Tân Phong – Việt Tân
Hôm 8 tháng Mười Hai, nhạc sĩ Phú Quang qua đời.
Là một người hâm mộ ông, nghe nhạc ông từ trẻ, hay tin ông mất, người viết đã định viết vài lời đưa tiễn người nhạc sĩ tài hoa nhưng không có lúc nào để ngồi xuống và nghe lại những bản nhạc như “Em ơi, Hà Nội phố,” “Nỗi nhớ mùa đông,” “Đâu phải bởi mùa thu”… để sống lại những cảm xúc đặc biệt thủa trước.
Tôi nhớ một cô giáo tiếng Anh dễ thương ở ngôi trường cấp 3 Ba Ngòi, Cam Ranh, cô ấy từng ao ước ra Hà Nội, đi trên những con phố xào xạc lá vàng, cảm nhận mùa thu ở nơi đó có như những gì Phú Quang viết hay không. Và rồi khi có dịp ra Hà Nội, thì lại thất vọng tới ngỡ ngàng “đời không như mơ.” Nhưng không vì thế, mà cô ấy hết yêu nhạc Phú Quang.
Những tác phẩm của Phú Quang hay trước đó là của lớp nhạc sĩ như Trịnh Công Sơn, Văn Cao, Đặng Thế Phong, Nguyễn Văn Tý… đã cùng nhiều thế hệ người Việt đi qua một giai đoạn đầy sóng gió thăng trầm lịch sử. Có thể nói, những tác phẩm của những nhạc sĩ, nhà văn mà tên tuổi của họ còn được nhắc lại mãi bởi lòng mến mộ của nhân dân, ở giai đoạn từ 30-45 đến những thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, đã tạo dựng nên một phông nền văn hóa rất bản sắc của lớp người không thiếu những Anh Hùng và Tài Hoa.
Khoan xét đến sự đúng sai trong lựa chọn về con đường mà ngay cả những vĩ nhân còn lầm lạc, nhưng bản lĩnh và khí chất của lớp người Việt thời đó đã được phác họa, tạo hình từ những tác phẩm nghệ thuật trong âm nhạc, văn chương, thơ ca… đầy âm hưởng anh hùng, lãng mạn, tình yêu đất nước tha thiết, tình yêu lứa đôi da diết… trong từng hơi thở, nhịp đập của con tim.
Tôi không có thói quen thần tượng và sùng bái idol. Nhưng tôi thực sự yêu mến những Anh Hùng và Tài Hoa. Cũng giống như những đứa trẻ của thời đại hôm nay yêu thích những siêu nhân, batman… Thế giới thời đại công nghệ, khoa học đang thống lĩnh, giới trẻ hôm nay sùng bái những tỷ phú như Mark Zuckerberg, Elon Musk, Bill Gates… và tất cả lao vào một cuộc đua tranh để thành công. Những ảnh hưởng của nghệ thuật, văn chương trở nên nhạt nhòa.
Nhưng con người nếu như không có âm nhạc, văn chương, thi ca, không hiểu biết về lịch sử, văn hóa… mà chỉ được khuyến khích tập trung tối đa vào công việc kiếm tiền, công nghệ, theo đuổi danh vọng… thì có lẽ một robot có bộ não AI cao cấp, sẽ làm việc đó tốt hơn con người.
Ảnh hưởng của những nhạc sĩ, nhà văn lớn đối với việc tạo ra các giá trị văn hóa có khả năng hun đúc những xúc cảm tích cực, thuần khiết… qua đó hình thành, định hướng nhân cách của con người là vô cùng quan trọng. Có lẽ bởi vậy, mà hàng triệu thanh niên miền Bắc khi nghe “Tiến quân ca” của Văn Cao, những bài thơ cổ động của Tố Hữu… dấn thân vào cuộc chiến tranh điêu tàn Nam Bắc phân tranh mà không tiếc mạng sống bản thân. Cũng như hàng triệu thanh niên miền Nam khoác chinh y, chiến địa vùi thây để mong ngày đất nước bình yên khi nghe các tác phẩm của Đại Tá Nguyễn Văn Đông…
Dù thế nào, ở cả hai bên chiến tuyến, tất cả những người đã ngã xuống hay còn sống… đã dấn thân, đã chiến đấu cho những lý tưởng và tình yêu của họ… đều là những anh hùng. Một quốc gia lớn mạnh hay không, phụ thuộc vào khí chất dân tộc, dựa vào những Anh Hùng và Tài Hoa để bảo vệ và kiến tạo quốc gia. Một quốc gia thất bại khi không còn Anh Hùng, không có Tài Hoa.
Nhìn về Việt Nam hôm nay, khi các Tài Hoa xưa cũ đã đi qua, không thấy bóng dáng những tài năng thực thụ của thế hệ kế cận. Chỉ thấy lềnh bềnh những rác rưởi thời đại. Tôi không thể hiểu những ca từ, những bài hát mà giới trẻ đang nghe và lải nhải những câu “đi đu đưa đi, khi đi hết mình, khi về hết buồn”… là gì. Tuyệt đại đa số giới trẻ hôm nay sùng bái đồng tiền, danh vọng, sắc đẹp.
Tất cả các tờ báo mạng “chính thống” chịu sự kiểm duyệt nghiêm ngặt của giới chức cầm quyền suy tôn những idol trong giới showbiz, thường trực các tiết mục khoe thân, khoe của, khoe tình nhân đại gia và kiếm tiền dễ dàng chỉ bởi “đầu tư” trên thị trường chứng khoán, tiền ảo, hay bất động sản đa cấp… cổ xúy cho phong trào sống gấp, sống ảo, bán thân với bất cứ giá nào để có được tiền tài danh vọng. Một lối sống thực dụng và trụy lạc được những người cộng sản suy tôn, khuyến khích cùng với một hệ thống giáo dục giáo điều, đạo đức giả và cùn mòn đã tạo ra những lớp thế hệ què cụt về nhân tâm lẫn tri thức.
Danh sách các quan chức mới ngày nào rao giảng đạo đức Hồ Chí Minh, ít bữa ra tòa với những tội danh tham nhũng hàng ngàn tỷ đồng đếm không xuể. Họ có chung một kịch bản thể hiện màn khóc lóc, xin lỗi “bác Trọng,” xin lỗi đảng, xin được tha bổng vì mắc bệnh nan y. Lộ trình chạy chọt luồn cúi, làm quan, tiến chức, vào tù vài năm để có được gia sản khổng lồ được coi là một “đầu tư đúng hướng siêu lợi nhuận” phổ biến ở Việt Nam, là sự lựa chọn của những kẻ “thức thời.”
Những thế hệ sinh ra sau chiến tranh không biết đến mất mát của chiến tranh, không có lý tưởng vệ quốc, cũng không có lý tưởng kiến quốc nhưng tham lam vô chừng. Những giáo điều về Marx Lenin và “tư tưởng Hồ Chí Minh” là thứ “kinh kệ, bùa chú” để tiến thân trên quan lộ. Thói dối trá, gian manh được phát huy cao độ ở lớp “tinh hoa cộng sản” đã trèo lên đỉnh cao danh vọng, trong một xã hội điêu tàn về nhân tâm, kiệt quệ về cả tinh thần lẫn vật chất.
Cách đây ít lâu, ông Tổng Tịch Nguyễn Phú Trọng tổ chức rầm rộ một đại hội văn hóa nhưng người ta không thấy bất cứ bóng dáng những văn nhân, nhạc sĩ, nghệ sĩ nào thực sự có tầm vóc, cũng không thể kiếm đâu ra một tác phẩm có tầm vóc. Nền văn hóa cộng sản kể từ 1975 tới nay, dù được đám ngợm cộng sản tô vẽ với đủ thứ phấn son rẻ tiền, đã thui chột và biến thái tới dị hợm. Và thế là họ ôm tất cả những gì hay ho, đáng giá của lịch sử quốc gia này vào để nhận đó là thành tựu của họ. Trơ trẽn và lố bịch, giáo điều và gian manh, vô sỉ nhưng đám gà vịt đó tự ca ngợi mình là “hồn cốt dân tộc.”
Có thể, những nhìn nhận trên quá bi quan? Vì rằng vẫn còn đó những người chiến sĩ cho Dân Chủ, Tự Do dấn thân vào chốn lao tù đầy khí phách như Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Chí Dũng, Lê Đình Lượng, Phan Kim Khánh, “cha già dân tộc” Bùi Văn Thuận, Huỳnh Thục Vy… họ như những cánh én lẻ loi, nỗ lực trong cô đơn đưa những thông điệp mùa xuân Dân Chủ vẫn còn “ở bên kia xa lắm” tới mảnh đất quằn quại đau thương hình chữ S này.
Chiến tranh đã đi qua, triệu triệu xương máu cả hai miền đã đổ xuống, nhưng thay vì một quốc gia giàu mạnh, công bằng, văn minh có Tự Do và Dân Chủ thì cái mà dân tộc Việt Nam nhận được là một ách cai trị hà khắc, tham tàn của CSVN, thân phận của một nước nghèo nhược tiểu, một chư hầu của Trung Quốc suốt gần một thế kỷ qua. “Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân” và đến bao giờ thì có những đàn én rợp trời Nam, đất Việt?
Có một chút vui vui khi nhìn thấy gương mặt xinh đẹp cùng với thần thái xuất chúng của người đẹp Nguyễn Thúc Thùy Tiên với kiểu chào “three-fingers salut” – một biểu tượng của phong trào Dân Chủ Châu Á tại cuộc thi người đẹp Hòa Bình Thế Giới. Cô đăng quang xứng đáng cả về tài năng và nhan sắc, cũng như thông điệp Dân Chủ của cô đã tạo ra nguồn cảm hứng mạnh mẽ.
Có thể còn quá sớm để nói về Thùy Tiên, nhưng một nhan sắc và trí tuệ, bản lĩnh như vậy là một viên ngọc sáng, một Tài Hoa và khí phách đáng trân trọng. Không hiểu sao, tôi nhớ đến hình ảnh người đẹp Génesis Carmona – hoa hậu du lịch của Venezuela, người đẹp đã ngã xuống trên đường phố, trong cuộc biểu tình chống chế độ độc tài Maduro. Tôi cầu mong sự bình yên và mọi điều tốt lành cho Thùy Tiên nhưng cũng e ngại câu nói như một lời nguyền “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng; Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu.”
Một người đẹp đầy trí tuệ và bản lĩnh như Thùy Tiên hẳn nhiên không dễ dàng chịu áp đặt, cô ấy đã tự lựa chọn con đường đầy chông gai với một sự tự tin của tuổi trẻ. Với biểu tượng ghi dấu tên tuổi của mình, cô ấy khởi đầu một hành trình gian truân trên mảnh đất tăm tối, dưới một chế độ phản động và vô nhân Cộng Sản. Nhưng tôi phải cảm ơn cô, vì đã cho tôi và có thể nhiều người khác tin rằng sẽ vẫn có những Tài Hoa, những Anh Hùng sinh ra trên mảnh đất này, tiếp nối nguồn mạch dân tộc chứ không phải chỉ còn điêu tàn trên quê hương non sông Việt Nam.
Tân Phong