đó là nguyên tắc pháp luật. Ông căn cứ vào đâu để can thiệp vào chuyện này?
Ông bà nói rằng “cha nó lú có chú nó khôn”, tôi không tin rằng ông Phạm Minh Chính có thể một tay khuấy nước chọc trời, gây tổn hại nhân mạng không biết bao nhiêu cho nhân dân mà các ủy viên Bộ Chính Trị không nhìn thấy hoặc nhắm mắt làm ngơ. Và vấn đề chống dịch, ngoài ý nghĩa bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, thể hiện tính nhân đạo của nhà nước, chính phủ, đó còn là một vấn đề chính trị, một hành động chính trị. Đảng tốt đẹp hơn hay xấu đi, trở nên dốt nát trong mắt người dân lúc này đều phụ thuộc vào cách hành xử trong chống dịch, trong lúc dầu sôi lửa bỏng này.
Bởi suy cho cùng, nhân dân bây giờ hiểu biết và tiến bộ gấp nhiều lần so với nhân dân những năm 1980, 1990, 2000… Đó là sự thật, đừng để mọi sự trở nên quá muộn màng. Đừng đẩy nhân dân trở thành những con vật nằm kẹt cứng trong chuồng trại, bởi không có gì đáng sợ hơn những con vật đã quá sợ hãi được sổng chuồng. Hãy hiểu rằng nhân dân là con người, những con người tiến bộ và nhân ái!
VietTuSaiGon’s blog