Tập đoàn dầu khí Mỹ Exxon Mobil mới đây thông báo sẽ lại tiếp tục dự án khí Cá Voi Xanh trị giá 20 tỷ đôla với Việt Nam trên Biển Đông, sau những vướng mắc kéo dài tưởng chừng bế tắc nhiều năm qua.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam ‘kết nối’ lại làm ăn
Nhân chuyến thăm, làm việc với Nghị viện châu Âu và Vương quốc Bỉ hồi tháng 9 năm nay, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, ông Vương Đình Huệ đã gặp gỡ ông Perer Lavoy – Giám đốc cấp cao khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Tập đoàn Exxon Mobil tại Bỉ. Tin tức cho biết, ông Vương Đình Huệ ‘kêu gọi’ Exxon và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sớm đạt những thỏa thuận để có thể đưa dòng khí đầu tiên vào bờ vào năm 2024.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam xác nhận với phía đối tác rằng hiện nay, Dự thảo Quy hoạch điện VIII đã xem xét đề xuất phát triển một số dự án điện khí hoá lỏng LNG tại miền Bắc, trong đó có tại Hải Phòng. “Chúng tôi ủng hộ của Exxon Mobil xây dựng nhà máy điện LNG tại thành phố cảng này” – ông Huệ nói.
Về mặt truyền thông trong nước, tin tức được phép ‘đăng tải chừng mực’, đó là chuỗi dự án khí – điện Cá Voi Xanh đã chậm gần 2 năm so với kế hoạch ban đầu. Trước thực tế này, mới đây, Bộ Công thương đã yêu cầu các đơn vị liên quan thống nhất các thông số kỹ thuật của HOA GSA (lượng bao tiêu, khả năng bao tiêu của từng nhà máy, Pmax, Pmin, Ptb, mức dao động ngày đêm, thời gian cấp khí cho nhà máy điện hạ nguồn…) đảm bảo khả thi về mặt kỹ thuật, các nhà máy điện phải tiêu thụ được, cũng như đảm bảo hiệu quả tổng thể của toàn chuỗi dự án điện – khí Cá Voi Xanh.
Bộ Công Thương đã yêu cầu PVN phối hợp với đối tác tích cực làm việc với UBND các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, cũng như các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải để giải quyết các vấn đề về thuê đất, đường ống đi qua sân bay Chu Lai, xuất condensate qua cảng Kỳ Hà.
Nằm ngoài khơi bờ biển miền Trung của Việt Nam, mỏ Cá Voi Xanh có tiềm năng trở thành dự án khí đốt lớn nhất Việt Nam, với trữ lượng ước tính là 150 tỷ m3. Theo kế hoạch ban đầu, dòng khí từ mỏ Cá Voi Xanh sẽ đi qua một đường ống dài 80 km để đưa đến cơ sở xử lý gần thành phố Đà Nẵng. Sau đó, khí đốt đã qua xử lý sẽ được cung cấp cho 4 nhà máy phát điện tại khu vực miền Trung.
Tuy nhiên tin tức từ báo chí nước ngoài thì sau mười phiên đàm phán trong nhiều năm (giữa ExxonMobil và các bộ ngành), về cơ bản các bên đã thống nhất nội dung. Tuy nhiên, một nội dung quan trọng là trượt giá tiền đồng và USD thì vẫn chưa xong.
Hiện tại thì do dự án Cá Voi Xanh chưa phê duyệt “Kế hoạch Phát triển mỏ” FDP (xác định thời điểm cấp khí), các nghiên cứu khả thi các nhà máy điện vẫn phải nằm ở chế độ chờ, ít nhất đến cuối năm 2022.
Liệu Thủ tướng Phạm Minh Chính có ‘hóa giải’ được sức ép từ Trung Quốc?
Lâu nay trong giới quan sát chính trị ai cũng biết Bắc Kinh muốn ép Hà Nội không được hợp tác với ExxonMobil tại dự án Cá Voi Xanh, nhằm đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông. Nếu Cá Voi Xanh bị đình trệ, các dự án điện khí không tiến triển, Việt Nam buộc phải tiếp tục làm điện than, sẽ phải phụ thuộc vào Trung Quốc về an ninh năng lượng.
Trong bối cảnh đó, ghi nhận tại Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (COP26) tại Glasgow, Vương quốc Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết đạt mức “phát thải ròng bằng 0” vào năm 2050 qua việc triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ, dựa trên lợi thế về năng lượng tái tạo.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Diên cùng đại diện lãnh đạo hơn 40 quốc gia khác cũng đã ký vào “Tuyên bố toàn cầu về việc chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch”. Trọng tâm của tuyên bố là chuyển dịch từ sản xuất điện than hiện hữu sang điện sạch chậm nhất là vào thập niên 2040; ngừng cấp phép, ngừng xây mới các dự án điện than, chấm dứt nguồn hỗ trợ mới và trực tiếp của chính phủ đối với điện than trên toàn thế giới.
Như vậy điều kiện cần để đạt mục tiêu ‘phát thải ròng bằng 0’ vào năm 2050 là phải triệt để loại bỏ toàn bộ các dự án điện than xây mới sau 2021, và từng bước đóng cửa các nhà máy điện than đang vận hành như cam kết của Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên trong “Tuyên bố toàn cầu về việc chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch”.
Quy hoạch điện mới sẽ ưu tiên phát triển nhiệt điện khí để củng cố phụ tải nền và tăng cường độ linh hoạt của hệ thống điện, đồng thời phát triển mạnh điện gió và điện mặt trời.
Các nguồn khí nội địa từ mỏ Lô B, Cá Voi Xanh và tương lai là Kèn Bầu, cùng với nguồn LNG nhập khẩu từ Australia, Qatar, Mỹ, Nga, Canada… sẽ giúp Việt Nam chuyển đổi từ điện than sang điện khí theo xu hướng trên toàn cầu. Việc các nhà đầu tư liên tục đề xuất các dự án điện khí là tín hiệu rất tốt cho định hướng này, nhưng việc có các chính sách và thủ tục nhất quán để thúc đẩy đầu tư là điều mà các nhà đầu tư đang mong đợi để điện khí thật sự “cất cánh”.
Đây cũng chính là ‘căn bệnh trầm kha’ mà Thủ tướng Phạm Minh Chính phải ‘ra được toa thuốc hữu hiệu’ để cam kết đạt mức “phát thải ròng bằng 0” vào năm 2050 của Việt Nam là sự thật.
Toa thuốc đó sẽ có những ‘vị’ gì?
Theo giới chuyên gia về năng lượng và môi trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính hãy lựa chọn con đường đứng vào hàng ngũ những quốc gia có trách nhiệm khí hậu, họ sẽ giúp Việt Nam tối ưu hóa nội lực và huy động được ngoại lực./.